Trao giải Nhật ký mùa Hạ: Hãy mang theo tất cả để lên đường

20/09/2012 08:20 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Rung cảm, đắm mê bởi những mảnh ký ức rực rỡ mùa Hạ qua tập sách Con mèo cầu hôn và chiếc quần không khóa, và tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ lời của nhà văn Gô gôn: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, khi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ, hãy mang theo tất cả những xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường để rồi sau đó lại nhặt lên”, Chủ tịch Hội Nhà văn HN Phạm Xuân Nguyên phát biểu trong lễ trao giải cuộc thi viết Nhật ký mùa Hạ, chiều 19/9/2012 tại sảnh chính Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế lần thứ IV.

Cuộc thi viết Nhật ký mùa Hạ 2011- 2012 được Công ty Văn hóa truyền thông Phương Đông và Công ty Cổ phần Trực tuyến Vinapo (Alezaa.com) đồng tổ chức. Sau 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 2.000 tác phẩm dự thi. Từ tác giả nhí học tiểu học đến các giáo viên; từ sinh viên đến nhà báo, sĩ quan; có tác giả đã lão luyện trong “trường văn trận bút”, lại có nhiều người lần đầu sáng tác văn học.

Tác giả trẻ nhất là em Nguyễn Minh Anh, học lớp 4 với hai tác phẩm dự thi, đặc biệt có tác giả gửi tới hơn 20 tác phẩm. Rất nhiều tác giả ở những vùng xa như Hà Giang, Lào Cai, Phan Thiết, Cà Mau gửi bài dự thi qua đường bưu điện chuyển phát chậm. Điều đó chứng tỏ những năm tháng học đường vẫn luôn tỏa sáng trong ký ức và là mảnh đất hiện thực chắp cánh cho khát vọng, ước mơ sáng tạo văn chương.

Ký ức hồn hậu để sống đẹp

Trong số hàng ngàn tác phẩm dự thi, Ban Giám khảo đã chấm và chọn ra 24 tác phẩm vào chung khảo, kết quả: giải Nhất thuộc về tác phẩm Hai góc của hình vuông (Đặng Huỳnh Mai Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM), giải Nhì: Cái hươu ngày hiến chương nhà giáo (nhà thơ, Đại tá Mai Nam Thắng), giải Ba: Con mèo cầu hôn và chiếc quần không khóa (Lê Sao Chi).

Ông Phạm Xuân Nguyên phát biểu tại buổi lễ

Trao đổi với PV báo TT&VH nhà văn Di Li cho biết: Tác phẩm đoạt giải Nhất được BGK đánh giá cao, có sự vượt trội về ý tưởng, văn phong và cảm xúc chân thật. Qua câu chuyện này, có thể dễ dàng nhận ra thông điệp từ tác giả, thông điệp mà ngay cả những người trưởng thành, những người đã có nhiều trải nghiệm cũng cần phải suy nghĩ. Con người, nhiều khi do sự rụt rè, do dự, đắn đo cố hữu mà đã bỏ lỡ những cơ hội lớn, không chỉ trong tình yêu, mà cả trong công việc. Hai góc của hình vuông cũng ngầm phê phán sự yếu đuối, thụ động, và thiếu kỹ năng sống hiện đang phổ biến trong giới trẻ. Tác giả bày biện tình huống, tạo tình huống, để nhân vật dành gặp lần sau, lần sau sẽ nói... giống như một sự dẫn dắt người đọc hồi hộp đến phút cuối cùng.

Cái hươu ngày hiến chương nhà giáo của nhà thơ Mai Nam Thắng lại hay ở chi tiết. Ngày Nhà giáo, trò nhỏ mang chai mật đến biếu cô giáo nhưng sau đó lại “rụt rè nói thưa cô cho em xin lại cái hươu”. Trò chỉ biếu mật, chứ không biếu cái vỏ chai. Câu chuyện không chỉ hay ở sự chân thành, ngây thơ con trẻ, hài hước và cảm động, mà còn là một phần chứng nhân ghi lại một thời đi học vất vả đói kém mà đầy ắp tình nghĩa thầy trò.

Tác phẩm Con mèo cầu hôn và chiếc quần không khóa của Lê Sao Chi (Hà Nội), được lấy tên cho tập sách tập hợp những tác phẩm vào chung khảo kể về những đứa trẻ vô tư và con mèo - lễ vật cầu hôn mang biểu tượng trong sáng thuở thiếu thời. Những nhân vật trong truyện, rồi mỗi người một nơi, dù đã có gia đình nhưng kỷ niệm trong trẻo ấy như một gia tài vô giá không thể lãng quên và làm cho người ta sống tốt hơn, nghĩ về nhau đẹp hơn.

Nhận xét về những tác phẩm dự thi, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, thành viên BGK bình luận: “Những trang viết giữ lại ở người đọc và tác giả sự trong trẻo, lòng nhân ái. Ký ức hồn hậu sẽ giúp chúng ta ngày hôm nay sống đẹp hơn”.

Thương hiệu Nhật ký mùa Hạ

Có một điểm chung nhất cho các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Nhật ký mùa Hạ là những câu chuyện xuyên suốt các sự kiện đều được kết nối bằng “bộ tứ nguyên tử”: con trai, con gái, mái trường và mùa Hạ. Tính hấp dẫn cũng bắt đầu từ sự “đụng độ” đó.

Tình yêu học trò thường khi lại bắt đầu bằng những cuộc cãi cọ không đầu, không cuối mà cả hai phía đều thấy “ghét kinh khủng”, những giận hờn vô cớ “cạch mặt nhau”, rồi viết thư nhung nhớ gửi hộc bàn khiến người đọc phải bật cười, bật cười không phải vì nhân vật trẻ con, mà mỉm cười vì chính mình cũng đã có thời như thế. Nhà văn Nguyễn Đình Tú khẳng định, những tác phẩm lọt vào chung khảo, được tập hợp trong cuốn sách Con mèo cầu hôn và chiếc quần không khóa đủ sức làm lay động bất cứ con tim nào. Đã bắt đầu thấy ở đây đó, sự lóe sáng của những cây bút văn chương mới.

Đề tài đa dạng, tính chân thật cao, sự tươi xanh, mới mẻ lấp lánh được biểu đạt bằng các lối văn hoạt, nhiều ưu tư, giàu tâm trạng, mà đầy ý thức công dân là thành công chung của cuộc thi viết Nhật ký mùa Hạ 2011-2012.

Nhà thơ, đại tá Mai Nam Thắng mong muốn cuộc thi Nhật ký mùa Hạ được tiếp nối hàng năm, như một thương hiệu, góp phần xây dựng kỹ năng viết của mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên; thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc của người Việt, tạo ra một sân chơi tri thức để lưu giữ những hồi ức và kỷ niệm của tuổi học đường. Bên cạnh đó cũng sẽ tìm kiếm những cây bút có tiềm năng trong văn học, tạo đà khuyến khích cho sự đa dạng của văn chương Việt.

Cây bút trẻ Đặng Huỳnh Mai Anh từ TP.HCM đã bất ngờ, hạnh phúc không thể tin nổi khi biết mình đoạt giải Nhất. Nữ sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương nhắn nhủ tuổi trẻ học đường đang đối diện với những biến động hết sức phức tạp đó là những vấn đề vô cảm, bàng quan của giới trẻ, lệch chuẩn tiếng Việt, bạo lực học đường, “yêu nháp - sống thử”... thì một cuộc thi viết như Nhật ký mùa Hạ hướng tới đời sống tinh thần giàu tính nhân văn là một điều cần thiết và hữu ích lâu dài.

Đoàn Diệp Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm