Từ hai vở mới của IDECAF: Kịch lịch sử vẫn đầy gian nan

28/08/2012 13:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không riêng gì năm 2012, mà có thể nói trong nhiều năm qua, để dựng được một vở như Bí mật vườn Lệ Chi hay Vua thánh triều Lê là một nỗ lực rất đáng kể và không dễ đạt đến, ngay cả với các tác phẩm được nhà nước đầu tư. Bởi trong điều kiện sân khấu như Việt Nam hiện nay, bỏ ra khoảng 500 triệu đồng để dựng một vở là cầm chắc bị lỗ, nếu không đủ quyết tâm và sự phiêu lưu, chắc chắn không ai muốn làm.

Trong các đêm 31/8, 1 và 2/9 tại Nhà hát Bến Thành, vở Vua thánh triều Lê (KB: Lê Duy Hạnh, ĐD: Vũ Minh) sẽ có những suất diễn tiếp theo của mình. Tuy không xuất sắc và sâu sắc như Bí mật vườn Lệ Chi, nhưng vở này vẫn đạt đến mức chỉn chu về mọi mặt. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói rằng công ty đã bỏ ra gần 1,1 tỷ đồng để dựng hai vở này. Nếu chỉ nhìn ở mục đích kỷ niệm 15 năm thành lập Kịch IDECAF, việc làm này hơi phung phí, nhưng nhìn ở góc độ kịch lịch sử, công phu này là đáng khích lệ.



Cảnh trong vở Vua thánh triều Lê

Tăng thị giác, giảm ước lệ

Có dịp quan sát Bí mật vườn Lệ Chi trong gần 10 năm qua mới thấy phiên bản lần này thực sự hoàn chỉnh. Bỏ qua yếu tố thông điệp và tư tưởng của tác phẩm, những điều trừu tượng, chủ quan, khó tranh luận, vở này đã gọt giũa mọi khâu, nhất là trang phục, thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm nhạc… để hòa quyện với tổng thể câu chuyện và diễn xuất.

Lâu nay, cảm giác của chúng ta về kịch cổ sử thường là cảnh diễn viên mặt áo quần xộc xệch (vì dùng lại của vở khác, diễn viên khác), sân khấu và ánh sáng thì nặng tính ước lệ. Thậm chí với hai vở được đầu tư lớn như Tả quân Lê Văn Duyệt của Nhà hát Kịch TP.HCM và Nỏ thần của Kịch Hồng Vân trong vài năm trước, tính ước lệ vẫn còn nhiều. Lần này Kịch IDECAF muốn tăng tính thị giác và thính giác kiểu sân khấu Broadway hoặc điện ảnh hiện đại, nên mọi điều đều cố gắng gần với thực tế nhất.

Làm được điều này, “nguồn cội” của nó đã bắt nguồn từ vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử mà IDECAF đã dàn dựng cách đây vài năm. Cách làm nặng về thị giác và thính giác này đã từng gặp những tranh cãi từ chính BGK của liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp, khiến vở này gần như “trắng tay” về giải thưởng. Không quản ngại khó khăn trong việc đổi mới kịch lịch sử, hai vở gần đây đã cho thấy sự kế thừa khôn khéo và hiệu quả. Cái cảm giác “sạch sẽ” về thị giác và hiện đại về cách kể chuyện là điểm nổi bật của cả Bí mật vườn Lệ Chi Vua thánh triều Lê.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết việc dựng kịch lịch sử rất tốn kém nhưng công ty luôn muốn làm, vì đó là cách tôn trọng văn hóa của dân tộc mình. Sau hai vở về thời đại Nguyễn Trãi, ông đang tìm kịch bản mới lạ về Hồ Quý Ly, một nhà vua canh tân có nhiều tư tưởng đi trước thời đại phong kiến ở khu vực và trên thế giới.

Thiếu “máu” thì đừng làm

Cũng giống như Huỳnh Anh Tuấn, NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Khánh Hoàng (Nhà hát Kịch TP.HCM) đều tâm sự việc dựng kịch lịch sử, ngoài sứ mệnh với văn hóa, nó còn là thách thức về nghề nghiệp. Làm kịch sinh hoạt về đời sống đương thời có cái hay và cái khó của nó, nhưng so với kịch lịch sử, thì cái khó ấy chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, chỉ cần vài chục đến trăm triệu đã dựng được kịch sinh hoạt, trong khi kịch lịch sử thì phải tốn vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhiều khi tích cóp tiền bạc trong 4-5 năm, dựng một vở lịch sử xem như đi tong, mọi thứ phải chuẩn bị lại từ đầu. “Thiếu máu thì đừng làm, chứ nhảy vào kịch lịch sử rồi thì khó trở ra lắm”, bà bầu Hồng Vân nói vui, nhưng nghe xót xa.

Nghệ sĩ Khánh Hoàng tâm sự rằng đoàn tư nhân có cái khó, thì đoàn Nhà nước cũng vậy, bởi để làm kế hoạch xin ngân sách đâu có dễ. Nếu không có đủ quyết tâm, sự vô tư lợi, cũng như những đóng góp lớn của các nghệ sĩ, hơn một tỷ đồng cho một vở như Tả quân Lê Văn Duyệt, chắc chẳng bao giờ làm được. Xin đừng nghĩ kịch lịch sử là thế mạnh của các đoàn Nhà nước, gian nan vẫn vậy thôi.

Luôn trung thành với các vở sinh hoạt, đậm chất hài… nhưng Kịch Sài Gòn của Phước Sang vẫn nuôi tham vọng làm kịch lịch sử. Thiếu kịch bản hấp dẫn, thiếu tiền đầu tư… là những khó khăn trước mắt, thiếu sân khấu chuẩn mực mới là điều đáng lo về lâu về dài. Đầu tư một vở hoành tráng nhưng lại diễn ở một nơi ọp ẹp hoặc sai quy cách, thì làm sao thu hút được khán giả, đấy là mâu thuẫn chưa thể nào khắc phục. “Các nhà hát, sân khấu đều chỉ là tạm bợ. Cơ sở vật chất chưa có đoàn nào là chỉn chu, đầy đủ phương tiện hay nói cách khác là chưa đúng chuẩn để làm nghề. Nếu thành phố có một sân khấu chuẩn mực, hiện đại để cho thuê diễn kịch lịch sử, việc bỏ đầu tư sẽ trở thành chuyện đương nhiên”, Phước Sang phát biểu.

“Đây là điều chúng tôi đã nói từ lâu. Nhà nước nên tài trợ toàn phần hay một phần cho bất cứ đơn vị sân khấu nào - không phân biệt công hay tư - làm nên những tác phẩm đỉnh cao, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, đem lại giá trị tư tưởng, nghệ thuật giá trị cho người dân. Tiếc là đến bây giờ chuyện này vẫn chưa thực hiện được”, nhà biên kịch Lê Duy Hạnh (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam) trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đang thiếu những tác phẩm đỉnh cao.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm