Chầu văn có đủ “sức nặng” để thành di sản?

02/10/2012 08:58 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Kết thúc tại Nam Định vào 30/9, cuộc hội thảo quốc tế về Đạo Mẫu Việt Nam đã đặt ra câu hỏi về khả năng chầu văn - một trong những bộ phận quan trọng của tín ngưỡng này - trở thành di sản quốc gia và thậm chí là... quốc tế?

Trước đó, chầu văn cũng là một trong 12 di sản được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh sách lập hồ sơ để xem xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp quốc gia - và sau đó, tùy thứ tự ưu tiên, có thể đệ trình lên UNESCO để được công nhận là DSVHPVT của nhân loại. Bởi thế, cuộc hội thảo tại Nam Định tập trung phân tích hàng loạt giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của Đạo Mẫu, “cái nôi” để chầu văn ra đời và tồn tại. Cụ thể, nằm trong dòng chảy về tục thờ nữ thần của khu vực châu Á, Đạo Mẫu VN có những triết lý nhân văn  như hướng lòng tin về sự nhân ái yêu thương, tôn vinh bản năng làm mẹ đầy che chở bao dung của người phụ nữ, cầu mong may mắn đến với cộng đồng...

Biểu diễn hát chầu văn trong Hội thảo quốc tế về tín ngưỡng Thờ Mẫu vừa qua

Điều đáng nói, với những vấn đề từ xã hội hiện đại, đã có một thời gian dài Đạo Mẫu, hát chầu văn hay hầu đồng (hình thức diễn xướng kèm theo) bị bóp méo và biến tướng thành nạn mê tín dị đoan. Câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý: việc tôn vinh chầu văn và Đạo Mẫu liệu có tạo ảnh hưởng xấu tới xu thế này?

“Tôi không nghĩ vậy. Việc tôn vinh chầu văn và Đạo Mẫu gắn liền với sự phát triển nhận thức và nhu cầu bảo tồn văn hóa của chúng ta”, TS Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa) chia sẻ. Theo bà Lý, để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh và đem lại nhận thức tốt cho cộng đồng, chầu văn có thể tham khảo mô hình hoạt động của Hàn Quốc với Gut, một nghi thức diễn xướng - tín ngưỡng khá gần với hầu đồng VN. Cụ thể, với việc được chính phủ lựa chọn, yêu cầu làm cam kết và chỉ định biểu diễn, một số cộng đồng diễn xướng Gut như nhóm Seoul Saenam đã góp phần đưa loại hình này vận hành tốt và được UNESCO công nhận là DSVHPVT.

Về khả năng thành công trong trường hợp chầu văn được làm hồ sơ xin danh hiệu DSVHPVT của nhân loại, ông Phạm Cao Phong (Tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN) chia sẻ: “UNESCO có những tiêu chí khá khắt khe, nên việc xây dựng hồ sơ phải tiến hành một cách khoa học và rõ ràng. Tôi chỉ ví dụ: chắc chắn yêu cầu đầu tiên với hồ sơ là việc liệt kê, phân biệt chính xác những bản hát văn cổ và những bản hát văn được thêm vào hoặc biến đổi theo thời gian. Trên thực tế, ngay cả  những người đang thực hành hát văn cũng đang lẫn lộn chuyện này”.

Cũng theo ông Phong, việc nghiên cứu những giá trị đặc sắc của Đạo Mẫu VN cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực và trực tiếp tới giá trị của chầu văn, nếu các nhà khoa học chứng minh được những nét riêng của Đạo Mẫu VN trong dòng chảy chung về tục thờ nữ thần của các nước châu Á.

Chiêu Minh - Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm