Nhà văn Siêu Hải - Con tằm đã nhả hết tơ đâu

24/09/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Nhà văn Siêu Hải đã ra đi ngày 21/9. Không ai cưỡng lại được quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hẫng hụt và tiếc nuối. Biết bao dự định còn dang dở với một người say mê sáng tác văn học như ông. Nhà văn Siêu Hải đã đem đến cho văn học Việt Nam những giá trị riêng, rất riêng. Đó là mảng tiểu thuyết ăm ắp những tư liệu lịch sử về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật; là những tư liệu phong phú và sống động của một người lính pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời sáng tác của người lính - nhà văn Siêu Hải có thể thấy được hai mảng đề tài rõ rệt. Mảng sáng tác về đề tài chiến tranh, hẹp hơn là sáng tác về lực lượng pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và mảng đề tài khác là về Thăng Long - Hà Nội từ thời Lê - Trịnh, Tây Sơn đến thời kỳ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên là ngoài những mảng sáng tác này nhà văn Siêu Hải còn viết rất nhiều ký, tùy bút, tiểu thuyết về danh nhân…

Người lính - nhà văn

Sinh vào cái năm đầu can và đầu chi của nửa đầu thế kỷ 20 (ngày 2/7/1924) trong một gia đình Hà Nội gốc mà cụ thân sinh là Nguyễn Khắc Hanh - một nhà Nho, một trí thức Tây học nhưng không chịu thi thố làm quan mà chỉ ham dịch thuật, sáng tác và làm báo, nên nhà văn Siêu Hải sớm có nhiều ảnh hưởng.

Nếu không có Cách mạng Tháng Tám 1945 có lẽ nhà văn Siêu Hải đã tiếp bước luôn theo con đường của cha. Nhưng chính ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, chàng Tú tài đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” nhập ngũ, đi đánh phỉ ở Sơn La và tháng 5/1946 được cử đi đào tạo khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Chiến thắng Sông Lô 1947 - mốc son trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp - sau đó đã đi vào tác phẩm của Siêu Hải mà đáng nhớ nhất là bài ký Voi đi khi nhà văn Siêu Hải ký họa trực tiếp cảnh vận chuyển pháo bằng sức lính...

Chiến thắng Sông Lô còn ám ảnh mãi với người lính - nhà văn Siêu Hải. Năm 1957, ông bắt tay viết tiểu thuyết Sông Lô. Nhưng sau nhiều “lận đận”, mãi đến năm 1978, khi nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu nhà văn Siêu Hải gia nhập “Chiếu Văn” thì với sự giúp đỡ của nhà văn Sơn Tùng - “chủ chiếu” tiểu thuyết Sông Lô mới được biên tập và ấn hành với bìa minh họa của nhạc sĩ Văn Cao vào năm 1981.

Tham gia trận chiến đỉnh cao chống Pháp - Điện Biên Phủ, nhà văn Siêu Hải cũng đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Điện Biên Phủ. Tiếc rằng, bản thảo viết bằng mực “dởm” trên giấy cũ nát, gặp nước mưa đã bị nhòe và bết thành từng cục.

Lịch sử pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được nhà văn Siêu Hải viết trong nhiều ký sự lịch sử. Có thể kể: Đại đội sơn pháo 753; Pháo binh đánh địch phản kích ra sân bay Điện Biên Phủ (viết chung cùng Khắc Tính); Đoàn voi thép trong chiến dịch Hòa Bình; Trận đánh ba mươi năm tập I, tập II (viết chung); Voi đi đánh Mỹ...

Nhà văn Siêu Hải với bản chiếu Minh Mạng 12 gửi Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ mà ông cất giữ.

Nhà tiểu thuyết lịch sử văn hóa

Sau một thời gian dài “trả nợ” mình, “trả nợ” đồng đội đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà văn Siêu Hải bắt tay “trả nợ” tổ tiên. Ít ai ngờ một ông đại tá về hưu nhỏ thó gày gò lại có sức bền bỉ deo dai đến lạ khi cứ miệt mài cặm cụi viết như con tằm nhả tơ. Khi đã qua tuổi 65, nhà văn Siêu Hải bắt tay vào viết những tiểu thuyết lịch sử có bối cảnh Thăng Long thời vua Lê chúa Trịnh.

Dòng họ Nguyễn Đình của nhà văn Siêu Hải có một truyền thống đẹp là ghi lại gia phả theo những câu chuyện đời sống, bán buôn, sinh hoạt nơi đô hội. Rất nhiều tư liệu lịch sử qúy giá này như những “cây gỗ tư liệu” để nhà văn chạm lộng, biến thành những sản phẩm tinh xảo, đồ dùng đẹp đẽ. Những Mảnh trăng Tô Lịch (NXB Thanh niên 1992); Bóng chiều Thăng Long (NXB Thanh niên 1995)… lần lượt ra đời, và đặc biệt Nắng kinh thành (NXB Thanh niên 1997) đã đoạt Giải Văn học Thăng Long - Hà Nội 1998.

Lễ tang đại tá - nhà văn Siêu Hải được tổ chức vào 15 giờ ngày 25/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Viết văn như nghiệp nợ. Với nhà văn Siêu Hải, sức khỏe tưởng dẻo dai nhưng ít ai ngờ khi viết xong Mảnh trăng Tô Lịch, ông phải nhập viện vì bục dạ dày. Tiếp tục viết ngày viết đêm, thị lực ông giảm nhanh rõ rệt dù con gái ông là bác sĩ Bệnh viện Việt Đức luôn khuyên can bố phải giữ gìn. Viết xong bộ ba tiểu thuyết gần 2.000 trang sách thì thị lực nhà văn Siêu Hải chỉ còn 1/10. Vậy mà ông vẫn viết. Có điều ông chỉ viết ban ngày và khi viết phải bật thêm một ngọn đèn điện trăm oát bên cạnh. Rồi ông cũng chẳng nhìn rõ chữ nữa. Không bó tay, nhà văn Siêu Hải đọc văn miệng nhờ người chép, khi thì là con gái út, khi thì là một sinh viên đại học. Thậm chí lúc “cảm hứng sáng tác trỗi lên mà không có ai viết giúp, ông lại đọc vào chiếc máy ghi âm để sau đó nhờ chép lại.

Những ai từng cầm bút viết văn chắc đều hiểu rõ sự tương tác cảm xúc khi nhìn những con chữ mình sáng tác trên giấy (hay cả bây giờ là trên máy tính). Thế nên sáng tác “văn miệng” kiểu nhà văn Siêu Hải thật khó và yêu cầu sự bền bỉ, nhẫn nại cùng cực. Nhưng rồi, thấm thoắt thời gian trôi, thành quả lao động của nhà văn khiến những người viết văn trẻ phải kính nể. Ông tiếp tục cho ra mắt những ký sự lịch sử văn hóa quá giá như: Truyện Thăng Long Hà Nội (tản văn, NXB Thanh niên 2000); Người lính- nhà văn (ký ức, NXB Thanh niên 2007); Hà Nội trái tim của cả nước (Truyện 2009); Ngọn bút trong sương (ký ức, 2006, 2009);

Lối viết tiểu thuyết lịch sử tư liệu văn hóa này cũng đã được GS Phan Ngọc đánh giá rất cao và gọi là “tiểu thuyết văn hóa” còn kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa - một trí thức Việt kiều Pháp đã từng viết thư tấm tắc ca ngợi và mong ước sẽ nhìn thấy bộ phim lịch sử về Thăng Long được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết này...

Mới ngày nào đến thăm nhà văn Siêu Hải, đọc cho ông nghe những trang bản thảo ông tự tay viết trên khổ giấy A4 mà chỉ được chừng dăm dòng, tôi đã bùi ngùi: “Bác mệt thế nên nghỉ đi, lúc khỏe hẵng viết hay nhờ “thư ký” viết cho”. Nhà văn Siêu Hải lại đọc một bài thơ ông sáng tác về cảnh lòa. Tôi nhớ hai câu kết thế này:

Mục hạ vô nhân xin đành chịu

Con tằm đã nhả hết tơ đâu

Chưa nhả hết “tơ”, chưa viết được những tư liệu còn ngồn ngộn về chiến thắng Điện Biên Phủ, về con người cảnh vật Thăng Long xưa... nhưng “con tằm” nhà văn Siêu Hải đành buông bút với mệnh trời. Để lại cho bạn bè “Chiếu Văn” một khoảng trống. Để lại cho bạn đọc sự tiếc nuối về những trang văn giàu tri thức lịch sử và văn hóa.

Từ Khôi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm