Họa sĩ Lý Trực Dũng: Làm chính khách già nhanh, vẽ biếm họa trẻ lâu

22/06/2012 16:14 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Đều sinh năm 1946 nhưng làm tổng thống như Bill Clinton thì tóc bạc phơ còn vẽ biếm họa như… Lý Trực Dũng thì vẫn phơi phới” - họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Việt Nam tự lấy mình làm ví dụ để khuyên lớp trẻ đừng quay lưng với thể loại nghệ thuật đầy tính tranh đấu này.

Họa sĩ Lý Trực Dũng vừa có buổi thuyết trình về Biếm họa chính trị tối 20/6 tại Cà phê Sách Trung Nguyên, Hà Nội.



Họa sĩ Lý Trực Dũng trong buổi thuyết trình về biếm họa chính trị tối 20/6


Vẽ biếm họa: Hào hoa mà trẻ lâu

“Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, bác sĩ Tôn Thất Bách và tôi đều sinh năm 1946. Đều hào hoa phong nhã và được chị em mến mộ. Thời đi học, chúng tôi học cũng không tồi, lại đều thích âm nhạc và chơi được nhạc cụ: Bill chơi kèn saxo- phone, Tôn Thất Bách chơi piano và hát rất hay còn tôi thì cũng biết một chút guitar, hát được, kiếm được ít tiền. Ngoài ra về thể thao, Bill chơi hockey, anh Tôn Thất Bách đánh bóng rổ còn tôi chơi bóng đá. Chúng tôi còn có chung một thứ nữa là bệnh tim. Vì Bill mới mổ tim xong nên trông thế này đây, 66 tuổi mà rất già vì từng làm chính trị” - họa sĩ Lý Trực Dũng chỉ bức ảnh mới của cựu Tổng thống Mỹ trên màn hình máy chiếu. “Còn tôi vẽ biếm họa nên trông vẫn còn trẻ. Anh Tôn Thất Bách từng đề nghị mổ tim cho tôi nhưng trước khi kịp làm điều đó thì anh đã qua đời cũng vì bệnh tim ”. Vì thế, họa sĩ rút ra rằng: “Hãy vẽ biếm họa cho tâm hồn trẻ trung”.



Tranh biếm họa của Lý Trực Dũng

Đừng coi đả kích là nói xấu

Họa sĩ Lý Trực Dũng nhận ra vai trò của biếm họa đã thay đổi trong thời đại có độ tương tác mạnh như hiện nay. “Bản thân thông tin không còn quan trọng bằng các bình luận của công chúng về thông tin đó” - ông nói. Sức mạnh của biếm họa nằm ở tầm nhìn khái quát và khả năng thể hiện cách họa sĩ hiểu về tình hình xã hội. Hài hước cũng là một chất liệu rất quý giá.

“Nếu được hướng thiện thì biếm họa sẽ có tác dụng rất tích cực cho xã hội. Có thể vẽ về tiêu cực của giáo dục nhưng phải làm sao để các em học sinh tự tin và cố gắng học hành hơn. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trẻ con Việt Nam ra nước ngoài học rất giỏi nhưng nếu học trong nước rồi mới ra nước ngoài thì lại gặp nhiều vấn đề, vì đã quá quen... học vẹt” - Lý Trực Dũng chia sẻ - “Đừng coi đả kích là nói xấu, đả kích chính là xây dựng. Bà Thủ tướng Thatcher của Anh ban đầu xem tranh biếm họa chính mình bà ấy cũng tức giận lắm, nhưng cuối cùng bà cũng thừa nhận: Người ta chỉ cho tôi những nhược điểm mà bản thân tôi không bao giờ nhìn ra được”.

***

Họa sĩ Lý Trực Dũng có một thời gian dài gắn bó với báo Văn nghệ dưới thời nhà văn Nguyên Ngọc làm TBT. Tờ báo là nơi ông được đăng những bức biếm họa đầu tiên.

Sau này, Lý Trực Dũng gắn bó với một tờ báo khác, chính là Thể thao&Văn hóa với Góc Lý Trực Dũng. Từ mấy năm nay, ông làm giám khảo Cúp Rồng tre - một giải vẽ biếm họa có quy mô của TT&VH. Nhưng khi được hỏi về các họa sĩ trẻ, ông chỉ cười buồn. “Vừa không kiếm được nhiều tiền, không nuôi được vợ con, vừa không được đi đến tận cùng của đam mê nên chẳng mấy người trẻ đến với nghề này”.

Mi Ly



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm