“Linh tinh tình phộc” – Lễ hội có một không hai

03/02/2012 14:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Không giống như nhiều lễ hội khác khắp mọi miền tổ quốc, lễ hội Trò Trám hay còn được gọi là “Linh tinh tình phộc” ở Lâm Thao, Phú Thọ chỉ diễn ra trong ít phút và một cặp vợ chồng sẽ thực hiện nghi thức mô tả lại sự giao hòa âm dương...


Đúng 0h, ngày 12 tháng Giêng, nghi lễ mật ở miếu Đụ Đị hay còn gọi là miếu Trò làng Trám, xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ chính thức được tiến hành. Trong nghi lễ mật này, đèn nến đều phải được tắt hết và một cặp vợ chồng sẽ hành thức mô tả lại sự giao hòa âm dương. Lễ Hội Trám là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn là cái nôi của nền văn hóa lúa nước…


Điểm đặc biệt của lễ mật này đó là cặp vợ chồng được chọn phải là những người sống với nhau hòa thuận, có nếp sống văn hóa lành mạnh.


Trong bóng tối, người chồng cầm dương vật gỗ, người vợ cầm âm vật gỗ, đứng trước ban thờ, hành lễ theo lời hô của ông thủ từ. Ông thủ từ sẽ hô to: "Linh tinh tình phộc" 3 lần.


Mỗi lần hô, người chồng lại cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người vợ. Nếu cả ba lần đều trúng thì năm đó cả làng mùa màng bội thu.


Trước đó, ông thủ từ ở trong miếu phải cầm cây đàn Giằng Xay, hát thờ để xin phép thực hiện nghi lễ.


Cuối cùng của nghi lễ Mật là màn tháo khoán. Ngày xưa, sau khi cặp vợ chồng hành thức xong “Linh tinh tình phộc”, ông thủ từ sẽ hô tiếp: “Tháo khoán”, ngay lập tức trai gái tân trong làng cũng lao vào nhau, kéo nhau ra vườn rậm quanh miếu chòng ghẹo, trước khi ánh đèn được bật sáng trở lại. Ngày nay, giới trẻ chỉ chạy đuổi nhau quanh miếu cho có lệ.


Một số nghi thức đã được cắt cho bớt rườm rà nhưng nghi thức tế lễ vẫn khá phức tạp.


Phần tế lễ được diễn ra mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ.


Các nghi thức xưa kia được các cụ bô lão trong làng thực hiện.


Năm nay, là năm chẵn vì thế mà hội Trám tổ chức to hơn, thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn.


Hội Trò Trám diễn ra với trò diễn xướng: tứ dân chi nghiệp, với bốn nghề chính trong dân gian là sỹ, nông, công, thương.


Tính chất hội trò rất hài kịch với nhịp điệu khỏe khoắn và những tiếng hô, tiếng đế vang khắp vùng, đã đem lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người tham dự...









Vũ Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm