Đánh bài chòi trên đất Hà thành

31/01/2012 10:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Xuân Nhâm Thìn này, ngày hội gò Đống Đa càng thêm ý nghĩa khi lần đầu tiên ngay trên đất Hà thành người dân Thủ đô được thưởng thức một sản phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo của Bình Định, quê hương của người anh hùng áo vải.  Đó là Hội đánh bài chòi cổ dân gian.

Đây là một sự kiện văn hóa rất ý nghĩa do UBND tỉnh Bình Định, Bộ VH,TT&DL cùng với Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam dành tặng nhân dân Thủ đô.

Hành phương Bắc Xuân Nhâm Thìn năm nay Đoàn Bài chòi cổ Bình Định gồm có 17 người, do ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL phụ trách nghệ thuật, điều hành Hội.

Dựng chòi trong sân Nhà hát Chèo

Trong một không gian khá khiêm tốn tại sân Nhà hát Chèo Việt Nam, chín cái chòi đã được dựng lên tươm tất (tất cả nguyên vật liệu để dựng chòi cũng được chở từ Bình Định ra). Hội được khai mạc vào lúc 9h sáng mùng 5 Tết, trong khuôn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam trên đường Kim Mã, đối diện với ngôi chùa Kim Sơn cổ kính, là ngôi chùa cũng gắn với sự kiện lịch sử Quang Trung đại phá quân Thanh 223 mùa Xuân về trước, là nơi đã chôn cất thi hài của nhiều liệt sĩ trong nghĩa quân của Quang Trung, vì thế chùa còn dành riêng một khu làm nơi tưởng niệm nghĩa binh Tây Sơn.

Nếu chỉ đến xem, có thể bạn sẽ có cảm nghĩ là đánh bài chòi không có gì phức tạp (đối với người chơi). Tuy nhiên, công việc chuẩn bị cho Hội đánh bài chòi là công đoạn rất công phu, mà có lẽ công việc dựng chòi là công phu nhất. Trong một Hội đánh bài chòi bao giờ cũng có 9 cái chòi, trong đó có 1 chòi trung ương (còn gọi là chòi cái) đứng ở chính giữa, còn 8 chòi con được chia làm 2 hàng dọc đứng ở hai bên. Đặc biệt, chòi trung ương phải là chòi số 9, bởi số 9 là con số đẹp nhất theo quan niệm dân gian. Chòi được dựng bằng tre xanh (tre tươi), có sàn ngồi lát bằng trảy (theo cách gọi của người Bình Định, gần giống như cây nứa), trên có mái lợp bằng tranh. 

Người dân hào hứng tham gia hội đánh bài chòi Bình Định tại Hà Nội

Về diễn trình của Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định được thực hiện theo những thể thức khá chặt chẽ, đậm nét văn hóa làng của nông thôn Bình Định.

Trong tiết Xuân se se lạnh của sáng đầu Xuân, tiếng trống chầu dóng 3 vang lên hòa cùng tiếng nhạc của dàn nhạc cổ, các đại biểu và bà con dự hội tề tựu và an tọa tại các hàng ghế đã được bày sẵn ở phía đối diện với chòi trung ương. Các anh hiệu, chị hiệu mời khách dự hội mua các con bài để chơi. 

Có tất cả 9 thẻ bài cái và 27 thẻ bài con. Mỗi người chơi mua một thẻ bài cái, trên đó ghi 3 thẻ bài con rồi lên chòi ngồi. Khi bán hết 9 thẻ bài cái, người mua đã lên chòi, người điều hành hội đánh trống chầu làm thủ tục khai hội theo thể thức “Đả cổ pháp”, giống như thể thức của một đêm biểu diễn hát bội xưa, đó là “Xuân tam, Hè cửu, Thu thất, Đông ngũ” (mùa Xuân đánh 3 tiếng, mùa Hè đánh 9 tiếng, mùa Thu đánh 7 tiếng, mùa Đông đánh 5 tiếng). Dàn nhạc tấu lên, thể hiện hội chơi bắt đầu. Các anh chị hiệu lần lượt rút 1 thẻ trong số 27 thẻ bài con (đựng trong một cái ống được dựng ở trung tâm của sân chơi) và hô câu thai mang tên con bài… Chòi nào có thẻ (trong thẻ bài cái đã mua) trùng với tên con bài mà anh chị hiệu vừa hô thì gõ 3 tiếng mõ (nếu chòi trung ương thì gõ 3 tiếng trống cán), các anh chị hiệu lập tức trao con thẻ đó cho chòi trúng; cho đến khi chòi nào có 3 con bài trùng với 3 con bài trong thẻ bài cái của mình thì đánh 1 hồi mõ (nếu là chòi trung ương thì đánh 1 hồi trống cán), có nghĩa là chòi đó đã thắng ván này. Âm nhạc nổi lên rộn ràng, Ban hiệu gồm 2 cô gái trẻ đẹp làm thủ tục dâng thưởng. Quà thưởng là một chén rượu Bàu Đá, loại rượu đặc sản nổi tiếng của Bình Định, 1 cây cờ và tiền thưởng, cùng với câu hát Nam chúc Tết của anh chị Hiệu. Mỗi hội bài chòi chơi 3 ván; tiền trúng thưởng gấp đôi tiền mua thẻ.

Những người tham gia Hội đánh bài chòi thường không coi trọng việc trúng thưởng hay không, thưởng nhiều hay ít; điều khiến họ vui thích và hào hứng tham gia là được chiêm ngưỡng tài nghệ của các anh chị hiệu, được thưởng thức các điệu bài chòi gần gũi với đời thường của người dân lao động bình dị, lạc quan.

Phục hồi bài chòi cổ - hướng đi cần nhân rộng

Có lịch sử hàng trăm năm, trải qua nhiều bước thăng trầm cùng với thăng trầm của lịch sử dân tộc, Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định đã có lúc tưởng như bị quên lãng và mai một. Nhưng kể từ khi dự án “Bảo tồn Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định” được Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Định chỉ đạo thực hiện (từ tháng 9 năm 2010), người trực tiếp chỉ đạo công việc phục dựng là ông Nguyễn An Pha (nguyên Phó Giám đốc Sở), thì Hội đánh bài chòi đã được bà con nhiều địa phương trong tỉnh hưởng ứng nhiệt liệt. Đặc biệt, Hội đánh bài chòi cổ dân gian được tổ chức tại Chợ Gò, huyện Tuy Phước, vào dịp Tết Tân Mão (2011) đã thành công ngoài sự mong đợi, thu hút đông đảo bà con trong và ngoài huyện đến tham dự.

Trước nhu cầu của nhân dân, ngành văn hóa tỉnh đã kịp thời mở các lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho một số hạt nhân văn hóa ở các địa phương, tiến tới nhân rộng loại hình diễn xướng dân gian này rộng rãi trong toàn tỉnh Bình Định.

Thành công bước đầu của dự án phục hồi  Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định là tín hiệu đáng mừng và đáng khích lệ, nó khiến cho những người yêu mến Bình Định tin tưởng rằng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Bình Định sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa và du lịch Bình Định phát triển nhanh, mạnh hơn.   

Lê Thị Hoài Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm