“Đánh thức” đảo Trúc Bạch

02/02/2012 09:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hình ảnh hòn đảo nhỏ nằm trên mặt hồ Trúc Bạch bên đường Thanh Niên đã quá quen với người dân và du khách. Đây chính là hòn đảo từng nổ ra cuộc tranh cãi bất tận từ dăm bảy năm trước liên quan đến ngôi đền Thủy Trung Tiên trên đó, mà nhiều người gọi là đền Cẩu Nhi - thần thờ chó con.

Tạm gác lại những tranh cãi đó, đầu Xuân mới này nhiều du khách đã có thể ra đảo thắp hương, vãn cảnh nhờ một chiếc cầu tạm bằng gỗ mới được xây dựng. Đây là ý tưởng của UBND phường Trúc Bạch và UBND quận Ba Đình và cũng nằm trong dự án mới nhằm đánh thức “tiểu thắng cảnh” này giữa Thủ đô.

Phối cảnh dự án tu bổ đảo Trúc Bạch với đền thờ và cầu đa

1. Nằm trong quần thể kiến trúc tự nhiên tuyệt đẹp của thành phố gồm có Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, đảo Cẩu Nhi từ lâu đã được biết đến là nơi có ngôi đền thờ thần chó con. Tương truyền, di tích đền Cẩu Nhi có từ thế kỷ 11 khi Lý Công Uẩn còn đang tu hành tại Bắc Giang. Khi đó có một con chó trắng đã vượt sông Nhị Hà sang núi Khán, sinh ra một con chó con có sắc lông màu trắng, trên lưng có chữ thiên tử.

Lý Công Uẩn sinh năm 974, mang tuổi Giáp Tuất. Nhân chuyện hai con chó trắng về núi Khán thì người ta tin rằng đó là điềm báo có một vị vua tuổi Tuất sẽ trị vì thiên hạ. Đến năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi vua, dời đô về Thăng Long, khi đó thì hai mẹ con con chó hóa, và ông cho lập đền thờ chó mẹ ở núi Nùng và chó con ở đền Cẩu Nhi hiện nay. 

Đảo hồ Trúc Bạch năm 1962 trong bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên

Truyền thuyết này từng gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Nhưng có một thực tế là từng có ngôi đền được xây dựng khá kiên cố với diện tích tương đối lớn trên đảo. Đến khoảng năm 1982 ngôi đền bị dỡ bỏ và được thay thế bởi một nhà bia như hiện nay. Trải qua thời gian, cây cối đã mọc lên um tùm trên đảo. Nơi đây còn được biết đến như một đảo cò giữa lòng thủ đô bởi thu hút rất nhiều cò trắng về sinh sống.

2. Trước đây, người dân rất khó để có thể lên đảo thắp hương hay vãn cảnh vì đảo nằm chơ vơ giữa hồ Trúc Bạch, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Nhưng từ giáp Tết Nhâm Thìn, UBND phường Trúc Bạch và UBND quận Ba Đình đã cho xây dựng một cây cầu tạm bằng gỗ như thế này (xem ảnh) để người dân có thể vào đây du Xuân.

Cầu tạm ra đảo Trúc Bạch

Bà Đặng Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết: Sau 10 năm, qua rất nhiều hội thảo, đến tháng 1/2012, UBND thành phố và quận Ba Đình đã có quyết định đồng ý xây dựng lại ngôi đền này. Vì đây là một di tích chưa được công nhận nên cũng cần phải huy động nguồn kinh phí xã hội hóa. Kinh phí đầu tư cho dự án là khoảng 20 tỷ. Bà con quanh vùng đã quyên góp để xây dựng cầu đá. Về cơ bản, kinh phí chúng tôi vận động đã được gần 4 tỷ.  Chúng tôi mong muốn di tích đền Cẩu Nhi sẽ được xây dựng lại để ghi nhớ công lao của một vị vua từ thế kỷ 11.

3. Theo đại diện UBND phường Trúc Bạch, kể từ khi bắc cầu tạm sang đền từ ngày 29 Tết Nhâm Thìn, đền Thủy Trung Tiên đã đón trên 1 vạn khách đến tham quan. Và đa số khách tham quan đều đồng tình trước dự án tu bổ tôn tạo đền Thủy Trung Tiên. Trong quý I năm 2012 dự án tôn tạo đền Thủy Trung Tiên sẽ được tiến hành với điểm nổi bật là một chiếc cầu bằng đá kiên cố bắc vào đảo Trúc Bạch.

Cầu đá vào đảo Trúc Bạch dự kiến dài 18m với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, chiều rộng mặt cầu là 2,25m, tổng mức đầu tư cho cây cầu này ước tính trên 5 tỷ đồng và 100% là nguồn kinh phí xã hội hóa.

Bên cạnh đó, dự án còn gồm các hạng mục xây dựng lại đền Thủy Trung Tiên: Hạ giải nhà bia cũ, chuyển bia đá vào trong đền chính; xây dựng đền chính; xây am hoa mã, nhà thủ từ, nhà vệ sinh với tổng vốn đầu tư là trên 13 tỷ đồng.

Không chỉ dựng đền, xây cầu, theo dự kiến, sau khi công trình hoàn thiện, sẽ xây dựng các chương trình phục vụ du lịch cụ thể như thành lập một đoàn thuyền tái hiện  hình ảnh vua Lý Công Uẩn dời đô. Và du khách đến với đền sẽ được tham dự một chuyến du lịch mang tính liên hoàn trong không gian hồ Tây - hồ Trúc Bạch.

Bích Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm