Victor Vũ: "Tôi đã sẵn sàng cho đám cưới"

09/05/2012 08:28 GMT+7 | Phim


Victor khép mình trước mọi người, với cả đồng nghiệp, người quen chứ chẳng riêng báo giới...Nhưng nói chuyện rồi mới biết, Victor duyên dáng, dễ gần, thú vị và thông minh hơn những hình dung.

Khi sự cố “Giao lộ định mệnh” xảy ra cách đây 2 năm, gần như không ai có thể liên lạc được với Victor Vũ để hỏi bất cứ điều gì. Rồi theo cái trớn đó, Victor cũng khép mình trước mọi người, với cả đồng nghiệp, người quen chứ chẳng riêng báo giới.

Cuộc trò chuyện với Victor chỉ kéo dài hơn 2 tiếng, nhưng thời gian để sắp đặt, dỗ dành thì đến 2 tuần. Victor sẵn sàng trò chuyện với người phỏng vấn, nhưng lại không sẵn lòng cho một bài báo. Lời từ chối rất quen "Tôi có gì để nói đâu?". Nhưng nói chuyện rồi mới biết, Victor duyên dáng, dễ gần, thú vị và thông minh hơn những hình dung.

"Rất khó nói tại sao tôi sinh ra lớn lên ở Mỹ lại hướng về văn hóa Việt. Phải chăng vì tôi rất gắn bó với gia đình, mà gia đình tôi thì rất Việt Nam…

Sản xuất Việt Nam, phát hành bên Mỹ…

* Hình như anh rất ngại báo chí? Anh có biết rằng khi anh “trốn” như vậy, anh sẽ không được lòng báo chí không?

- Tôi không ngại báo chí, nhưng bạn thấy đấy, tôi rất ít khi xuất hiện trên báo, trên những bài interview mang tính chất chân dung lẫn đời tư. Đơn giản bởi vì tôi thấy mình chẳng có gì thú vị để nói. Người ta biết tôi qua phim là đủ rồi, tôi là nhà làm phim chứ có phải là diễn viên đâu?

* Nhưng hôm nay thì anh sẽ cho Đẹp một sự phá lệ nhé? Chỉ đơn giản là câu hỏi “vô hại” này thôi: Anh sinh ra ở Việt Nam hay Mỹ?

- Victor sinh ra ở Mỹ, năm 1975. Khi mẹ sang Mỹ thì Victor mới được 2 tháng trong bụng mẹ. Nghĩa là Victor được sản xuất ở Việt Nam mà phát hành bên Mỹ (cười). Lần đầu tiên Victor về Việt Nam là năm 2001, khi đó vừa xong kịch bản “Oan hồn” (Spirits), muốn về Việt Nam để quay phim đó. Nhưng đề tài ma quái, tâm linh này kia thì thời điểm đó rất khó được duyệt. Cũng hơi tiếc vì đó là một trong những kịch bản Victor hài lòng nhất, nếu được quay ở  Việt Nam thì bối cảnh, câu chuyện sẽ phong phú hơn.

* Nghĩa là lý do trở về Việt Nam chỉ là để làm phim?

- Về Việt Nam khi đó khó lắm, với tôi. Vì bên Mỹ tôi có công việc, tôi làm cho một số hãng chuyên về kỹ xảo (Sony Pictures Imageworks và Eastman Kodak), công việc tôi đã bắt đầu ngay sau khi tốt nghiệp Loyola Marymount University. Về Việt Nam mấy tuần nhưng tôi phải lên kế hoạch kỹ. Tiếng Việt khi đó của tôi hơi tệ, giờ thì tốt hơn một chút. Những gì tôi biết về Việt Nam là qua sách vở, qua những câu chuyện bố mẹ kể, những bộ phim…, tóm lại là những thứ rất bề ngoài, chưa có chiều sâu gì hết.

* Vậy sao lại quyết định phim đầu tay sẽ là về Việt Nam, vì phim đầu tay thường gắn với văn hóa sống của đạo diễn, mà văn hóa của anh thì chắc hẳn “đặc Mỹ”?

- Nhiều người nghĩ khi tôi về Việt Nam, tôi mới chọn con đường ở lại Việt Nam, làm phim Việt. Thật ra không phải như vậy. Tôi đã lựa chọn hướng đi của mình từ khi tôi bước vào trường điện ảnh. Phim năm thứ hai của tôi là “Thiếu phụ Nam Xương” (The promise of shadows). Đó là câu chuyện tôi được nghe kể đi kể lại rất nhiều. Sau đó phim tốt nghiệp của tôi tên là “Pháo” (Firecracker - 1997), câu chuyện về một gia đình Việt Nam sống ở Mỹ đang tan vỡ và tất cả bi kịch đó được nhìn qua mắt một đứa trẻ 7 tuổi. Nhưng cuối cùng đứa trẻ đó lại bị mù vì chơi pháo. Rất khó nói tại sao tôi sinh ra lớn lên ở Mỹ lại hướng về văn hóa Việt. Ngay ở Loyola Marymount University nơi tôi theo học, nguyên một cái trường lớn đó cũng chỉ có 2 sinh viên Việt Nam. Đó là đạo diễn Tony Bùi lúc đó năm thứ 4 còn tôi năm nhất. Học chung một năm thì anh Tony Bùi về Việt Nam làm phim “Bông sen vàng”, rồi “Ba mùa”. Vậy là cả 2 người Việt đều có khuynh hướng làm phim về Việt Nam với câu chuyện Việt Nam.

* Anh cố cắt nghĩa thử xem?

- Có thể lý giải phải chăng vì tôi rất gắn bó với gia đình, mà gia đình tôi thì rất Việt Nam. Tôi cũng thường xuyên theo học các lớp Việt ngữ, đọc rất nhiều sách và tôi mê nhất truyện cổ tích như Trọng Thủy Mỵ Châu, rồi những chuyện ma. Thêm nữa, lúc nào qua bên nhà nội cũng nghe mọi người kể chuyện ma, chuyện ma Việt Nam, rất là mê. Chuyện ma Việt Nam rất thú vị, khác chuyện ma Tây phương. Nó hướng về tâm linh nhiều, về nghiệp chướng, về phải trái, nhân quả. Đó đã là những cảm hứng cho tôi viết “Oan hồn” cùng với Nguyễn Hoàng Nam và Peter Võ.

Khi đi học, tôi toàn coi phim Mỹ, rồi phim Âu châu, hiếm khi có cơ hội xem phim Việt Nam. “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng là một bất ngờ với tôi. Một phim rất đơn giản, bỏ qua chuyện diễn xuất, tôi thấy phim có 2 cái: nghệ thuật của cine và văn hóa Việt. Hai cái này phối hợp ăn ý để có một phim đơn giản mà thú vị… Tôi đã nghĩ mình phải làm những bộ phim mà mình hào hứng với những câu chuyện có giá trị bằng những bối cảnh ở Việt Nam, diễn viên Việt Nam. Đó, rất nhiều thứ hơi hỗn loạn một chút xung quanh đã vô hình định hướng giùm tôi để tôi muốn làm phim Việt, ở Việt Nam.

* Nhưng dường như văn hóa Việt mà anh nói là điểm mạnh cũng chính là điểm yếu khi người ta nhận xét về những nhà làm phim Việt kiều, ngay cả Trần Anh Hùng?

- Đúng, chính xác là vậy! Nhưng phải nói đến thời điểm. Lúc đó tôi chưa về Việt Nam, tôi nghĩ đó là phim Việt. Còn nếu bây giờ tôi mới xem “Mùi đu đủ xanh”, tôi sẽ nghĩ đây là Việt Nam được nhìn qua con mắt người nước ngoài. Cảm giác đã khác! Rõ ràng là vậy. Thời điểm đó tôi cũng tìm coi rất nhiều phim của Trương Nghệ Mưu và Kurosawa. Tôi nhận ra mình thích thú với văn hóa phương Đông hơn là phương Tây. Năm đó tôi mới khoảng 18, 19 tuổi.

* Gia đình anh ra đi năm 1975, thường thì không dễ dàng để đồng ý cho con mình quay về Việt Nam lập nghiệp. Quyết định về Việt Nam của anh có phải là một sự “nổi loạn” với gia đình anh không?

Chuyện về Việt Nam của tôi là chuyện nhỏ. Chuyện quyết định theo đuổi điện ảnh của tôi là chuyện lớn hơn! Gia đình tôi có hai chị, tôi và một em trai, một em gái nữa. Gia đình tôi không lo sợ tôi bị cản trở gì ở Việt Nam đâu. Mà lo lắng bởi điện ảnh không phải là nghề lý tưởng cho một người Mỹ gốc Việt như tôi. Bên đó ai cũng muốn con mình thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư hết. Nghệ thuật điện ảnh ở Việt Nam thời điểm đó (những năm 2000) chưa có những thuận lợi để phát triển. Nhưng mẹ tôi có nói: Mình chỉ thành công nếu mình được làm những gì mong muốn. Chính vì vậy, ba mẹ tôi ủng hộ tôi.

* Trước đó anh có sống trong sự bảo bọc không?

- Khi tôi đi học, có những chương trình vừa học vừa làm. Rồi tôi có vài cái học bổng cũng giúp cho tôi sống được. 17 tuổi tôi đã sống riêng, đã ở nội trú tại trường đại học và ở chung với bạn bè. Tôi cảm thấy tôi gặp rất nhiều may mắn trong cuộc đời. Tôi chưa bao giờ thấy mình quá vất vả. Khi mới ra trường tôi làm về kỹ xảo, công việc rất ổn định. Có thời gian tôi tách ra làm quảng cáo riêng, công việc cũng rất ổn. Khi mọi thứ đang rất tốt như vậy, thì về Việt Nam quả là quyết định khó khăn. Cái này rất liều, nhưng vì tôi nghĩ nếu mình không được làm điều mình muốn thì mình không hạnh phúc. Làm kỹ xảo hay quảng cáo cũng thú vị, nhưng không phải là đam mê. Với tôi, hạnh phúc được làm điều mình yêu quan trọng hơn việc hưởng thụ một cuộc sống lúc nào cũng bình yên, ổn định...

 
Nói ra thì khó hiểu, nhưng không hiểu sao tôi rất hào hứng khi xem phim Việt.

“Thiên mệnh anh hùng” từng là cơn ác mộng

* Cánh đạo diễn Việt kiều ở Việt Nam thường chơi khá thân với nhau. Có lẽ ở đây họ coi nhau là hàng xóm, khi có ai mới sang hoặc có phim nào mới ra mắt lại thấy họ kề cận cùng nhau rôm rả. Nhưng trong những cuộc trà dư tửu hậu, ít khi có mặt Victor… Anh có biết là trong số các đạo diễn Việt kiều về Việt Nam làm phim, mọi người nhận xét anh là chất Tây nhiều hơn chất Việt không?

- Tôi là Mỹ con mà (cười phá lên). Tôi không phải là Việt kiều, tôi Mỹ hơn một người Việt kiều. Khi lần đầu tiên tôi cho mẹ tôi coi “Thiếu phụ Nam Xương”, mẹ tôi ngạc nhiên vì tại sao tôi đi học điện ảnh Mỹ mà lại làm phim Việt. Nhưng cái đó như món nợ vậy. Dù tôi sinh ra ở Mỹ, ăn đồ Mỹ, nói chuyện Mỹ, là “Mỹ con” nhưng tâm hồn tôi hướng về Việt Nam. Điều đó chính tôi cũng không giải thích được. Có lẽ đó là tiếng gọi của nguồn gốc. Tại vì mình được sản xuất ở Việt Nam chăng? (cười)

* Trong gia đình anh, không khí Việt có đậm không? Ngày Tết, ngày lễ của người Việt, ra sao?

- Phim “Pháo” lấy cảm hứng từ những cái Tết rất Việt mà tôi đã trải qua cùng gia đình bên Mỹ. Tết nào gia đình tôi cũng tập trung, nguyên mùa Tết (khoảng 2 tuần), cả nhà sẽ hôm nay qua nhà cô này, mai qua nhà chú kia, rồi ông bà, bác, anh chị em… ăn uống và nói chuyện vui vẻ. Thật sự mà nói mấy năm nay, thời gian Tết tôi toàn kẹt phim nên không về nhà được. Tôi rất là nhớ những cảnh đó. Rất là nhớ!

* Có mâu thuẫn gì không khi dường như cái Tết Việt ở Mỹ trong anh lại ám ảnh hơn cái Tết Việt tại Việt Nam?

Vì Tết với tôi là thời gian với gia đình, dành cho gia đình. Cái vui của Tết ở đây cũng rất hay, nhưng cái tôi thiếu là không khí gia đình. Thế nên mấy năm nay tôi hơi buồn mỗi khi Tết đến…

* Có ai trong gia đình anh muốn về Việt Nam cùng anh không?

- Có em trai tôi. Chú này khá thú vị, làm ngân hàng, công việc khá ổn. Nhưng mấy năm nay em tôi tự đọc sách rồi tự học cách viết kịch bản và đã viết được 3 cái. Đọc kịch bản, tôi thấy cấu trúc, ngôn ngữ điện ảnh… rất thú vị. Chỉ tiếc là những câu chuyện này xảy ra ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam. Chắc vài tháng nữa em trai tôi cũng sẽ về đây, học hỏi và tìm hiểu thêm cùng tôi.

* Có một số đạo diễn Việt kiều chọn Việt Nam như một “bàn đạp” để khi có đủ lông đủ cánh sẽ bay xa hơn. Anh có tính vậy không?

- Tôi không thể đại diện cho tất cả đạo diễn Việt kiều khác, vì ai cũng có khát vọng, mục tiêu riêng của họ. Với riêng tôi, hướng tôi lựa chọn là Việt Nam. Về Việt Nam làm phim là chuyện đương nhiên với tôi. Tôi kể câu chuyện Việt Nam bằng kinh nghiệm của người Việt Nam với những nhân vật Việt, làm cho khán giả Mỹ thì ai coi? Ngay cả các đạo diễn Trung Quốc hay Hàn Quốc thành danh mà muốn phát triển bên Mỹ cũng khó, không có thị trường và nói thẳng là không logic! Tôi là người hiểu chuyện đó bởi tôi đã có 2 phim làm bên Mỹ là “Oan hồn” và “Buổi sáng đầu năm” (First Morning). Thay vì 2 phim mang hương vị Việt này, tôi có thể làm phim Mỹ chứ! Nhưng đó không phải là điều tôi muốn. Với tôi, những phim tôi đã làm, sẽ làm sẽ là phim Việt cho người Việt Nam.

* Anh từng có cơ hội nào khác chưa?

- Có chứ, trong một lần đem phim “Pháo” đi tham dự liên hoan phim, tôi đã từng được gặp nhà sản xuất của phim “A few good men”. Ông ta đưa cho tôi một kịch bản được viết bởi một tác giả khá thành công, nói về một gia đình qua Mỹ năm 1975 và hỏi tôi có thích không. Thật ra lúc đó tôi chỉ nghĩ muốn được làm phim với ông sản xuất này thôi. Vì “A few good men” là một phim tôi rất thích với Tom Cruise, Jack Nicholson… Chúng tôi đã ngồi xuống nói chuyện nhưng sau khi đọc kịch bản, tôi thấy mình là người Mỹ gốc Việt mà còn thấy câu chuyện quá xa lạ với người Việt vì nhiều chi tiết nó không Á Đông. Tôi mới nói họ cho mình 2 tháng để viết lại kịch bản. Khi nói điều đó, tôi biết chuyện có thể xảy ra là tôi sẽ mất cơ hội vì họ sẽ tự ái. Hai tháng sau, tôi vẫn nộp cho họ kịch bản tôi đã viết lại. Cơ hội đó đã qua.

* Các đạo diễn Việt kiều cũng có một điểm chung nữa, là rất thích nhắc đến cuộc chiến ở Việt Nam trước năm 1975. Anh thì sao?

- Tôi tin vào những giá trị khác. Tôi tin rằng Việt Nam, văn hóa Việt có quá nhiều thứ xứng đáng được khai thác, để đưa lên phim ảnh cho mọi người xem và thỏa mãn họ. Lý do thứ hai quan trọng hơn, tôi nghĩ mình chưa đủ hiểu biết, vốn sống cũng như khả năng để hiểu, để cảm và để làm phim về đề tài cuộc chiến. Trước khi về Việt Nam, tôi cũng đã viết thử một số kịch bản, nhưng chỉ chừng 30 trang là bỏ ngang vì thấy mình không hiểu, không viết quá 30 trang được. Khi tôi về Việt Nam, bạn biết tôi nghĩ gì không? Hóa ra tất cả những gì tôi biết về Việt Nam, những gì tôi nghĩ rằng tôi biết về Việt Nam đều phải vứt hết ra ngoài cửa sổ. Việt Nam mà tôi sống ở đây, hôm nay, hoàn toàn khác, không phải như với những gì tôi tưởng tôi đã biết! Ví dụ cụ thể, giả sử như bạn sống ở Mỹ trong khu vực toàn người Việt như quận Cam-đi, thì bạn sẽ hình dung Việt Nam là con trâu, là nhà mái lá… Nhưng về Việt Nam, đâu phải vậy, cũng đâu phải đó là đề tài có thể khai thác. Việt Nam khác rồi!

* Anh từng từ chối một kịch bản vì thấy nó xa lạ với người Việt, nhưng gần đây phim “Touch” khi chiếu ở Việt Nam, có một số bạn Tây của tôi đi coi, họ cười lăn ra trước những cảnh Tâm đã làm với Brendan… Trong khi tôi nghĩ “Touch” làm rất Tây. Anh nghĩ sao về điều này?

- Hay là họ nghĩ người Á Đông không phải vậy? Tôi thích “Touch”, một phim hài lãng mạn, những tình huống trong đó mặc dù nó rất lạ nhưng thuyết phục. Tôi thích “Touch” còn bởi nó phá đi được những định kiến của người phương Tây nhìn người Á Đông, họ mặc định rằng người Á Đông phải khép nép kín đáo phải thế này thế kia theo cách nhìn của họ. Người châu Á không được phô bày cảm xúc… Tôi không đồng ý với điều này. Tôi nghĩ cũng giống tôi khi chưa về Việt Nam, người phương Tây đa số nhìn người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, bằng cái hiểu biết khá là hạn hẹp.

- Trở lại với dự án gần đây nhất của anh, “Thiên mệnh anh hùng”. Thỏa mãn ước mơ được làm một phim kiếm hiệp Việt, anh có hài lòng không?

- Chẳng bao giờ tôi hài lòng 100% với những phim đã làm. Đúng là để thực hiện một bộ phim như “Thiên mệnh anh hùng” là ước mơ của tôi từ lâu. Nó cũng là một thử thách mới hoàn toàn cho tôi, kể cả cho nhà sản xuất. Nên có những vấn đề về thời gian nó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của mình, làm cho công việc mình rất khó khăn. Tất nhiên tôi sẽ không muốn kể tội hay đổ lỗi cho ai, vì tôi là đạo diễn, tôi phải chịu trách nhiệm tất cả những gì diễn ra trên màn ảnh. Nhưng phải nói là được quay hơn 3 tháng ở những cảnh tuyệt đẹp của miền Bắc với sự ủng hộ của một ê kíp thật nhiệt tình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng vì vấn đề thời gian, giai đoạn hậu kỳ “Thiên mệnh anh hùng” với tôi lại là một cơn ác mộng!

* Là một đạo diễn “đắt show”, vậy sao anh không mạnh mồm ra điều kiện với nhà sản xuất?

- Nếu bên sản xuất muốn “Thiên mệnh anh hùng” chiếu Tết, mà tôi muốn 30/4 để có thêm thời gian… và cuối cùng, rủi phim không đạt được doanh thu như nhà sản xuất muốn thì sao? Tôi không muốn chịu trách nhiệm về những việc đó. Tôi không hiểu thị trường 100%, tôi cũng không biết nhà sản xuất họ làm cách nào để lấy lại vốn… Nhiều chuyện lắm nên tôi không thể bắt họ chiều mình. Nếu “Thiên mệnh anh hùng” là một thể loại khác, hoặc kinh phí không nhiều thế thì có lẽ tôi đã có đủ can đảm để yêu cầu nhà sản xuất cho mình thêm thời gian. “Thiên mệnh anh hùng” với tôi là một dự án lớn nhất, phức tạp nhất, áp lực nhất với tôi. Tất cả công sức mà tôi đã bỏ ra rất xứng đáng với sản phẩm. Đến giờ tôi vẫn không thể tin nổi là phim đã ra kịp trước Tết.

Tôi tin rằng Việt Nam, văn hóa Việt có quá nhiều thứ xứng đáng được khai thác, để đưa lên phim ảnh cho mọi người xem và thỏa mãn họ.

Tưởng mình đã gãy sau cú "Shattered"

Nghi án "Giao lộ định mệnh" - "Shattered" nghĩ lại, cũng là một barie cần thiết khiến cho Victor đang say men chiến thắng khi cả hai dự án của mình ở Việt Nam kể từ “Chuyện tình xa xứ” đến “Giao lộ định mệnh” và chuẩn bị cho “Cô dâu đại chiến” đều được khán giả mến mộ, đón chờ. Khán giả khắt khe nhưng rộng lòng. Báo chí có lẽ cũng vậy. Chính những người từng lên án Victor Vũ nhất trong nghi án đạo phim "Shattered" cũng không tiếc lời khen “Cô dâu đại chiến” và sau đó là “Thiên mệnh anh hùng”. Chuyện "Giao lộ định mệnh" - "Shattered" dần đi vào quên lãng, và lẽ ra tôi cũng không muốn xới lên nếu như Victor không chủ động nhắc đến…

* Có người bạn nói với tôi, một trong những lý do anh tránh báo chí là vì mỗi khi anh bắt đầu dự án mới, nhà sản xuất thường mở chiến dịch PR khiến công chúng kỳ vọng và đó cũng là cách gây áp lực cho anh?

- Đó là mặt trái của showbiz mà tôi phải chấp nhận. Đó là áp lực mà tôi không thể kiểm soát được. Dù vậy, tôi là người làm phim khá tập trung nên những lời nói bên ngoài thường không phải là tác nhân của stress. Nếu thế thì chắc tôi đã bỏ nghề lâu rồi!

* Không những “mang tiếng” là trốn tránh báo chí, hình như anh còn ít xuất hiện trong những cuộc hội hè của cánh nghệ sĩ Việt kiều?

- Ủa vậy hả? Tôi cũng không để ý nữa. Tôi ít xuất hiện lắm hả? Thực ra cuộc sống của tôi rất chìm, tại vì tôi không phải là ngôi sao, tôi chỉ là người làm phim, quan trọng là được làm phim thôi. Nếu phim Việt ra mắt thì bao giờ tôi cũng cố gắng đi, thị trường mình đâu có bao nhiêu người. Và có thể nói ra thì khó hiểu, nhưng thực sự là tôi rất hào hứng khi xem phim Việt. Không giải thích được sự hào hứng đó. Còn các cuộc vui khác như bạn nói, tôi có lẽ cũng ít cơ hội tham gia thật.

* Chứ không phải vì có một đồng nghiệp nào đó từng làm tổn thương anh chứ? Có ai không?

- (Bật cười) Thường những người làm tổn thương tôi đến từ người ngoài nghề thôi!

* Nhà báo hả?

Không, không hẳn là nhà báo! Nhưng tôi nghĩ những người làm phim ít có cơ hội để quen thân nhau. Mình cũng bận với dự án của mình, chắc là họ cũng vậy. Thêm nữa mỗi người lại có một ê kíp “ruột” . Nên chuyện ít thân nhau cũng bình thường. Lý do chính đáng hơn có lẽ là do tôi sống khá khép kín.

* Thời điểm khó khăn nhất với anh từ khi về Việt Nam đến giờ là lúc nào?

- Có hai lần. Lần thứ nhất là khi mới về Việt Nam, trước khi “Chuyện tình xa xứ” được quay. Tôi quyết định ở thêm 2, 3 tuần để đẩy bằng được dự án này. Tôi rất buồn vì không quen ai hết, tôi tự đi gặp người này người kia bên sản xuất phim. Nhưng liều mà lại may vì tôi gặp đúng người. Dù vậy thời gian đó, tôi lúc nào cũng không biết ngày mai ra sao, mất phương hướng. Chỉ có một kịch bản, muốn quay ít ra 50% ở Việt Nam, rồi tôi lên máy bay về Việt Nam, không cần biết sẽ ra sao… Thời điểm thứ hai, là nghi án “Giao lộ định mệnh”. Cái khó là vì khi xảy ra chuyện, tôi lại đang chuẩn bị cho dự án “Cô dâu đại chiến”. Nhưng nhờ sự khủng hoảng này, tôi nhận ra mình là người làm việc rất tập trung, và tôi cũng nhận ra ai là bạn tôi thật sự, ai là những người vẫn ủng hộ và tin tưởng tôi. Nên dù là một cơn ác mộng mệt mỏi thì thời gian đó cũng là khoảng thời gian thú vị, và nếu như tôi không có sự tập trung, chắc lúc đó tôi gãy luôn rồi. Tôi đã luôn tự an ủi mình: tôi làm phim vì tôi đam mê, nên tôi sẽ tập trung cho đam mê.

* Phim “Giao lộ định mệnh” dù thế vẫn tham gia giải Cánh Diều (rồi bị loại), và năm nay “Thiên mệnh anh hùng” cũng vắng mặt tại giải Cánh Diều. Dường như anh không có duyên với giải Cánh Diều thì phải? Hay có lý do nào khác?

- Chuyện đó là quyết định của nhà sản xuất và nằm ngoài kiểm soát của tôi. Nếu đoạt giải gì đó thì cũng vui. Nhưng đó không phải là mục đích của tôi khi làm phim. Sự thành công của một bộ phim có thể khẳng định bằng nhiều cách: giải thưởng, doanh thu cao, tham gia LHP nổi tiếng... Đối với tôi, quan trọng nhất là cảm hứng của mình khi làm phim. Chỉ khi mình thật sự đam mê về một đề tài hay một kịch bản nào đó thì mình mới có thể tạo ra một tác phẩm tốt nhất có thể. Nhiều người hay phân biệt phim nào là phim nghệ thuật, phim nào là phim giải trí, phim nào là phim dự thi. Tôi thì luôn tin một bộ phim hay hoàn toàn có thể đồng thời mang chất nghệ thuật và giải trí cao.   

Tôi sẽ cố gắng 200% để không ly dị

Về Việt Nam gần 10 năm, Victor đã kịp được biết đến như một đạo diễn “chiếu trên” với một loạt phim ăn khách, được khen ngợi: "Chuyện tình xa xứ", "Giao lộ định mệnh", "Cô dâu đại chiến", "Thiên mệnh anh hùng" và anh đang chuẩn bị quay “Scandal”, hứa hẹn sẽ là một quả bom nữa của màn ảnh Việt. Nhưng đời tư của anh chàng đạo diễn bảnh trai này lại được giữ gìn khá sạch. Người ta có thể dăm bữa, nửa tháng tình cờ thấy Victor đi với cô này, cô kia nhưng không biết chắc cô này, cô kia có phải là bạn gái của anh không. Ừ thì có sao, Victor chưa có vợ, lại quá dễ nhìn. Mà nói chuyện gần hơn mới thấy, còn phải cộng thêm nhiều ưu điểm cho anh chàng tuổi mèo này nữa…

* Người ta đồn rằng sau mỗi dự án anh lại có một mỹ nhân, đúng không?

- … (ngập ngừng khá lâu), vậy hả? Có rất nhiều tin đồn về tôi. Có cái đúng, có cái sai. Tôi sẽ chỉ nói một chút xíu về chủ đề này thôi. Bởi vì tôi luôn khó chịu khi thấy những người làm phim giống mình PR chuyện đời tư của mình trên báo chí. Tôi thấy đời tư không liên quan gì đến việc làm phim. Tôi đồng ý mình phải đối diện với công chúng, tôi cũng biết mọi người tò mò về nghệ sĩ. Nhưng thật sự thì, biết nói sao, nếu hai người kế toán làm chung, cảm tình rồi yêu nhau thì có sao? Trong đoàn phim cũng vậy, diễn viên, đạo diễn, hóa trang, ánh sáng làm chung rồi yêu, khác gì đâu? Tuy nhiên, nếu nói mỗi dự án tôi có một mỹ nhân thì rất nực cười. Từ khi về Việt Nam đến giờ tôi mới chỉ quen hai người. Mà chuyện đó bình thường, tôi sống ở đây, làm việc ở đây mà, càng ngày càng gắn bó hơn thì tôi cũng cần tình bạn, cần những mối quan hệ riêng tư.

 

* Điều làm tôi tò mò nhất lại không hẳn vậy. Tôi, cũng như nhiều đồng nghiệp của tôi đã từng phỏng vấn "người cũ" của anh nhưng không ai moi được lời nào của cô ấy về anh, dù tôi biết khi chia tay anh, cô ấy cũng chẳng vui vẻ gì. Anh làm cách nào mà cô ấy và ngay cả người phụ nữ hiện giờ của anh, họ đều kín tiếng đến vậy?

- Tôi đã nói tôi rất khó chịu khi thấy nghệ sĩ tâm sự về chuyện riêng tư. Tôi không muốn như vậy. Tôi nghĩ mình phải tôn trọng người bạn mình đang quen, mình phải tôn trọng mối quan hệ này và mình sẽ phải bảo vệ nó. Vì mình không biết ngày mai ra sao. Hôm nay yêu, mai không yêu nữa thì có cần phải đưa chuyện đó lên báo chí không?

* Anh nói nguồn gốc Á Đông trong anh rất mạnh, vậy anh có nhu cầu thiết lập cuộc sống gia đình như cách của cha mẹ mình đã làm không?

- Tôi rất muốn. Tôi tin rằng khi tôi cưới rồi, tôi sẽ cố gắng 200% để không ly dị. Tôi tin khi cưới rồi, cam kết giữa hai người sẽ là mãi mãi muôn đời. Nếu mình chưa sẵn sàng thì okie, mình đừng có cưới.

* Sẽ có rất nhiều người muốn biết rằng người được anh lựa chọn sẽ là người trong hay ngoài nghề với anh đây?

- Tôi đã từng yêu người ngoài nghề cũng như trong nghề. Mỗi một lựa chọn đều có cái ưu và cái nhược riêng. Vậy thì lựa chọn đúng nhất phải chăng là ai mình thực sự yêu, ai thực sự có duyên với mình, mình cần ai hơn, sau một ngày làm việc mình muốn tâm sự với ai, ý kiến của ai, cảm giác với ai quan trọng với mình thì mình sẽ cưới người đó chứ không còn đặt nặng chuyện trong hay ngoài nghề nữa.

* Đã có nhiều “tấm gương” đạo diễn khổ lòng vì “nàng thơ” và mất tỉnh táo tới mức luôn phải cố sắp xếp cho “nàng” một vị trí quá sức trong phim của mình. Mọi người đang hồi hộp xem Victor Vũ có đi vào vết xe đổ đó không đấy…

- Không! Tôi rất là tỉnh táo! Rất là tỉnh táo! Việc làm phim quá quan trọng với tôi. Ví dụ như tôi có một người vợ, bạn gái, người yêu, và mình tính đưa họ vào phim mình, mình phải rất là tỉnh táo vì họ phải cố gắng nhiều hơn một người bình thường. Bởi vì tôi sẽ khó với họ nhiều hơn, cho đến khi họ làm được. Tất nhiên mình không bao giờ được đưa họ vào vai mà họ không làm nổi. Tôi tin một điều, nếu họ không hiểu được điều đó, nếu họ không chuyên nghiệp, nếu họ không biết điều thì chắc chúng tôi cũng không quen nhau nữa. Công việc đã là áp lực lớn lắm rồi mà còn thêm một tiếng nói trái chiều nữa thì mệt lắm. Mình thương nhau là thương con người của nhau chứ đâu phải vì một vị trí nào đó trong phim?

* Vậy thì anh tìm được người đó chưa? Đám cưới sẽ diễn ra khi nào? Có trong năm nay không? Để tôi còn làm một quả bom nổ tung trên báo?

- (Cười phá lên) Có khả năng… Nhưng khi nào đám hỏi rồi, thì bạn hãy thả bom!

* Cảm ơn anh, vì đã tin tôi mà chia sẻ!
Và những câu hỏi ngắn:

Nếu bí mật về vị hôn thê, anh có thể viết cho Đẹp một chữ cái trong tên cô ấy?

Cô ấy  họ N.

Anh nghĩ mình có cân bằng được đam mê và gia đình không, sau khi kết hôn?

Chưa biết được nhưng sẽ cố gắng.

Anh sẽ chọn lối sống Việt hay Mỹ trong gia đình tương lai của mình?

Chắc cả hai.

Anh có theo tôn giáo nào không?

Thưa có.

Anh thích một triết lý nào của tôn giáo mà anh là tín đồ?

Yêu người như mình ta vậy!

Dự án phim sắp tới của anh, nếu anh chỉ có năm từ để nói về nó?

Mặt trái của showbiz.

Ai là người anh sẽ sẵn sàng lắng nghe trước mỗi dự án của mình?  

Tùy dự án.

Hành động lãng mạn nhất anh từng làm cho người mình yêu là gì?  

Rất tiếc mình không biết cái gì mình làm là lãng mạn.

Anh muốn sống ở đâu, khi cuối đời?

Nếu ở bên cạnh người yêu, thì đâu cũng được!

Theo Đẹp


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm