“Treo giò” cả người biểu diễn và “bầu show”

02/06/2012 10:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Phục trang phản cảm, hát nhép có thể khiến các “sao” bị phạt từ 15 - 25 triệu đồng; bị cấm biểu diễn, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 3 tháng hoặc lâu hơn nếu tái phạm... Thông tin này được đưa ra sáng qua (1/6) trong Hội nghị triển khai Chỉ thị 65 do Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn chủ trì.

Tăng gấp 3 lần mức phạt, thậm chí “treo giò” người biểu diễn được xem là những biện pháp mạnh tay của các nhà quản lý nhằm chấn chỉnh những lộn xộn trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang gần đây. Tuy nhiên, trước đó, không phải là cơ quan quản lý không từng đưa ra những án phạt khá nặng, như: đình chỉ biểu diễn đối với hai nghệ sĩ cải lương Kim Tiểu Long và ca sĩ Bảo Yến; phạt đơn vị tổ chức và người mẫu Hà Anh, Bebe Phạm tổng cộng 11 triệu đồng...


Trang phục của Thanh Thúy trong Bước nhảy Hoàn vũ

“Chỉnh” từ bầu show, người biểu diễn đên… truyền thông

Để tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm hạn chế những sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, đặc biệt đối với những vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua như: nghệ sĩ, người mẫu sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc; hát nhép... sáng qua (1/6), Bộ VH,TT&DL tiếp tục tổ chức Hội nghị Triển khai Chỉ thị 65 để gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, đặc biệt là các đơn vị tổ chức biểu diễn và các nghệ sĩ để cùng thực hiện các giải pháp, sao cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong thời gian tới ngày càng đi vào nề nếp và không để xảy ra sai phạm.

Theo ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, sắp tới, Bộ VH,TT&DL sẽ báo cáo, đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với những quy định nghiêm khắc hơn như: Tăng mức phạt tiền; đình chỉ biểu diễn đối với nghệ sỹ có thời hạn 3- 6 tháng hoặc lâu hơn nữa đối với các trường hợp cố tình vi phạm, sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc; hát nhép, đàn nhái; đề xuất không cho phép xuất hiện trên các phương tiện thông tin, truyền thông...

Đặc biệt, tỏ ra khá quyết liệt trong việc xử lý những vi phạm, Bộ VH,TT&DL sẽ có Công văn gửi các phát thanh, truyền hình trên toàn quốc, đề nghị không mời người biểu diễn vi phạm tham gia chương trình; không phát sóng các chương trình, tiết mục biểu diễn... Đồng thời còn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh các trang báo, các trang mạng trong việc đưa tin, bài, ảnh về các nghệ sĩ có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

 Phạt nặng hay xử nhẹ?

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Long - GĐ Sở VH,TT&DL TP. Hà Nội lại cho rằng, không nên “chặn” hết đường của các công ty biểu diễn để chỉ nhằm dễ dàng thuận lợi cho nhà quản lý. Ông Long thừa nhận, thực tế, có công ty cam kết bằng miệng, thậm chí bằng văn bản rằng không vi phạm, nhưng 100% đều sai phạm không kiểu này thì kiểu khác.

“Suy cho cùng, vì lợi ích kinh tế, họ sẵn sàng bất chấp tất cả. Mức phạt anh Vương Duy Biên nêu ra là 15 triệu đồng, thậm chí 25 triệu so với lợi nhuận mà họ thu được không thấm vào đâu. Một vị đại biểu quốc hội từng nói với tôi rằng, tại sao không phạt tới 1-2 tỷ đồng. Làm thế chắc chắn không ai dám vi phạm. Việc chỉ phạt đơn vị biểu diễn mà nghệ sĩ lại vô can cũng là vấn đề. Vì nghệ sĩ thành danh, có tiếng phải không chấp nhận những công ty biểu diễn bôi nhọ danh dự của họ vì những hành vi vi phạm pháp luật.

Quan điểm cho rằng không cấp phép biểu diễn nếu đã vi phạm theo tôi lại không sát thực tế. Vì việc thành lập một công ty mới không hề khó khăn. Sở chúng tôi vẫn nhận những hồ sơ xin phép từ những công ty mới toanh vừa thành lập không bao lâu xin tổ chức những chương trình lớn…”  - ông Long nói thêm - “Một vấn đề cũng đáng quan tâm là việc các nghệ sĩ có danh hiệu, nổi tiếng: NSND, NSƯT không hát thật mà hát nhép. Nên đặt vấn đề các nghệ sĩ thành danh khi đã lớn tuổi có nên hạn chế xuất hiện trên sân khấu hay không? Một cán bộ ở Thừa Thiên - Huế nói với tôi rằng anh ấy chỉ đồng ý 5/25 bài là nghệ sĩ đó sẽ không diễn nữa. Thực tế, có những nghệ sĩ đã lớn tuổi vẫn xin phép hát tới 25 bài. Tuổi sung sức nhất đã qua, họ có thể sống bằng hào quang nhưng nên ít xuất hiện”.

Anh Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL) lại không tán đồng quan điểm tăng tiền phạt vì theo ông, đã phạt là nhơ nhuốc, nhục nhã. Số người có mức cát- xê hàng chục triệu đồng ở nước ta rất ít, còn nghệ sĩ bình thường thì thu nhập không nhiều. Vì thế, mức phạt nên căn cứ trên tình hình chung. “Đây là vấn đề liêm sỉ của con người” - ông Phúc bức xúc.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nêu quan điểm, trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao năng lực, trình độ của các nhà quản lý văn hóa, Bộ VH,TT&DL sẽ đưa ra nhiều biện pháp mạnh đồng thời còn đề nghị Bộ Thông tin &Truyền thông “quản” chặt hơn các trang mạng…

* Người mẫu Thúy Hằng: “Elite Việt Nam hiện không dám cung cấp chứng chỉ cho người mẫu mà chỉ có Hiệp hội người mẫu VN mới có chức năng này. Chúng tôi chỉ đào tạo để sử dụng nhân lực cho công ty của mình. Tôi muốn hỏi danh từ người mẫu do ai cấp phép và sử dụng ra sao? Nhiều người mẫu không ai biết được đào tạo từ đâu ra cũng vỗ ngực là người mẫu và có người đùng một cái bị bắt khi bán dâm...”.

* Ông Trương Nhuận (Phó GĐ Nhà hát Tuổi trẻ): “Để thành lập một công ty có chức năng biểu diễn chỉ mất 1 triệu đồng tiền phí. Mà làm hồ sơ ở các tỉnh thì chỉ 500.000 đồng. Tôi được biết có những công ty tổ chức mà đứng đầu là ông già 80 tuổi. Người ta đưa bố, mẹ, vợ, chồng, anh em, con cháu vào đứng tên. Vì thế cần điều chỉnh các quy định cho sát thực tế. Nếu không cẩn thận thì người ta sẽ tìm cách lách luật. Các công ty tư nhân xin cấp giấy phép ở tỉnh, các tỉnh chỉ duyệt danh sách, không duyệt market sân khấu. Vậy là cứ khó xin ở Hà Nội thì người ta về các tỉnh để xin.

* NSƯT Tố Uyên: “Điều thật đáng buồn là nhiều hội diễn được nhà nước đầu tư không biết bao nhiêu tiền mà chỉ có người nhà nghề xem với nhau, định hướng cho quần chúng kiểu gì khi mà quần chúng không tới?”

* Nghệ sĩ hát Vũ Mạnh Dũng (Nhà hát nhạc Vũ kịch VN): “Có thể nghiên cứu mức độ ảnh hưởng xấu của ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu tới khán giả như thế nào để đưa ra mức phạt cho phù hợp. Các ca sĩ nổi tiếng, nhiền fan, nếu làm tốt ảnh hưởng tốt đến đông đảo khán giả, nhưng ngược lại, làm điều xấu thì ảnh hưởng rất tiêu cực đến lực lượng lớn quần chúng này. Do đó, theo tôi có thể đề xuất mức truy cứu hình sự, lao động công ích…”.

Kim Anh - Ngọc Liên (ghi)


Kim Anh - Ngọc Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm