Sân khấu “nổi gai ốc”

29/07/2012 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Bắt” các đoàn tham dự phải chọn đề tài hiện đại, Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp Toàn quốc (LH) đã phần nào cho thấy rõ “bộ mặt thật” của sân khấu hiện nay - cho dù đó là những nét vui, buồn lẫn lộn. Tối qua 28/7, LH đã bế mạc tại Huế. 

“Có vở hay, vở dở nhưng tôi tin rằng LH này là một bước chuyển tích cực”- nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét. “ Việc “gạt” các đề tài dân gian, lịch sử ra ngoài lề LH đã đưa sân khấu trở về với thế mạnh quan trọng nhất của mình: là mũi nhọn phản ánh các vấn đề nóng nhất của cuộc sống”.



Biển và bờ - một trong những vở diễn đề cập tới nạn tham nhũng tại LH

Sân khấu đi vào đề tài nóng

Như thống kê của tác giả này, hàng loạt vấn đề về giáo dục, chống tham nhũng, hạnh phúc gia đình... lần lượt được mổ xẻ trên sàn diễn của LH. Trong đó, Tội ác và quyền lực (Sân khấu Kịch Sài Gòn) là vở diễn khiến nhà viết kịch Lê Quý Hiền “nổi gai ốc” vì dám... khai thác câu chuyện quanh hình ảnh một vị Bí thư tỉnh ủy với đủ vấn nạn “hiện đại”: tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chiếm dụng đất đai...

Có một thông tin thú vị: với yêu cầu về đề tài hiện đại, khá nhiều đoàn kịch dự thi đã phải phải lôi các vở diễn cũ ra “tân trang” để dự LH. Nhà hát Kịch VN là một trường hợp điển hình. Theo dự định ban đầu, “hành trang” để họ mang tới LH của họ là Đêm của bóng tối - vở diễn về danh nhân Nguyễn Trãi. Trước tiêu chí của BTC, vở diễn từng được lên kế hoạch “lách luật” bằng việc sửa Đêm của bóng tối thành một câu chuyện hiện đại - trong đó, những con người ở cuộc sống hôm nay cùng hồi tưởng lại bi kịch của Ức Trai tiên sinh để liên tưởng tới mình.

Tuy nhiên, vào giờ chót, Nhà hát này đành khôi phục lại 2 vở diễn dựng cách đây dăm, bảy năm là Chia tay hoàng hôn Đi tìm điều chưa mất để dự thi.

“Với những lộn xộn vừa qua tại Nhà hát Kịch VN, ai cũng lo chúng tôi sẽ “muối mặt” tại LH lần này” - một đạo diễn của Nhà hát Kịch VN chia sẻ. “Tuy nhiên, việc mang 2 vở diễn này tới dự LH lại là một quyết định đúng: bạn nghề đánh giá khá tốt về chất lượng, còn khán giả tại Huế lại rất hào hứng khi xem”.

3 vở diễn đoạt HCV tại LH

- Lũ quét (tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn - NSƯT Hoàng Mai) - Nhà hát Kịch Quân đội.

- Những mặt người thấp thoáng (tác giả Xuân Đức , đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang) - Nhà hát Kịch Hà Nội

- Tội ác và quyền lực (tác giả Nguyễn Đăng Chương , đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu) - Sân khấu Kịch Sài Gòn (thuộc Công ty Cổ phần giải trí Phước Sang).

Nhận diện xu thế sân khấu

Đạo diễn “lão làng” lui dần, nhường sân chơi cho những đạo diễn mới. Sân khấu xã hội hóa thể hiện “oách” không kém gì những đoàn kịch “quốc doanh” đa phần sống bằng ngân sách Nhà nước. Rồi, bản thân sân khấu phía Bắc - nơi ít nhiều vẫn bị coi là xa lạ với hình thức xã hội hóa - cũng có tới 4 đoàn kịch tham dự LH theo phương thức này.... Đó là những điểm sáng hiếm hoi được nhiều người nhắc tới tại LH.

Cũng bởi việc phải dự thi bằng đề tài hiện đại, LH lần này cho thấy rõ khoảng cách về nghệ thuật giữa 2 trung tâm sân khấu của cả nước (Hà Nội và TP.HCM) với những địa phương còn lại. Ở một góc độ khác, việc thiếu vắng những kịch bản thật sự thuyết phục hay nạn lạm dụng “cảnh nóng” trên sân khấu cũng thể hiện khá rõ trên sàn diễn. Theo nhận định của giới chuyên môn, đó là những câu hỏi sẽ đặt ra trước xu thế của sân khấu hiện nay.

Nói như nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, không ai tin rằng một LH sẽ là liều thuốc tiên để giải quyết toàn bộ những vấn nạn của một nền sân khấu đang tuột dốc. Nhưng, nhìn rõ những hay dở của sân khấu toàn quốc qua một kì LH lại là cơ hội tốt để sân khấu tiếp tục “bốc thuốc” và tìm lại sức sống cho mình.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm