“Cần sớm khảo sát kỹ toàn bộ hệ thống lễ hội Việt Nam”

17/05/2012 14:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là ý kiến của GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) trong cuộc hội thảo do Hội đồng này tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 16/5. Theo đó, hơn 8.000 lễ hội trên cả nước cần được khẩn trương khảo sát để phân định rõ tính chất, môi trường hình thành, vai trò đặc trưng... và từ đó tìm ra phương pháp ứng xử, quản lý phù hợp cho từng loại.

Có tên gọi Lễ hội - Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, cuộc hội thảo thu hút khá nhiều nhà chuyên gia nghiên cứu văn hóa trên cả nước với mục đích tìm ra những tư vấn và đề xuất hợp lý cho việc quản lý lễ hội. Và theo những ý kiến chung được đưa ra, trên cơ sở này, Quy chế Quản lý lễ hội hiện đại nên được thay thế bằng một Nghị định ở mức cao hơn để phù hợp với thực tế phức tạp đang diễn ra.


GS Lưu Trần Tiêu  tại Hội thảo

Thống kê sơ bộ cho thấy: hơn 80% lễ hội cả nước vẫn là loại hình lễ hội truyền thống, được phát sinh từ cộng đồng và tồn tại trong một thời gian rất dài. Số còn lại tạm thời được chia về các loại hình lễ hội tôn giáo, lễ hội kỉ niệm cách mạng, lễ hội du nhập từ nước ngoài...

Đặc biệt, các ý kiến tại hội thảo nhắc nhiều tới nhược điểm của loại hình đang chiếm 4,7 % số lễ hội trên cả nước với tên gọi tạm thời là “lễ hội mới” (do địa phương hoặc doanh nghiệp tự bỏ tiền tổ chức, chủ yếu là các festival như Festival Trái cây Nam Bộ, Festival Hoa Đà Lat, Festival Chè Thái Nguyên, Festival Biển miền Trung...). Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, từ thành công của một số festival được tổ chức tốt, khá nhiều địa phương dù không có tiềm năng về du lịch nhưng vẫn lãng phí hàng chục tỷ đồng tổ chức “lễ hội” với quy mô lớn, nhưng khoa trương hình thức và rập khuôn nhau.

Với, các lễ hội truyền thống, theo phân tích của GS Ngô Đức Thịnh, nó cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những mô hình “lễ hội mới” này với việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội cổ truyền một cách khiên cưỡng, kèm theo đó là tâm lý thương mại hóa, trần tục và đơn điệu hóa lễ hội. Bởi thế, việc khảo sát hệ thống lễ hội trên toàn quốc một cách tổng thể và bài bản là nhu cầu đang được giới nghiên cứu đề xuất với mục đích quy hoạch, tránh tổ chức tự phát, tràn lan với các “ lễ hội mới” và tìm cách bảo tồn, đưa về sự quản lý chung của cộng đồng đối với các lễ hội truyền thống.

Riêng với khái niệm “mê tín dị đoan”, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề nghị sớm thành lập những hệ thống tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực để phân định và sử dụng hợp lý cụm từ nhạy cảm này trong các đánh giá, nghiên cứu về lễ hội. Thậm chí, GS Trần Lâm Biền còn kiến nghị xét tới khả năng bỏ cụm từ “mê tín dị đoan” trong các văn bản liên quan để thay bằng những cụm từ có nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm