Bao giờ có nhà lưu niệm cho danh họa Việt Nam?

15/08/2012 06:06 GMT+7 | Văn hoá

Một nhà thơ nổi tiếng kể rằng, mỗi khi có dịp ra nước ngoài, ông thường ghé thăm nhà lưu niệm của các danh hoạ mình mến mộ, và dành cả buổi đắm chìm trong không gian đẩy ắp kỷ niệm ấy. Nghe chuyện, bỗng băn khoăn, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nếu như có ý định tương tự, thì biết phải đi đâu?



Ngôi nhà 87 Thuốc Bắc đã chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp của người hoạ sĩ lỗi lạc bậc thầy Bùi Xuân Phái, từ lúc ông sinh ra, lớn lên và đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Ảnh của Thế giới Phái

Mỏi mắt tìm nhà lưu niệm đúng nghĩa

Nếu nói các danh hoạ Việt Nam không ai có nhà lưu niệm thì chưa hẳn đúng. Làm một chuyến khảo sát từ Bắc vào Nam, thấy lác đác một vài nhà lưu niệm danh hoạ nhưng hoàn toàn mang tính tự phát, do gia đình thực hiện, và số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề là nhà lưu niệm tự phát, tính lưu niệm có… tự phát theo? Thắc mắc với hoạ sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, ông thở dài: “Các nhà lưu niệm tự phát, theo tôi, đều chưa phải nhà lưu niệm đúng nghĩa!”

Ông đã từng ghé thăm nhà lưu niệm hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh tại Hà Tĩnh, và cảm nhận rõ nét là hơi nặng tính trưng bày mà ít tính lưu niệm. Về hình thức, không hẳn là nhà triển lãm, không phải nhà trưng bày, mà cũng không hoàn toàn là… nhà thờ. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng bày tỏ sự thất vọng về không gian tưởng niệm hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh, ở những điểm: treo nhiều tranh phiên bản, kỹ thuật treo tranh kém. Chưa kể, trong điều kiện cửa trước cửa sau thông thống, chẳng mấy chốc mặt tranh sẽ bị rộp. Tuy thế, địa chỉ văn hoá này vẫn cuốn hút đông đảo người yêu nghệ thuật, bởi lúc sinh thời, hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh từng sống ở đây.

Trong số các danh hoạ Việt Nam, nói vui, thì Bùi Xuân Phái may mắn hơn cả, vì có được một nhà lưu niệm tương đối ổn, toạ lạc ngay trung tâm Hà Nội. Gia đình ông, vốn am hiểu mỹ thuật, đã dành cho danh hoạ một không gian trưng bày tác phẩm khá khang trang, đẹp mắt. Điều đáng tiếc, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, là những đồ dùng cá nhân của Bùi Xuân Phái như bút vẽ, toan, mũ… đúng ra nên được gia đình giữ gìn cẩn thận như những di vật có giá trị, thì lại “bay” sang tư gia của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn, ở mãi tận TP.HCM.

Lo lắng trước cơn lốc phá bỏ những ngôi nhà – di sản, hoạ sĩ Trần Khánh Chương đề xuất đưa căn nhà ở địa chỉ 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội trở thành một nhà lưu niệm văn nghệ sĩ. Ngôi biệt thự này, trước đây, trong nhiều năm dài, từng là nơi sống và làm việc của nhiều nghệ sĩ tài năng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: mỹ thuật, âm nhạc, văn học… và từng được trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Hiện tại, có người vẫn sống tại đây, có người đã chuyển đi nơi khác. Nhưng, với những tư liệu còn lưu giữ, nếu được đầu tư, căn nhà lịch sử này sẽ trở thành một nhà lưu niệm văn nghệ sĩ đạt chuẩn và có nhiều giá trị. Muốn thế, cần đến “một đống tiền” mà một cá nhân, hay một hội nghề nghiệp khó có đủ khả năng.

Muộn còn hơn không

Đã khảo sát hầu hết các nhà lưu niệm danh hoạ trên khắp mọi miền đất nước, hoạ sĩ Trần Khánh Chương khẳng định: muốn có một nhà lưu niệm đúng nghĩa, cơ quan chức năng và gia đình danh họa phải cùng “bắt tay”. Đồng quan điểm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo thậm chí còn đưa ra cảnh báo: “Nếu để gia đình tự thực hiện thì nhà lưu niệm rất có thể bị biến tướng theo mục đích không trong sáng”. Nhưng, điều khó hiểu là đến nay, mọi đề xuất xây dựng nhà lưu niệm danh hoạ đều không có phản hồi. Nhiều năm trước, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo từng “gõ cửa” cơ quan chức năng, kêu cứu cho ngôi nhà của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, một tác phẩm kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Đông Dương, với người “đặt hàng” là hoạ sĩ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh – Tô Ngọc Vân, và người thực hiện cũng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh – kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện. Nhưng, sau câu trả lời “chưa có tiền lệ”, ông đành ngậm ngùi nhìn ngôi nhà đầy ắp tư liệu sống, rất xứng đáng trở thành nhà lưu niệm danh hoạ Tô Ngọc Vân bị thế hệ sau “sang tên”, rồi bị chủ nhà mới phá bỏ, thay thế bằng một công trình hiện đại.

Trong khi có những gia đình danh hoạ thờ ơ với di sản văn hoá của người thân thì lại có không ít gia đình danh hoạ tha thiết muốn được hỗ trợ để tạo dựng những nhà lưu niệm đúng tiêu chuẩn. Thế nhưng, tới giờ, nguyện vọng của gia đình hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm… vẫn chưa được ai quan tâm. “Bây giờ chúng ta mới nói đến chuyện nhà lưu niệm danh hoạ là đã muộn lắm rồi so với thế giới. Nhưng, muộn còn hơn không. Vì nếu không làm, chỉ e khi những người gần gũi nhất với các danh hoạ mất đi, chả ai có cơ hội tìm hiểu các danh hoạ Việt Nam đã sống và cống hiến cho nghệ thuật như thế nào!”, Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nói.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm