Giao lưu nghệ thuật Đại Việt - Champa

24/04/2012 10:13 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Triển lãm Giao lưu nghệ thuật Đại Việt - Champa qua tư liệu ảnh và hiện vật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật và Bảo tàng điêu khắc Chăm vừa khai mạc tại TP. Đà Nẵng hôm qua, 23/4, nhân  lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng và 37 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

1. Khi Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển văn hóa đỉnh cao và nền độc lập non trẻ thế kỷ 11, thì văn minh Champa đã bước qua thời kỳ vàng son từ thế kỷ 7 - 9. Điều đó có bởi vương quốc Champa cổ có điều kiện phát triển độc lập dưới ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, còn Đại Việt mới bước ra khỏi sự kiềm tỏa của Trung Hoa.

Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á đều có đặc điểm chung là hình thành từ các tiểu quốc và văn hóa biển. Đại Việt ngả dần về mô hình phương Bắc với ý muốn thành lập một nhà nước tập quyền, nhưng nó lưỡng lự mãi khi lựa chọn Nho giáo làm tư tưởng thống trị thời đại cho mãi đến thế kỷ 15 mới thực hiện.

Hiện vật tại triển lãm

2. Trong thế kỷ 11, mặc dù có nhiều bất đồng về chính trị và có nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Champa, nhưng hai nền văn hóa vẫn có những qua lại sâu sắc. Những nghệ nhân Champa chính là những người thầy nghệ thuật đầu tiên, giúp Đại Việt thực hiện các công trình nghệ thuật Phật giáo đồ sộ, như chùa Dạm, chùa Phật Tích.

Và rất đặc biệt trong những công trình nghệ thuật thời Lý, ảnh hưởng của tinh thần văn hóa nhà Đường và Champa đã kết hợp với nhau một cách uyển nhã, trở thành phong cách Lý duy nhất, mà người ta gọi là phong cách phổ quát, tức là cả nước chung mộ phong cách nghệ thuật. Ở đây yếu tố sang trọng, cân bằng và lịch lãm của nghệ thuật Đường - Lý được hài hòa với yếu tố thần bí và ngây ngất của nghệ thuật Champa. Tất cả hiển hiện trong mọi chi tiết, mọi công trình tổng thể, mà lại có một hình ảnh Lý rất rõ nét.

Những kinh nghiệm về xây dựng tháp gạch của người Champa đã giúp Đại Việt giải quyết tốt tháp Phật Tích, tháp Chương Sơn, tháp Long Đọi thời Lý và sau này là tháp Bình Sơn và tháp Phổ Minh thời Trần. Kết cấu gạch với các phù điêu góc mái và mi cửa bằng đá tạo ra các tháp vuông vươn cao hơn 20 - 50 thước, thực ra không cao như suy đoán của các nhà lịch sử nghệ thuật rằng các tháp thời Lý cao đến trăm thước. Điều này cũng phù hợp với độ cao của tháp Champa đạt được ở Mỹ Sơn.

Nếu như pho tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích và các Kim cương chùa Long Đọi cho thấy một tinh thần Phật giáo tinh nhã gần gũi với nghệ thuật Đường, thì các con Kinnari (tiên nữ đầu người mình chim), chim thần Garuda, các tiên nữ dâng hương, dâng hoa (Apsara) được lấy nguyên từ nghệ thuật Champa và biến đổi đi cho mang tinh thần Việt, ngay cả trụ biểu chùa Dạm cũng vậy, chính là một Linga và Yoni cách điệu trong tinh thần Phật giáo Lý.

3. Sức mạnh của văn hóa Champa đi vào nhiều chi tiết của các công trình Đại Việt. Nó cho biết những dàn nhạc được tổ chức thế nào, các nhạc công đã chơi những loại nhạc cụ gì, những điệu múa dâng hương, dâng hoa và cúng lễ được các tiên nữ chỉ mang trang sức chứ không có quần áo nhẩy múa. Có thể nói hồn Đại Việt đã được kỹ thuật Champa thể hiện điệu nghệ và thống nhất trong tất cả các công trình.

Triển lãm lần này giới thiệu khoảng 100 ảnh tư liệu về mỹ thuật Đại Việt thời Lý và 30 hiện vật mỹ thuật Champa, phân loại thành 7 chuyên đề: 1. Di chỉ khảo cổ Đại Việt thời Lý; 2. Kiến trúc; 3. Tượng Phật; 4. Tượng Hộ pháp; 5. Kinnari và Kinnara; 6. Tượng thú; 7. Trụ biểu hay Linga.

Không chỉ có kỹ thuật và hình mẫu nghệ thuật, Champa còn cung cấp cho miền Bắc giống lúa Chiêm (Chàm, Champa) trở thành vụ lúa hè quan trọng trong nông nghiệp khắp các vùng Mường Thái (người Mường Thái gọi là khẩu chăm - gạo tẻ) và đồng bằng. Từng mặt từng mặt một, giao lưu văn hóa nam bắc lúc đó diễn ra có tính chất thường xuyên và đời thường và để lại những kết quả tốt đẹp cho nhiều thời sau.

Cuộc triển lãm này là một đánh giá trở lại mối giao lưu đó, bằng hình ảnh của hàng ngàn năm qua. Những điều khó thông cảm từ quá khứ, được nghệ thuật xóa nhòa, chỉ còn lại những cái rất riêng và cái chung từng có của văn hóa Champa và văn hóa Đại Việt.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm