Tưởng nhớ NSND Trọng Khôi: Lời phân ưu từ bên kia đại dương

25/03/2012 10:10 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - LTS: GS.TS Lorelle Browning, chuyên giảng dạy về Shakespeare ở Trường Đại học Pacific, Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ. Năm 1995, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu, gặp gỡ đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trọng Khôi và dịch giả Dương Tường, bà đã cùng bàn bạc sơ thảo Chương trình trao đổi sân khấu Việt - Mỹ, gọi tắt là VATE (Vietnam - America Theatre Exchange). Thực hiện chương trình này, bà đã tạo điều kiện để  Nhà hát Kịch Việt Nam mang vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt sang lưu diễn 6 tuần ở nhiều nơi trên đất Mỹ và đưa một số nghệ sĩ sân khấu Mỹ, gồm cả đạo diễn và diễn viên, sang Việt Nam chung tay dựng vở Giấc mộng đêm hè của Shakespeare. Được tin NSND Trọng Khôi qua đời, bà đã gửi lời phân ưu đến gia đình kèm theo bài viết này.

Với nỗi buồn sâu sắc, tôi viết những dòng hồi ức này về NSND Nguyễn Trọng Khôi vừa ra đi thật bi thương khi mới ở tuổi 69. Tôi biết nhiều người Việt Nam đau buồn về cái chết của diễn viên lớn này, người đã tận hiến đời mình cho sân khấu. Nhưng ở bên Mỹ, cũng có nhiều người trong chúng tôi cảm thấy một mất mát to lớn với sự ra đi của người nghệ sĩ tuyệt vời này.

Người tận hiến đời mình cho sân khấu

Tôi gặp Khôi lần đầu vào năm 1995, trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới Hà Nội. Tôi được nhà văn hóa Hữu Ngọc giới thiệu với anh và dịch giả Dương Tường. Tôi không bao giờ quên cái ngày chúng tôi gặp nhau; khi Khôi bước vào phòng, tôi sững người vì vóc dáng, cung cách mạnh mẽ và sự hấp dẫn của anh. Tôi biết anh có lẽ là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất ở Việt Nam, nhưng tôi không biết anh và ông bạn thân Dương Tường của anh hiểu biết sân khấu và các kịch tác gia phương Tây đến đâu.

Khôi vừa thủ vai vua Lear trong vở kịch cùng tên của Shakespeare do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Chúng tôi luận bàn về cách Khôi thể hiện nhân vật Lear và vì sao anh chọn vai diễn này dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Tôi nhớ là mình đã ngạc nhiên và khâm phục như thế nào về cách anh hiểu vở kịch của Shakespeare thấu đáo đến thế và về diễn xuất đầy nội tâm của anh.

NSND Trọng Khôi trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Sau nhiều giờ trò chuyện, chúng tôi bàn về khả năng hợp tác giữa các diễn viên chuyên nghiệp của Việt Nam và Mỹ để cùng dàn dựng một vở kịch của Shakespeare, vì tất cả chúng tôi đều tin rằng hợp tác sân khấu là một cách rất tốt để những người thuộc những nền văn hoá khác nhau, đi đến chỗ hiểu nhau và vượt qua những bất đồng từng có trong quá khứ. Cuộc gặp gỡ hôm đó là sự mở đầu cho cái mà sau này được gọi là Chương trình trao đổi sân khấu Việt – Mỹ và nếu không có tầm nhìn của Khôi và lòng tin của anh đối với tôi, một người Mỹ xa lạ, cuộc hợp tác sau đó giữa các nghệ sĩ sân khấu Việt - Mỹ ắt chẳng bao giờ xảy ra.

Giờ đây, sau 17 năm, tôi nói mọi điều đó, bởi vì Khôi không chỉ là một diễn viên lớn, mà còn là người tận hiến đời mình cho sân khấu và trong những năm sau đó, cho việc cổ vũ sự hợp tác quốc tế về sân khấu giữa nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, chính quan hệ cá nhân và nghề nghiệp giữa tôi với Khôi mới là điều thay đổi đời tôi nhiều nhất. Kể từ cuộc gặp đầu tiên vào năm 1995 ấy, tôi đã sang thăm Việt Nam 22 lần và trong những năm đó, giữa tôi với Khôi và Bình, vợ anh, đã phát triển một tình bạn mạnh mẽ và bền chặt.

Một nghệ sĩ chân chính không bị lãng quên

Anh là một trong những diễn viên vĩ đại nhất mà tôi có cái may mắn và sung sướng được thấy trên sân khấu, và anh có cái khả năng đặc biệt làm xúc động trái tim và tâm hồn khán giả. Sau khi rút lui khỏi sự nghiệp náo nhiệt trên sàn diễn, anh vẫn tiếp tục cộng tác với truyền hình và điện ảnh, đồng thời tham gia lãnh đạo ngành sân khấu trên cương vị Tổng thư ký (sau này gọi là Chủ tịch) Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong hai nhiệm kỳ. Anh là một con người hào sảng  đến mức khó tin – với năng lượng và tài năng của mình – một nghệ sĩ điêu luyện theo mọi nghĩa của từ này. Tôi dành sự kính trọng và khâm phục lớn nhất đối với bản thân anh và tất cả những gì anh đã đóng góp cho sân khấu Việt Nam và cho sự hợp tác quốc tế với các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, ký ức quý giá nhất của tôi về Khôi trên sàn diễn là cách anh thể hiện nhân vật gã hàng thịt trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Khi chúng tôi mang nó sang trình diễn ở Mỹ vào năm 1998. Mặc dù nhiều khán giả ở Mỹ không hiểu tiếng Việt, diễn xuất kỳ diệu của Khôi trong vai gã hàng thịt đã làm mọi người xúc động sâu sắc. Khôi có cái khả năng phi thường biểu đạt một gã hàng thịt thô bạo say rượu, khi mang hồn một người làm vườn phúc hậu, trở nên một nhân vật dễ mến và can đảm.

Chúng tôi lưu diễn 6 tuần trong các nhà hát buổi nào cũng bán hết vé và hiếm khi Khôi không xốc được toàn thể khán giả bật đứng dậy, vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Anh là một diễn viên có tài năng lớn khiến cho kịch nghệ có vẻ rất tự nhiên và dễ dàng. Tuy nhiên, khi biết Khôi thấu đáo, tôi hiểu ra rằng tài diễn xuất phi thường của anh là kết quả của những thể nghiệm dũng cảm và sự tận tuỵ với tính chân thực trong biểu diễn. Hơn các diễn viên khác, anh dường như có khiếu bẩm sinh làm xúc động khán giả, bởi vì diễn xuất của anh không bao giờ kiểu cách hoặc cách điệu. Chính sự trung thực của anh trên sân khấu cũng như ngoài đời đã khiến anh thật sự đặc sắc. Anh đem sự khiêm nhường và hiền hậu vào công việc và đời sống của mình, trên sàn diễn và ngoài đời.

Mùa Thu năm ngoái, tôi đã có dịp thấy Khôi biểu diễn trên sân khấu, trên truyền hình và trên màn ảnh. Lần cuối gặp anh, chúng tôi đã cùng ăn một bữa tối tuyệt vời, ôn lại kỉ niệm trong những cuộc phiêu lưu lớn của chúng tôi ở Mỹ và ở Việt Nam. Khôi không chỉ có năng khiếu và tài năng lớn, mà anh còn đón nhận mọi người đúng như con người thật của họ, không phán định hoặc kênh kiệu. Anh sẵn sàng giúp người khác theo những cách thực sự hào hiệp và anh luôn hỉ xả không biết mỏi mệt. Theo nghĩa đó, anh là một nghệ sĩ chân chính – trong cuộc đời và trong sự nghiệp – anh sẽ không bị quên lãng.

Tôi có ân sủng lớn, được là phần nhỏ trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng hoàn mãn của anh, trong khi anh lại là một bộ phận rất quan trọng trong đời tôi và tôi sẽ mãi mãi nhớ nụ cười thoáng chút ranh mãnh và đôi mắt lấp lánh của anh. Nhưng trên tất cả, tôi sẽ nhớ con người đã từng là một quà tặng đầy cường lực cho sân khấu và màn ảnh. Cầu cho anh yên nghỉ, bạn thân yêu, và hãy biết rằng chúng tôi sẽ không bao giờ quên anh và tất cả những gì anh đã cho chúng tôi.

Với lòng ngưỡng mộ, thương yêu và đau buồn vô hạn, bạn anh.

GS.TS  Lorelle Browning
Trường Đại học Pacific, Oregon, Hoa Kỳ
Người sáng lập Chương trình trao đổi sân khấu Việt – Mỹ
(*): Các title phụ do TT&VH đặt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm