Nhà hát Tuổi trẻ đề nghị trưng cầu ý kiến việc sáp nhập

05/05/2012 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong buổi làm việc với đại diện Bộ VH,TT&DL vào chiều qua 4/5, nhiều cán bộ của Nhà hát Tuổi trẻ đã lên tiếng đề nghị được chính thức tổ chức trưng cầu ý kiến về việc sáp nhập đơn vị này với Nhà hát Kịch Việt Nam (thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam) - cho dù trên thực tế, điều này đã diễn ra từ cách đây hơn một tháng.

NSND Lan Hương cho biết thêm: một số thành viên hiện đang nằm trong Ban giám đốc của Nhà hát Kịch Quốc gia cũng ủng hộ ý kiến này. Theo lời nhiều nghệ sĩ, trước khi có sáp nhập, thông tin về việc này chỉ được Giám đốc, NSND Lê Hùng cung cấp tới họ bằng… miệng. “Anh Hùng vốn tính nghệ sĩ, rất nhiều lần tuyên bố kế hoạch nọ kia nhưng… chậm thực hiện. Vì vậy, mọi người đều bất ngờ khi quyết định được đưa xuống Nhà hát mà không qua khâu bàn bạc, lấy ý kiến gì”.



Cổ tích cười- vở diễn mới dành cho thiếu nhi sắp được ra mắt tại Nhà hát Tuổi trẻ

Trước những ý kiến trên, ông Nguyễn Phúc Thảnh (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ VH,TT&DL) đã đồng ý tổ chức một buổi gặp gỡ với tập thể nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trong tuần tới với mục đích lắng nghe nguyện vọng và giải đáp các thắc mắc về việc sáp nhập này. Mặt khác, một cuộc họp giữa lãnh đạo Nhà hát Kịch Quốc gia với các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.

“Trong cuộc họp, đại diện của Bộ đề nghị mọi người đồng thuận với việc sáp nhập và giải thích rằng đó là một phương án rất tốt để Nhà hát Tuổi trẻ thoát khỏi yêu cầu… xã hội hóa” - NSND Lan Hương nói - “Chúng tôi có trả lời rằng không thể so sánh Nhà hát Tuổi trẻ với 2 Nhà hát là Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam và Ca múa nhạc Việt Nam - những đơn vị tới đây sẽ bị cắt ngân sách và áp dụng mô hình xã hội hóa để tự thu chi. Trên thực tế, được sở hữu những rạp diễn lớn là Nhà hát Âu Cơ và Nhà Khai Trí Tiến Đức và lại có thế mạnh về loại hình, 2 đơn vị ấy đã tự trang trải được từ rất lâu rồi. Còn với một đơn vị sân khấu có rạp diễn nhỏ và đang xuống cấp như Nhà hát Tuổi trẻ, việc yêu cầu xã hội hóa có nghĩa là "khai tử" Nhà hát”.

Theo lời NSND Lan Hương, chị và các trưởng đoàn khác của Nhà hát Tuổi Trẻ như Chí Trung, Anh Tú… vẫn chưa hề được đọc bản đề án hoạt động của Nhà hát Kịch Quốc gia mà NSND Lê Hùng từng nhiều lần nhắc tới. “Chúng tôi có 2 nỗi lo. Thứ nhất, nếu là mô hình tập đoàn sân khấu như anh Hùng nói, Nhà hát Kịch Quốc gia sẽ có sơ sơ tới 13 giám đốc và phó giám đốc cho các nhà hát “mẹ”, nhà hát “con”. Mô hình cồng kềnh ấy rất khó vận hành và làm nghệ sĩ lúng túng. Thứ hai, việc các nhà hát “con” vẫn tồn tại với tài khoản, con dấu riêng chỉ là việc được anh Lê Hùng nói chứ không hề có văn bản gì. Nếu điều ấy không thành hiện thực, chúng tôi sẽ trở thành đoàn kịch Tuổi trẻ nằm trong Nhà hát Kịch Quốc gia và mất dần thương hiệu”.

Cũng trong cuộc họp, đại diện Bộ VH,TT&DL cho biết: trong trường hợp các nghệ sĩ có nguyện vọng và đề đạt, NSND Lê Hùng có thể được xem xét để giữ lại đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia sau khi đủ tuổi nghỉ hưu vào tháng 9 tới. Hiện, dù có những rắc rối khi vừa sáp nhập, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn sẽ tổ chức ra mắt một số vở diễn ngắn dành cho thiếu nhi vào giữa tháng 5.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm