Rối Việt vẫn “mất thiêng” trên… sân nhà

11/09/2012 09:22 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đầy ắp khán giả trong những buổi diễn... miễn phí tại LH Múa rối quốc tế lần thứ ba (vừa bế mạc tối qua, 10/9 tại Hà Nội), điều đó hẳn chưa đủ để những người làm múa rối tin vào tương lai sắp tới. Bởi, ai cũng biết, từ hơn chục năm nay, múa rối Việt Nam đang rơi vào một nghịch cảnh đặc biệt: hấp dẫn du khách quốc tế, “gặt” về hàng loạt huy chương trong những sân chơi khu vực nhưng lại hoàn toàn “mất thiêng” trong việc... thuyết phục khán giả nhà.

1. “Các đoàn rối quốc tế tới dự LH lần này đều có tiết mục gọn nhẹ, đơn giản và bám rất sát những nguyên tắc biểu diễn của múa rối truyền thống” ông Nguyễn Thành Nhân (thành viên Ban giám khảo LH) nhận xét-  “Ngược lại, tiết mục của chúng ta thường mang tư duy đề cao sáng tạo thử nghiệm, thậm chí là có chút phóng túng trong cách dàn dựng, biểu diễn”.


Cảnh trong vở Không gian trắng (Nhà hát Múa rối VN)

Có thể thấy điều đó ở hai vở diễn Linh thiêng hai tiếng đồng bào (đưa vào cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc Cung đình Huế) và Không gian trắng (đưa vào gấu Bắc Cực, cá heo, hải cẩu…).

Nếu đa phần các tiết mục quốc tế tại LH vẫn trung thành với mảng đề tài dân gian, cổ tích (vốn được coi là sở trường của nghệ thuật rối) thì không ít vở rối VN mạnh dạn chọn luôn những đề tài rất “hiện đại” như nạn ô nhiễm môi trường (Không gian trắng, Bí ẩn 2/3) hay vấn đề... đô thị hóa (Câu chuyện làng quê)… Hoặc vở diễn Ngàn vàng khôn chuộc với việc kết hợp múa rối với hàng loạt động tác biểu diễn rất phức tạp của nghệ thuật tuồng…

2. “Cuộc thử nghiệm nào cũng có 2 mặt. Độc đáo, phá cách nhưng tôi thấy lo ngại về việc một số tiết mục bắt đầu có dấu hiệu... đi quá giới hạn của nghệ thuật rối” - ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ. Theo lời ông, dù khen rối Việt, một vị giám khảo Tây Ban Nha vẫn nhận xét: “Có cảm giác, vài tiết mục của các bạn hoành tráng một cách... hơi quá mức cần thiết”.

Là người nhiều năm nghiên cứu về múa rối, ông Nhân kể, việc áp dụng tổng hợp nhiều loại rối, hoặc kết hợp múa rối với các loại hình khác... đã manh nha bắt đầu từ những năm 1980. Và thực tế, với những “thử nghiệm” liên tục, đã có trường hợp một đoàn rối của Hà Nội phải giải thể vì không còn khán giả. “Mỗi năm họ tăng mức “thử nghiệm” một chút và ngày càng xa dần bản chất của múa rối. Khán giả có thể thích thú với những sáng tạo độc đáo, nhưng khó lòng chấp nhận loại “kịch pha rối”, trong đó nghệ thuật rối xuất hiện một cách rất mờ nhạt và hời hợt”...

Chủ nhà VN giành 5/7 giải cho vở diễn

Lễ bế mạc LH múa rối quốc tế lần thứ 3 đã diễn ra vào tối qua 10/9.

Ba vở rối giành giải Vàng gồm: Giai điệu ký ức (NH Múa rối Hải Phòng), Linh thiêng hai tiếng đồng bào (NH Múa rối Thăng Long), và Cái chết của Rahwana (NH Múa rối Wayang Golek Ajen - Indonesia).

Bốn vở diễn giành giải Bạc gồm Aladin và Cây đèn thần, Không gian trắng (đều của NH Múa rối VN), Nét Hồng Lam (Đoàn Ca múa nhạc Hà Tĩnh), và Cuộc hôn nhân ngẫu nhiên (NH Shan- Đài Loan, Trung Quốc).

Ngoài ra, phía Việt Nam cũng giành 4/5 giải cá nhân dành cho các đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ… xuất sắc nhất LH.

LH cũng trao 14 giải Vàng và 21 giải Bạc cho các diễn viên tham dự.


Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm