Dẹp in lậu vẫn là chuyện… "hãy đợi đấy"

22/02/2012 08:48 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Hôm qua, 21/2, Công ty sách First News tuyên bố sẽ chính thức khởi kiện hai trung tâm dạy ngoại ngữ đã trắng trợn vi phạm bản quyền sách của mình. Đây là lần đầu tiên có một đơn vị làm sách khởi kiện vì bị in lậu.

Hai đơn vị vi phạm bản quyền sẽ bị First News mời ra tòa, gồm: Trường Anh ngữ Quốc tế Úc Châu với 5 cơ sở, trụ sở chính tại 203 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM (đơn vị đầu tư là Công ty TNHH Giáo Dục - Đào tạo Duy Khang) và Anh văn Hội Việt Úc - Công ty TNHH Hội Việt Úc, số 429 Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM. Hai đơn vị này đã vi phạm bản quyền từ 5 - 7 ấn phẩm sách giáo trình dạy, học ngoại ngữ của First News bằng nhiều hình thức và sách in lậu, sách photo lại có giá cao hơn sách gốc.

18 năm mới kiện lần đầu

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, tha thiết: “Ông bà ta có câu “vô phúc đáo tụng đình”. Không có ai muốn bị kiện hay muốn đi kiện, kể cả một công ty làm văn hóa, xuất bản sách như First News. Suốt 18 năm thành lập, đây là lần đầu tiên chúng tôi quyết định khởi kiện”.

Lý do khởi kiện được First News cho biết, trong nhiều năm qua, đơn vị này luôn đi đầu và kiên trì trong việc chống tệ nạn in lậu. Cũng có rất nhiều NXB, đơn vị xuất bản khác bị in lậu, bị vi phạm, nhưng vì nhiều lý do, họ đành “ngoảnh mặt làm ngơ” hay chấp nhận “sống chung với lũ… in lậu”.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News (đứng) và luật sư Châu Huy Quang
tại buổi công bố khởi kiện hai đơn vị in lậu

Ông Phước cay đắng, nói: “Những đơn vị làm sách chân chính, mua bản quyền theo đúng chủ trương pháp luật thì ngày càng bán được rất ít sách thật, chịu đủ mọi loại thuế, chi phí… tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, vất vả. Và quan trọng hơn, không được bảo vệ về pháp lý khi bị in lậu, mà tự họ phải chống, phải chiến đấu một mình... Còn những kẻ in lậu thu lợi bất chính thì ngày một thịnh vượng, phát triển công khai… có nhiều tiềm lực và quan hệ để không chỉ sẵn sàng “chạy” những vụ in lậu bị bắt quả tang ngay tại trận, mà còn ra mặt ngang nhiên bất chấp, thách thức pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Phước quyết định kiện hai trung tâm dạy ngoại ngữ, vì: “Chúng tôi quyết kiện những kẻ in lậu công khai, có giấy phép đăng ký kinh doanh giáo dục của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - là các ông chủ lớn của những hệ thống trường dạy ngoại ngữ ngay tại trung tâm TP.HCM và có nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành”.

Tiền thắng kiện sẽ làm từ thiện

Luật sư Châu Huy Quang - tư vấn pháp luật của First News cho biết: “Cơ sở pháp lý để chứng minh hai đơn vị nêu trên vi phạm bản quyền đã rõ. Việc của chúng tôi bây giờ là chứng minh thiệt hại từ việc bị vi phạm bản quyền gây ra. Có bốn thiệt hại mà First News phải gánh chịu, gồm: Bị tổn thất về cơ hội kinh doanh; bị thiệt hại về lợi nhuận; bị thiệt hại về tinh thần và uy tín thương hiệu; tốn kém các chi phí khác để khởi kiện”.

Vụ kiện này đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM thụ lý và nếu thắng kiện thì First News sẽ đòi bồi thường tổng số tiền 760 triệu đồng/hai đơn vị vi phạm bản quyền. First News cho biết, tất cả số tiền thắng kiện trong vụ này sẽ được làm học bổng tặng học sinh, sinh viên nghèo chứ không hề bỏ túi riêng.

Đến tham dự buổi công bố khởi kiện hôm qua, ông Lê Hoàng (nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ TP.HCM) - hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, đã bày tỏ sự ủng hộ vụ kiện này của First News. Theo ông Lê Hoàng: “Khi tôi còn ở NXB Trẻ, chúng tôi rất đau đầu vì căn bệnh bị in lậu kéo dài. Có lần chúng tôi đã kết hợp với cơ quan chức năng lần theo đường dây in lậu xuống tận Cần Thơ, rồi quay về TP.HCM mới tìm được nơi in lậu. Bây giờ in lậu tràn lan, phức tạp hơn thời đó rất nhiều. Tôi nghĩ vụ kiện này như một sự cảnh báo và có tác động đến luật pháp, đến những người in lậu nhằm thượng tôn pháp luật. Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn hiện nay có các thành viên là hệ thống phát hành sách FAHASA và 10 nhà in, nhưng chúng tôi cương quyết không phát hành sách in lậu và tiếp tay cho in lậu. Tôi mong rằng, First News sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng chứ không hòa giải nhằm thỏa hiệp đạt đến lợi ích riêng”.

“Nhổ cỏ” cách nào cho “sạch”?

Nếu vụ kiện này của First News thành công thì liệu có tạo được tiền lệ để ngành xuất bản sách dẹp dứt điểm nạn in lậu hay không? Nhiều người trong giới xuất bản sách cho rằng vụ kiện này là tín hiệu vui, nhưng họ e ngại rằng “nhổ cỏ tận gốc” nạn in lậu sẽ thực sự nan giải.

Vì sao nạn in lậu vẫn sống khỏe, sống tốt và ngang nhiên qua mặt luật pháp như vậy? Một chuyên gia trong ngành sách trao đổi riêng với TT&VH: “Một cuốn sách xuất bản tại Việt Nam có thể có giá rẻ hơn so với nhiều nước khác. Nhưng với mức thu nhập hiện nay của người Việt, một cuốn sách vẫn có giá cao ngất. Tại sao giá sách lại cao vậy? Vì người làm sách bắt buộc phải để giá sách cao hơn giá gốc rất nhiều. Bởi một cuốn sách phát hành ra hệ thống nhà sách của Nhà nước hoặc tư nhân, cuốn sách đó nhiều khi phải chiết khấu đến 45%. Chưa kể các chi phí khác cộng vào, giá thành một cuốn sách bị đẩy lên cao hơn giá thực đến hơn 50%. Đây chính là một lý do quan trọng để sách lậu có đất sống, vì một cuốn sách lậu giá bán bằng sách gốc, nhưng chỉ cần giảm 30 - 40% là người in lậu đã lãi ròng”.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, nạn in lậu tồn tại là do các cơ quan chức năng chưa quản lý thật sự hiệu quả. Vì để hình thành một nhà in với hàng đống máy móc, cộng với hàng tá giấy tờ xin phép, không thể có chuyện in sách lậu lại có thể qua mặt được các nhà quản lý ngành in. Xem ra, vụ kiện này của First News “kiện thì cứ kiện”, còn dẹp sạch nạn in lậu lại là chuyện “hãy đợi đấy!”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm