Góc nhìn về Tokyo “hậu sóng thần”: Trạng thái của kẻ mơ

26/04/2012 10:35 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Những khuôn mặt ngủ chìm đắm, bước chân đi đứng chạy, thân người bất động như tượng sáp... Ngủ hay không ngủ, con người vẫn mang theo trạng thái của kẻ mơ, không nắm được ngay giây phút hiện tại này mình đang làm gì, nghĩ gì... Đó là những hình ảnh về Tokyo trong triển lãm của vợ chồng Nguyễn Trinh Thi.

Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi - Jamie Maxstone-Graham

Một góc của thành phố Tokyo (Nhật Bản) ẩn chứa trong muôn vàn cảm xúc khi nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và chồng của chị, nhà nhiếp ảnh Jamie Maxtone-Graham thu vào trong các khuôn hình. Tất cả gói gọn trong triển lãm sắp đặt phim ngắn 10 phút và 60 tấm ảnh mang tên Jo Ha Kyū, khai mạc vào thứ Ba, 24/4 đến 24/5 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, HN)

Mùa hè năm 2011, ngay sau thảm họa động đất tháng Ba, nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi cùng chồng và con gái đến Tokyo sinh sống và làm việc trong bốn tháng.

Không định sẵn ý đồ cho phim của mình, theo thói quen, mỗi khi rời nơi cư ngụ ra ngoài đường, như một cách ghi nhật ký, "tôi ghi lại những gì mình nhìn thấy", lưu giữ mọi điều đang trải qua trên một đất nước xa lạ vẫn còn hoang mang sau biến động chết chóc bằng hình ảnh, nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi lại lấy máy Canon 60D quay phim và chụp hình.

Và nhiếp ảnh Jamie Maxtone-Graham cũng vậy, chụp mọi cảnh vật, con người mà anh cảm thấy thích thú một cách không chủ đích.

Cõi vô thức của người

Từng học ngành báo chí và nhiếp ảnh tại Đại học Iowa và nghiên cứu quốc tế về phim dân tộc tại Đại học California, San Diego, Trinh Thi đã có thời gian làm phóng viên tại New York trong ba năm với hai năm làm việc tại hãng thông tấn Reuters.

Bộ phim tài liệu thử nghiệm của Trinh Thi có cách thể hiện lạ. Mở đầu phim là khuôn mặt của những người ngủ trên nhà ga, trên tàu điện ngầm. Một khuôn mặt nam mơ hồ vật vờ hiện lên trên màn hình in một khoảng lặng. Trong khi cảnh nền phía sau rầm rập tàu chuyển động. Cảnh chuyển đổi: khuôn mặt người nữ khác cũng đang ngủ, biến đổi nhanh đến không thể nắm bắt bởi hiệu ứng của nguồn sáng, lúc rực, lúc tối, lúc mờ ảo, lúc ảm đạm.

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Jamie Maxstone-Graham

Các hình ảnh trong phim cắt chuyển nhanh, nhưng không mang lại cảm giác gấp gáp (kiểu thường thấy trong phim hành động) mà lạ thay, lại chứa đựng nhiều uể oải chậm rãi giữa sự nhanh quay cuồng của nhịp sống.

Tính cách, thói quen của mỗi người, (nhiều hình ảnh chỉ thấy thân tay chân mà không có đầu) thể hiện rõ qua bàn tay, qua nhịp bước, qua cách cầm nắm đồ vật, qua phục trang ăn mặc. Có vẻ con người chỉn chu, nghiêm ngắn ra ngoài đường, nhưng từ mỗi cử động lại mang lại sự thiếu nhận biết.

Trong khi xem, người ta dễ bật ra câu hỏi, liệu chính mình trong muôn giờ phút sống, có khi nào kịp lúc nhận ra bản thân vừa kết thúc một hành động bản năng vô ý như thế hay không?

Bộ phim trôi qua trong "im lặng thở dài" (theo cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) trong tiếng nhạc đôi khi dập dồn đến khó thở. Sự đè nén bức bối phủ chụp khi nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi (một tay cầm máy ảnh, một tay cầm ô, đi dưới trời mưa, hình ảnh phản chiếu trên các khung cửa kính) lướt qua khu nhà "đèn đỏ" (nhà chứa), quay cận cảnh các ô cửa nứt nẻ, khay đựng đồ gia dụng hoen rỉ, góc rác rưởi nước đọng bẩn thỉu, thùng nhựa vàng bám bụi nằm lăn lóc dưới chân bảng hiệu... mà khó ngờ chúng thuộc về thành phố Tokyo lịch sự yểu điệu trầm mặc.  


Hình ảnh trong phim của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi

Tượng người giữa cuộc sống

Còn với 60 tấm hình của Jamie, như một bản song ca cùng nhịp điệu với bộ phim ngắn về Tokyo của vợ. Nhiều "tượng người" đang sống lần lượt hiện lên, mang cảm giác cứng đờ của cái chết trong sống, làm người xem phải lạnh người.

Có những tấm hình đơn giản, chỉ là chụp một cành cây xòa lá giữa lối đi, dăm bông hoa hướng dương chiếm toàn cảnh, mờ mờ phía sau là người đi lại, một thiếu phụ lướt qua. Có tấm hình chung cảnh với phim của vợ, như người đàn ông Nhật (đậm sắc tay chơi với kiểu tóc Elvis Presley sành điệu lỗi mốt) cởi trần đứng điệu đà giữa thân cây bốn chạc.

Trở về sau bốn tháng tại Tokyo, từ một loạt "hỗn độn" những hình ảnh ghi lại, Nguyễn Trinh Thi mất khoảng 3 tháng để chọn lựa. Jamie cũng chọn ra 60 tấm, để chia sẻ cùng người xem câu chuyện riêng của mình:

"Trong 6 tuần ở Tokyo, ngay sau thảm họa động đất tháng 3 năm 2011, tôi đã trải nghiệm một không khí thực sự ấn tượng - Jamie tâm sự - Phải chăng đó là do những phóng xạ trong không khí từ vụ rò rỉ hạt nhân ở Fukushima? Chắc chắn. Liệu có thể bỏ qua nó và cuộc sống thường nhật vẫn tiếp diễn. Có vẻ như vậy. Tôi đi khắp thành phố cùng vợ và con gái và chụp những bức ảnh thể hiện cùng một lúc sự nhận thức đồng thời là sự bàng quan về vấn đề đó và rất nhiều những điều khác".

Vợ chồng Jamie - Trinh Thi

Jamie Maxtone-Graham là tay máy chuyên nghiệp với hơn 20 năm quay phim truyện. Anh là một đạo diễn hình ảnh ở New York và Los Angeles, các tác phẩm của anh rất đa dạng với những bộ phim độc lập, phim truyện chính thống, phim truyền hình dài kỳ cũng như quảng cáo.

Năm 2007, Jamie trở về Việt Nam cùng vợ và cô con gái An,  với vai trò nghiên cứu sinh (của Fulbright) cho đề tài về chụp ảnh văn hóa trẻ đương đại ở Việt Nam. Ảnh của anh đã được giới thiệu trên Tạp chí Burn, Trans Asia Photography Review, Culture Hall and tiny vices và triển lãm tại Hà Nội, London (Anh) và Bangkok (Thái Lan).

Vợ chồng Jamie - Trinh Thi hiện sống tại Hà Nội. Jamie tiếp tục làm phim thương mại và tường thuật, thực hiện các dự án ảnh tư liệu và cá nhân. Trinh Thi hiện là nhà làm phim độc lập, đồng thời dạy học tại Hanoi DocLab, một trung tâm phim tài liệu và nghệ thuật video của Hà Nội mà chị đã sáng lập ra năm 2009.

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm