Làm phim cho… người thu nhập thấp

12/03/2012 14:21 GMT+7 | Phim



(TT&VH) - Đến rạp xem phim màn ảnh rộng là đặc quyền của người dân ở các đô thị, còn với người ở nông thôn thì việc rủ nhau đi xem phim như thế gần như đã đi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, xem phim màn ảnh rộng sẽ trở lại với mọi người.

Phim nhựa đầu tay Giấc mộng giàu sang của diễn viên Công Hậu do Vinacinema liên kết với hãng Nghiệp Thắng đầu tư sản xuất. Trước đó, Vinacinema còn chi tiền phát hành cho rất nhiều phim đầu tay của các đạo diễn trẻ, như: Cảm hứng hoàn hảo (ĐD Nguyễn Lê Dũng), Hoán đổi thân xác (Nhất Trung). Trong năm 2012, Vinacinema sản xuất 6 phim và tương lai sẽ là 12 phim/năm. Những phim này được dành để phục vụ người thu nhập thấp ở nông thôn, vùng hẻo lánh.

TT&VH có cuộc trò chuyện với người thực hiện dự án phim “vé rẻ” - ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Điện ảnh Vi Na (Vinacinema).

Vé xem phim bằng giá 1 ổ bánh mì

Ông Trần Văn Hùng

* Dự án đưa phim đến người thu nhập thấp nghe khá hay, nhưng ông sẽ đưa phim gì để chiếu?

- Nhất định phải là phim do người Việt sản xuất chứ không phải phim Tây, phim Hàn hay phim Tàu. Điện ảnh Việt muốn phát triển thì phải có khán giả Việt. Tôi không phải người làm nghệ thuật, tôi chỉ là người sản xuất và phát hành phim. Ở nông thôn chiếm đến 80% dân số, tại sao các nhà làm phim không tìm đến đối tượng này? Làm phim chỉ để chiếu rạp cho dân đô thị mà quên người ở vùng quê thật không công bằng, vì là con người ai cũng có nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật.

* Hiện nay đi xem phim rạp sang ở Sài Gòn hay Hà Nội, một cặp đôi có thể chi ra khoảng vài trăm ngàn đồng. Ông tính giá vé thế nào để thu hồi vốn đầu tư phim khi người ở nông thôn kinh tế còn khó khăn?

- Tôi lấy số lượng người xem làm nguồn vui và nguồn lợi để tái đầu tư cho phim. Ở ta có 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh có ít nhất 3 nhà văn hóa. Chưa kể có gần 1.000 nhà văn hóa huyện và khoảng 10.000 nhà văn hóa xã. Nếu tất cả các trung tâm sinh hoạt cộng đồng này biến thành tụ điểm chiếu phim Việt cho người Việt xem thì còn gì lý tưởng bằng. Ở ta hiện có khoảng 80 triệu dân, phần lớn sống ở nông thôn, chỉ cần một triệu người thường xuyên xem phim với giá vé bằng một ổ bánh mì, thì các nhà sản xuất yên tâm về nguồn vốn nhằm làm phim cho thật hay.

* Ông vừa nói đến phim hay, nhưng phim Cảm hứng hoàn hảo do hãng ông phát hành lại bị dư luận cho là quá tệ? Lâu nay chưa thấy ông giải thích gì về sự cố này, tại sao?

- Cảm hứng hoàn hảo là phim đầu tay của Nguyễn Lê Dũng. Chúng tôi đầu tư cho khá nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ lần đầu làm phim, vì làm lĩnh vực nào cũng cần có nhân tố mới. Chuyện Cảm hứng hoàn hảo dở là ngoài ý muốn của nhà sản xuất, bởi phim dở không ai xem thì người bị thiệt hại đầu tiên là chúng tôi. Nhưng không vì một vài phim bị cho là dở mà chúng tôi không dám đầu tư tiếp cho các đạo diễn trẻ.

Tuy nhiên, nền điện ảnh của ta hiện nay cũng mới chập chững tập đi trên con đường hội nhập. Không thể đem phim ta so với phim Tây, phim Hàn… vì trước khi làm được phim hay thì họ cũng đã làm ra hàng đống phim dở. Tại sao dư luận lại quá khắc nghiệt khi phim do người Việt mình làm bị dở, trong khi có rất nhiều phim nhập ngoại đang chiếu rạp cũng dở tệ kia mà. Theo tôi, dư luận nên khích lệ hoặc vị tha với các đạo diễn trẻ, vì chưa chi họ đã bị chửi thì nhụt chí mất, có ai biết đi đứng đàng hoàng trong vài bước chân đâu?!

Một buổi chiếu phim cho người thu nhập thấp

Tự làm phim, sản xuất máy chiếu, thiết kế rạp…

* Thưa ông, chất lượng phim là vấn đề quan trọng kéo người xem đến rạp, nếu phim quá tệ thì dù chiếu miễn phí cũng chưa chắc có người xem?

- Chính xác. Phim tệ quá thì mất thời gian xem làm gì. Nhưng như tôi vừa nói, không có nhà sản xuất phim nào lại dại dột “chủ trương” làm phim dở. Ngoài Cảm hứng hoàn hảo, chúng tôi còn Hello cô Ba (sản xuất cùng hãng Phước Sang)… những phim này cũng “xem được” đấy chứ.

Thật đau lòng khi phim ngoại cứ chiếm hết các rạp đẹp và từ đó dần dà chi phối luôn văn hóa của người Việt mình. Hy vọng trong tương lai, người Việt đến rạp xem phim Việt, bàn về phim Việt và nhớ đến diễn viên người Việt… lúc đó điện ảnh Việt đã phát triển.

* Thực hành bao giờ cũng khó, ông triển khai dự án phim “vé rẻ” đến đâu rồi?

- Hiện có hai điểm chiếu tại quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn, hai địa phương có nhiều công nhân và người dân còn khó khăn. Đến tháng 6/2012 này, chúng tôi phát triển thêm 20 điểm chiếu nữa. Trong năm 2012 chúng tôi làm 6 phim liên kết với Mỹ, Trung Quốc Đại lục, vùng lãnh thổ Hong Kong, Indonesia và sẽ tiến đến 12 phim/năm để một tháng có một phim mới.

Trước mắt chúng tôi lập các đội chiếu phim lưu động để phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp và người dân ở các xã vùng sâu vùng xa. Theo chân những đội chiếu phim lưu động này mới thấy, người dân “khát” xem “xi-nê” màn ảnh rộng như thế nào. Mỗi buổi chiếu như một cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng vậy.

* Được biết một cái máy chiếu phim kỹ thuật số dùng cho màn ảnh rộng hiện có giá khoảng 100 ngàn USD. Nếu phát triển thêm 20 điểm chiếu như ông nói, chỉ riêng tiền mua máy chiếu thì ông phải chi ra 2 triệu USD?

- (Cười). Đúng là máy chiếu phim nhập ngoại giá cỡ đó một cái, nhưng chúng tôi sản xuất được trong nước. Ngoài đầu tư làm phim, chúng tôi còn thiết kế, xây dựng rạp chiếu và sản xuất cả máy chiếu. Hiện chúng tôi chỉ lo nhân sự cho các đội chiếu phim, còn máy móc đều “của nhà trồng được”.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm