"Kiều" của Nguyễn Thiên Đạo: Dang dở một giấc mơ

05/05/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không phải opera ballet, như mong mỏi 5 năm của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo, mà là thanh xướng kịch Định mệnh bất chợt, đã ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 3/5. Bên cạnh những xúc cảm, háo hức vẫn còn đôi chỗ hụt hẫng, tiếc nuối.

Cho đến nay, chưa loại hình nghệ thuật nào ở Việt Nam chuyển thể trọn vẹn được toàn bộ Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820).

Bởi là kiệt tác của nền văn học dân tộc, nên trong hầu hết người Việt Nam, mức tối thiểu là được học trích đoạn, cao hơn là có tâm hồn yêu nghệ thuật, am hiểu văn chương nhất định, đều có ít nhất một hình dung về Kiều, các nhân vật trong Kiều.



Nghệ sĩ Vành Khuyên (bìa trái), Phạm Thị Huệ và dàn nhạc trong vở Định mệnh bất chợt. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

* "Kiều" của Nguyễn Thiên Đạo

Chuẩn bị một tư tưởng tâm lý văn minh, cởi mở như vậy là cần thiết cho chính khán giả và chia sẻ với nghệ sĩ giảm áp lực cho cả hai phía. Song không thể ngăn được những chờ đợi, hồi hộp của các khán giả khi đón xem Định mệnh bất chợt, hay “Kiều của Nguyễn Thiên Đạo”, như mọi người trong giới văn nghệ bàn tán, rủ nhau.

80 phút vở diễn dành cơ bản cho âm nhạc. Các nghệ sĩ hát không dịch chuyển, họ ngồi hoặc đứng tại chỗ, với một số động tác thể hiện tâm trạng nhân vật. Họ cũng không phải “đóng vai”, mà là thể hiện hình tượng.

Tuy chưa phải một tác phẩm được đầu tư tổng thể kỹ càng, về thiết kế sân khấu, bối cảnh phục trang, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo vẫn tỏ ý bất bình khi ai đó cho lần ra mắt này là “thử nghiệm”: “Đây đích thực là opera bác học” - ông nói.

* Phạm Thị Huệ “gọi bão tuôn mưa”

Nghệ sĩ soprano Vành Khuyên (hình tượng Thúy Kiều), khăn đóng áo dài xanh lá mạ, có thêu hoa văn lấp lánh. Ca nương Phạm Thị Huệ búi tóc, áo dài tơ tằm trắng bên trái sân khấu. Các nghệ sĩ: Kiều Thẩm (Nguyễn Du), Vũ Mạnh Dũng (Từ Hải) - giọng bariton, Nguyễn Huy Đức (Hồ Tôn Hiến) - bariton basse mặc áo dài khăn đóng màu ghi xám, ngồi bên phải.

Tác phẩm gồm 11 chương, mở đầu và kết thúc bằng giấc mơ, chính là “trục” của Định mệnh bất chợt. Các nghệ sĩ hát, diễn tả một số câu trong Kiều và ca từ của Lê Chức. Phần thơ mới có gây ấn tượng, nhưng chưa nhiều; một số từ mới như “xé toạc”, “anh hùng tuôn hận, lá”, “thác đổ gào khan, đời”, “bên bờ huyền vi” do Nguyễn Thiên Đạo thêm vào, dữ dội mà chưa tạo mĩ cảm như kỳ vọng.

Ca nương Phạm Thị Huệ, vừa là hồn Đạm Tiên, vừa là phân tâm tiếng nói của Kiều, lại là người dẫn mạch chuyện kết nối, bằng hát ca trù, ngâm vịnh.

Cùng cây đàn tỳ bà 4 dây tơ dưới bàn tay điêu luyện, Phạm Thị Huệ như “gọi bão tuôn mưa” bằng giọng ca và ngón đàn biến ảo. Ba lần câu “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” được ngâm bằng các cung bậc khác nhau, tạo nên âm hưởng vừa liêu trai ma mị, lại như điềm báo ứng.

 Vành Khuyên được nhiều “đất diễn” nhất. Các sắc độ cuộc đời trầm luân của Kiều được Nguyễn Thiên Đạo viết cho chị thể hiện đa dạng: opera, khóc ngân dài không tiếng, thoại kịch, nói thầm, lột tả phần nào tinh thần giai nhân tài sắc mà số phận nghiệt ngã. Giọng hát và diễn xuất đạt được như Vành Khuyên, là một lao động, năng lực đáng ghi nhận.

*Valse và rock của Nguyễn Thiên Đạo

Nếu ai chờ đợi toàn bộ Truyện Kiều tái hiện bằng nhạc kịch, thì sẽ bị hẫng hụt. Đây là ước mơ không dễ đạt. Các chương chỉ từ 5- 7 phút, là nét phác chính theo trục kịch bản âm nhạc mà Nguyễn Thiên Đạo lựa chọn. Thoáng hiện, điểm xuyết hay giải quyết chỉ bằng một câu hát, mỗi chương qua, chuyển rất nhanh khiến người xem thấy độ “mảnh” có gây nên sự chông chênh.

Khán giả đã xem Nguyễn Du với Kiều của NSND Lan Hương, dễ có liên tưởng khi gặp những đối thoại kịch, hát đối giữa Nguyễn Du với Kiều ở Định mệnh bất chợt. Tôi thích cách tiếp cận, lý giải và xử lý của Nguyễn Thiên Đạo, Kiều của Nguyễn Thiên Đạo chủ động, mãnh liệt hơn.

Nhạc của Nguyễn Thiên Đạo chưa bao giờ dễ nghe, nhất là với đa số người Việt thích những giai điệu truyền cảm trực tiếp tức thì. Bất ngờ và điểm thăng hoa nhất trong tác phẩm lần này, chính là âm nhạc ở chương 6. Kiều ở lầu Ngưng Bích, sau những đòn roi trừng phạt của Tú Bà, nàng chấp nhận hoàn cảnh làm gái lầu xanh. Nhạc valse cuốn hút toàn khán phòng, thật kỳ lạ, nó làm người ta quên sự thật cay đắng của nhân vật chính và bối cảnh bi kịch toàn tác phẩm, thấy sự lãng mạn, vỗ về. Ngay sau đó là tiết tấu rock – Kiều phản kháng hoàn cảnh. Lần đầu tiên công chúng âm nhạc VN được nghe valse và rock của Nguyễn Thiên Đạo. Thêm một ấn tượng đẹp của tôi về âm nhạc của ông, sau nhạc phim Chuyện của Pao - phim truyện nhựa Việt Nam đầu tiên do ông viết nhạc.

Chương 5 và 9 là những đối thoại của kiều với Nguyễn Du. Đây là sáng tạo vượt ngưỡng, thể hiện bản lĩnh và tâm thế của nhạc sĩ. “Sao ông xô đẩy ta khổ sở thế?/ Vì “định mệnh bất chợt” – phải sống với định mệnh bất chợt/ Ông cho ta cái tên mỹ miều và số phận đắng cay nghẹn đắng/ Vượt khỏi ta rồi, ngòi bút câu chữ lôi ta đi. Nàng - Ta - thơ, lệ quanh trang đời”.

Lời ai vãn từ giọng ca nương trong vắt, thấm vào người nghe, sau khi hiểu ra, cách xử lý khá độc đáo của Nguyễn Thiên Đạo về gặp gỡ, nảy sinh tình yêu, chia ly, khổ nạn. Từ Hải quay lưng lại khán giả, diễn tả cảnh chết đứng sau tiếng cười lạnh hả hê của Hồ Tôn Hiến là một cảnh thành công của hai nghệ sĩ Mạnh Dũng, Huy Đức. Nhất là giọng nam trầm của Mạnh Dũng, hợp như thể tác giả âm nhạc viết nhằm trước cho anh, một chất giọng ít có.

Giấc mơ Định mệnh bất chợt là vở opera ballet vẫn chưa xác quyết được khi nào hiện hữu. Lời chào hẹn “lần sau”, cuộc hẹn không thời điểm, cũng là một biện giải cho những gì chưa đạt chưa làm được ở Định mệnh bất chợt.

Nhà thơ Vi Thùy Linh   
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm