"Chuyện lạ" thời nay: Làng Chùa "trồng" thơ

18/03/2012 20:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Lời người làng Chùa: “Cây cỏ không chỉ cần mặt đất mà cả bầu trời, con người không chỉ cần ngũ cốc mà cả những giấc mơ”.

Giấc mơ của người làng Chùa đã thành hiện thực. Sau gần một năm phát động, cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ hai do Hội thơ làng Chùa đã nhận được 6.372 bài thơ dự thi. Sáng 17/3, làng Chùa đã khai hội thơ và tiến hành tổ chức trao giải cho các tác giả. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, đã vượt qua một quãng đường hơn 1.500 km tới cuộc thi này đoạt giải nhất với bài thơ Nơi ngày đông gió thổi

Phóng viên TT&VH đã ghi lại một số hình ảnh tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.


Làng chùa vào hội thơ, từ sáng sớm những người nông dân làng Chùa đã khoác lên mình những chiếc áo mớ ba, mớ bảy để đón khách và hát thơ


Một tấm biển thơ rực rỡ “Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người”




Tập thơ đoạt giải thưởng thơ làng Chùa được các thiếu nữ đọc rất say mê.


Người đứng đọc thơ, người ngồi đọc thơ trước sân đình làng Chùa,.


Nhà thơ Mai Văn Phấn và nhà PBVH Nguyễn Hòa đang chăm chú đọc tập thơ “Thổ ngữ những vùng đất” – cuộc thi thơ ca và nguồn cội lần thứ 2.


Những người nông dân làng Chùa vẫn mặc nguyên bộ quần áo ra đồng cũng đến dự hội.


Hôm nay thứ bảy nên rất nhiều em học sinh đã đến hội để nghe thơ.


Bác Thành (đầu tiên, trái qua) là Việt kiều, từ Cộng hòa Séc rất thích thú với lễ thơ cấp… làng. Sáng 17/3 bác Thành đã đi cùng xe với nhà thơ Quang Hoài (trưởng Ban sơ khảo cuộc thi), nhà thơ Đặng Cương Lăng, Chử Thu Hằng về chơi hội làng Chùa.


Các vị khách quý cùng quay lại xem nghi thức xin phép khai hội thơ trong đình của một bô lão làng Chùa.


Các vị khách cùng đọc thơ trong đình.


Ông chủ tịch Hội thơ làng Chùa trao giải nhất cho nhà thơ Đinh Thị Như Thúy


PGS TS Văn Giá – Trưởng Khoa Viết văn, Đại học Văn hóa đã dẫn một đoàn sinh viên từ Hà Nội về chúc mừng Lê Xuân Hiệp, giải ba cuộc thi. Lê Xuân Hiệp đang là SV năm thứ ba trường ĐH Văn Hóa.


Cùng lưu niệm khoảnh khắc thi ca ở làng Chùa. Trái qua: nhà thơ Quang Hoài (Trưởng ban sơ khảo), Nguyễn Giúp (tác giả đoạt giải nhì), nhà thơ Lương Tử Đức và nhà thơ Trần Quang Quý (Ban chung khảo).


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – thư ký thơ làng Chùa đang bắt tay nhà văn Đặng Thân và nói một cách trân trọng: Một nhà văn hiện đại nhất Việt Nam đã về dự hội thơ một ngôi làng chân quê nhất Việt Nam.


Lưu bút trong sổ truyền thống làng Chùa của tác giả Nguyễn Minh Khiêm. Cách đây 4 năm tác giả Nguyễn Minh Khiêm đã về làng Chùa nhận giải thơ. Thật kỳ lạ, những tác giả đoạt giải thơ làng Chùa sau đó một thời gian, đều đoạt những giải rất cao của trung ương. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, từng đoạt giải nhất thơ làng Chùa, vừa rồi đã đoạt giải cuộc thi “Đây biển Việt Nam”. Tác giả Nguyễn Minh Khiêm, năm qua với tập thơ “Giải mã” cũng đoạt giải A năm 2011 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.


Cùng chia vui với bữa cỗ đón khách của người làng Chùa. Có hơn 40 mâm cỗ cho khách về chơi hội, được ăn ngay phía sau sân đình. Có thịt gà lá chanh, bê chao, ngọn xu xu xào, canh măng, chim câu hầm, tôm chiên, bánh tẻ rất ngon và đặc biệt nhiều người thích món oản xôi trắng chấm với mật mía thơm lừng. Chị Bùi Phương Thảo (con gái nhà thơ Quang Dũng) cứ nài nỉ nhà thơ Lê Trung Tiết cho mang về để… ăn dần. Được biết cách đây 1 tuần, 41 hội viên thơ làng Chùa đã chuẩn bị và phân công từng người rất chu đáo như chính công việc của gia đình mình.


Oản xôi của người làng Chùa, rất thơm ngon, bên dưới được lót lá bưởi xanh biếc.


Lời người làng Chùa: “Cây cỏ không chỉ cần mặt đất mà cả bầu trời, con người không chỉ cần ngũ cốc mà cả những giấc mơ”

Đông Phương Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm