Học giả Học Phi: Hơn 100 tuổi vẫn còn viết…

30/07/2012 14:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khi tôi đến, học giả Học Phi lặng lẽ ngồi chờ tôi trên xe lăn từ bao giờ. Cẩn thận tiếp khách, ông mặc áo sơ mi trắng thanh sạch bên ngoài áo ba lỗ Dệt kim Đông xuân, khuôn mặt nghiêm nghị, đôi mắt xa xôi. Sau buổi chiều trò chuyện, tôi mới hay, bên trong ông chất chứa nỗi buồn thăm thẳm. Vậy là do buổi trưa (26/7), ông vừa nghe tin con trai cả của mình, nhà văn - nhà viết kịch Hồng Phi qua đời.

“Tôi không thể không viết, nếu không viết, tôi chẳng biết làm gì hơn”, học giả Học Phi nhìn tôi và tâm sự, mà trên khuôn mặt vẫn giữ vẻ bình thản. Là người luôn giấu nỗi niềm, cảm xúc phía trong, chỉ bàn tay gầy guộc, in hằn những lằn gân xanh là run run khi lật giở lại những trang sách của các cuốn tiểu thuyết, vở kịch mà ông đã viết. 


Học giả Học Phi

 “Có mười đứa con thì chết tám”

Là câu nói đôi khi bật ra, khi ông ngồi nói chuyện với khách.

Tôi kê ghế ngồi gần ông, trên chiếc bàn dài trong gian bếp của căn hộ nằm trong khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính. Ông sống cùng với cháu gái nội. Chị Hằng quê Thái Bình là người giúp việc nhà và chăm ông đã bảy năm. Gần gũi, thân quen, chị đứng bên cạnh ông, nhiệt tình làm “phiên dịch” giúp tôi.

Ông ngồi thẳng lưng, đặt nhẹ hai tay lên bàn, nhìn tôi bằng ánh mắt vẫn rất tinh nhanh, chỉ có điều tai đã nghễnh ngãng. Sau vài câu hỏi thăm xã giao qua lại, thấy bất tiện, hầu muốn trực tiếp nói chuyện cùng tôi, với ánh mắt chăm chú, ông tập trung vào tôi và nhỏ nhẹ điềm đạm nhắc nhở: “Cô nói chậm thôi, tôi nghe không rõ.”.

“Bỗng dưng tai tôi bị thế này, căn bệnh tuổi già…” câu nói không ngụ ý than thở, chỉ là sự nhẹ nhàng chấp nhận. “Tôi vốn viết rất đều. Từ khi bị ốm (chân ông bị thoái hóa xương cột sống, dây thần kinh bị chèn lên, dần khó đi - PV), tôi không còn viết cả ngày được nữa. Giờ 4 tiếng buổi sáng dành cho việc viết. Vừa hoàn thành xong kịch bản phim Âm vang Bãi Sậy, viết về cụ Tán Thuật kháng chiến chống Pháp ở Bãi Sậy, Hưng Yên, cách đây mấy hôm, đưa cho bà Nguyễn Thị Hồng Ngát để in sách, giờ tôi chưa biết viết gì, dăm ngày nay không viết, thấy buồn quá!”

Trăm tuổi, mà sáng nào cũng giữ thói quen ngồi bàn làm việc liền bốn tiếng, trong khi sức khỏe không tốt, mới hay ông đam mê viết đến thế nào. Không biết đánh máy, ông viết tay, bản thảo chi chít chữ. Chữ nào chữ ấy tròn đẹp, rõ ràng, tinh tươm dù nhiều câu bị gạch xóa, và sửa bằng mực đỏ bên cạnh. Mỗi khi mệt, ông dừng lại để tự xoa bóp đầu và cơ mặt, rồi lại viết tiếp. “Tôi ngồi liền như thế, dù rất mỏi, chỉ vì không muốn làm phiền cháu gái hay cô giúp việc phải đỡ, dìu. Người tôi nặng, như thế vất vả cho con cháu lắm”, ông nói.


Bản thảo viết tay chi chít chữ của học giả Học Phi

Sống là để viết

“Không viết thì cụ ốm mất. Cụ viết như là để kéo dài ngày sống. Và sống là để viết”. Nhà văn Chu Lai nói với tôi, trước khi gặp ông.

Lúc này, trên cái bàn làm việc bằng gỗ cũ sờn kê bên cửa sổ đầy ánh sáng trong căn phòng ngủ nhỏ của ông, cuốn sách dày cộp, đồ sộ Tuyển tập Ngô Tất Tố thơm mùi mực in còn đang đánh dấu đọc dở, bên cạnh là những cuốn sách bằng tiếng Pháp cùng cái kính lão để sát bên… Như thể ông vừa rời khỏi bàn để ra ngoài tiếp khách.

Hơn trăm tuổi, ông vẫn giữ thói quen một ngày đánh răng ba lần, mùa Hè đúng 6h10 thì dậy, mùa Đông là 7h. Trước khi ngồi vào bàn ăn sáng, luôn luôn là bánh mì trứng, sữa hoặc bánh mì ba-tê, theo thói quen từ những ngày làm cách mạng, ông tập thể dục, tự xoa bóp, tập cơ mặt. Giờ ăn trưa cũng chuẩn xác mùa Hè là 11h15, mùa Đông là 11h30 với bát cơm, chút canh rau, thịt rim. Ăn điều độ, ngủ điều độ, sinh hoạt, làm việc điều độ, sống tình nghĩa… hẳn đó là phương thức để ông trường thọ.

“Tính ông hòa nhã, vui vẻ, và luôn quan tâm đến mọi người”, chị Hằng ngồi tiếp chuyện tôi thay ông, trong khi ông tiếp hai người cháu họ xa từ quê lên chơi. “Có nhiều lúc tôi ốm mệt, ông nhẹ nhàng nhắc nhở người nhà chú ý chăm sóc, làm hộ việc nhà cho tôi, để tôi được nghỉ ngơi. Tôi thương ông lắm, coi ông như cha, mà ông cũng đối xử với tôi giống con trong nhà. Ngày nào ông cũng hút 5 điếu thuốc, có những hôm ông ốm, ho, tôi không cho ông hút, ông bảo, chị ơi, tôi chỉ có mỗi điếu thuốc là bạn, không có nó, tôi biết lấy gì làm vui?” Nói đến đó, chị Hằng nhìn ông, ứa nước mắt, rồi mân mê mấy cuốn sách kịch mà chị mang ra để tôi xem qua.

“Ông lúc nào cũng suy nghĩ, như thể trong đầu ông không bao giờ dừng nghĩ”, chị Hằng tâm sự tiếp. “Lần đầu đến đây làm, cứ thấy chiều chiều ông nằm trên giường, sợ ông buồn, tôi hỏi để đưa ông xuống sân chơi cho khuây khỏa. Ông bảo, lần sau cứ kệ ông, vì ông nằm là để nghĩ. Nhất là khi viết sách dang dở, là ông còn trăn trở.

“Trước khi viết tiểu thuyết hay kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện… là tôi phải phác thảo đề cương trước. Làm thế để khỏi đi chệch đường, tránh lan man. Thế nhưng lắm khi nhân vật của tôi nổi loạn, kéo tôi đi theo họ…”. Ông kể giọng hài hước, nhưng tuyệt đối không mỉm miệng cười.

“Tôi vốn không phải xuất thân từ văn nghệ mà là một cán bộ chính trị hoạt động cách mạng”, ông kể. “Năm 13 tuổi tôi đã tham gia cách mạng, đến 20 tuổi thì vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tức Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ. Kinh qua nhiều chức vụ. Và cũng mấy lần vào tù ra tội”…

(Hết phần 1)

Phần 2: Con đường văn nghiệp

Việt Quỳnh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm