Ghi chép Văn hoá - Tập tục: Dưới mái nhà Gươl, nhà Đong

29/04/2012 14:21 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Nhà Gươl nơi hội họp của cả làng và du khách có thể sống ở đây. Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ đem ít thức ăn đến cho khách, và khách nên nếm tất cả các loại thức ăn, cũng như ăn của mỗi nhà một chút.

1. Trong tháng 4/2012, chúng tôi có dịp đi thăm một số làng người Cơ Tu ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam.

Trước đây đi vào khu vực này không dễ, đèo núi hiểm trở bên sườn bắc của Tây Nguyên. Người Cơ Tu sống suốt các vùng A Lưới của Thừa Thiên Huế và các huyện Đông, Tây, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam và thông sang đất Lào.

Nhà Đong, thôn Arởh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam
Vào thời tiền sử, trước các tiểu vương quốc Champa, họ cũng như những sắc tộc ở Tây Nguyên khác sống từ các dẻo núi cao cho đến sát biển. Theo nhiều nhà nghiên cứu phương Tây và Việt Nam, người Champa đến, dần đẩy các sắc tộc đó lên Tây Nguyên. Quá trình đó có lẽ diễn ra cách đây hơn hai ngàn năm, mà người ta chỉ có các chứng cớ về văn hóa biển của người Tây Nguyên và ngôn ngữ Malayo – Polinesia được một số sắc tộc Tây Nguyên dùng, như người Ê-đê, người Gia Rai.

Người Cơ Tu nói hệ ngôn ngữ Môn – Khmer, còn gọi là người Cà Tu, Ca tu, Ca Tang, Gao, Hạ, Phương, hiện có khoảng 50.458  người (theo con số thống kê năm 1999 , và năm 2009 là 61.588  người sống ở các vùng trên cùng rải rác nhiều tỉnh khác ). Theo thống kê năm 1998, ở Lào có khoảng 14.700 người sống chủ yếu ở thượng nguồn sông Sê Kong.

2. Làng của người Cơ Tu không ở trên những đỉnh núi cao, hay địa thế cheo leo, mà thường nằm trên ngọn một quả đồi bằng phẳng gần sông suối. Họ không ở quá thấp để tránh lụt lội, nhưng bao quanh và gần làng luôn là các nguồn nước để tiện sinh hoạt và phòng thủ.

Làng có một nhà chính công cộng, giống như nhà rông của người Ba-na, nhưng gọi là nhà Gươl, còn mỗi họ trong làng có một ngôi nhà nhỏ hơn, nhưng cùng kiểu, gọi là nhà Đong.

Nhà Gươl, thôn Arởh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam

Trước đây cả họ ở chung trong một nhà, nếu trong làng có năm họ tức là có năm ngôi nhà, nhưng hiện các gia đình nhỏ có xu hướng tách ra, hình thành những nhà nhỏ vây xung quanh, còn ngôi nhà cho dòng họ thường có vài ông ba già ở. Các ngôi nhà đều có mặt bằng hình ô van, và cả làng cũng được xếp theo hình như vậy, nên trông từ trên cao, làng người Cơ Tu giống như một sân bóng với năm sáu nếp nhà xếp đều đặn theo vòng ô van đó.

Khu làng văn hóa Cơ Tu của huyện Tây Giang và làng cổ Pơrning hiện tại còn giữ mô hình như vậy.

Nhà người Cơ Tu khi dựng bao giờ cũng lấy tâm là một cột cái cao nhất, đặt chính giữa, giống như người du mục dựng lều vậy. Từ cột cái đua ra theo chiều ngang với sáu cột phụ các bên rồi vài cột vách bên hai đầu, sau đó gách các đòn tay vào vì nóc. Tất cả đòn tay và cột xà chủ yếu là gác và buộc chứ không có mộng như kiến trúc gỗ đồng bằng Bắc bộ. Người ta dệt một mạng lưới bằng mây vô cùng tinh xảo đặt lên các đòn nóc, rồi lợp gianh, và xén bằng sao cho mái gianh ôm tròn lấy căn nhà sàn bên dưới. Một cửa chính được trổ ra phía sân trong của buôn làng, cửa phụ đi ở phía đầu.

Trong nhà đắp một khoang đất vuông làm bếp, các gian không chia ngăn, mà đại gia đình đều chung sống bên nhau và bên bếp lửa. Cầu thang có thể chỉ là một cây gỗ đẽo bậc, hoặc là một dàn dài trước ngưỡng cửa. Ngôi nhà được tỉa tót một cách cẩn thận khiến tự nó đã là một công trình nghệ thuật.

Nhà Gươl nơi hội họp của cả làng và du khách có thể sống ở đây. Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ đem ít thức ăn đến cho khách, và khách nên nếm tất cả các loại thức ăn, cũng như ăn của mỗi nhà một chút.

Nhà Gươl ở huyện Tây Giang thường làm hai đầu cao hơn sàn chính, có thể ngủ ở đó như gường, hoặc thấp hơn làm hiên ra ngoài ngồi. Các thành lan can có chạm khắc hình đầu trâu và những con kỳ đà lớn. Trên các xà và diềm ngang dọc người ta cũng chạm khắc nổi nhiều hình nam nữ cách điệu như khối trừu tượng và các loại động vật núi rừng biển mà người Cơ Tu từng biết đến. Trên cột thì treo các đầu thú rừng đi săn.

Đầu trâu thềm nhà Gươl, thôn Arởh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
3. Sự phối hợp giữa chạm khắc nổi và những tấm ván lớn quầy quanh ngôi nhà Gươl khiến nó có vẻ như là một công trình sắp đặt mang tính siêu hình. Hình người ốp vào những ván dọc thường có hai cặp nam nữ, hai đầu nhà thành tám người, chân tay không tả kỹ mà tạo thành khối lớn với cơ thể. Thành lan can thay cho những chấn song cũng là những hình người múa đứng sát nhau liên tục nhưng mang tính hình học nhiều hơn.

Trái lại các động vật chim cá, cua, kỳ nhông, kỳ đà, trâu, voi, tê tê, rùa, thậm chí cả rồng và vài con vật gần đây người Cơ Tu biết đến được chạm khắc gần với hiện thực. Con trâu và con Kỳ đà dưới dạng con rồng lớn có vẻ là hai vật được ưa thích hơn cả và gắn với những nghi thức tế lễ nguyên sơ.

Kỳ sau (Chủ Nhật, 6/5): Nhà mồ Cơ Tu

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm