Tết “tối giản” của Lê Thiết Cương

30/01/2012 13:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lê Thiết Cương theo chủ nghĩa tối giản không chỉ riêng cho hội hoạ, khi viết báo, viết văn, mà cả trong đời sống, cách chơi. Tối giản kiểu Lê Thiết Cương là tối giản chứa đựng sự tinh tế.  Một cái Tết của anh cũng vậy.

Những gì mà Lê Thiết Cương để người ta nhìn thấy trong các sự kiện mà anh tổ chức, đạo diễn, chủ trò, MC, khiến anh em nghệ sĩ khâm phục, yêu mến về năng lực liên tài hiếm gặp. Anh được nhiều bạn vong niên vị nể, đồng nghiệp và đàn em quý trọng. Giới văn nghệ ít ai chịu ai, nên “thu phục” được các “sao”, kết nối họ quả là một kỳ công.

Tại các cuộc triển lãm (TL) ở Gallery 39A Lý Quốc Sư, loa mở to nhạc rock metal, Lê Thiết Cương của đám đông luôn là nhân vật dẫn dắt. Những tay đình đám của các lĩnh vực, hầu hết đều biết và lui tới Cương. Cương hào hiệp rượu Tây và hiếu khách. Không “hợp tác xã” với nhân quần, mà tinh lọc. Anh có tiếng kỹ tính và nghiêm ngắn.

Ngôi nhà 5 tầng của anh, dành tầng 1 làm gallery từ 2005. Đã có 30 cuộc TL thực hiện tại đây trong 6 năm, tất cả mọi chi phí đều do Cương chịu. Gallery phi lợi nhuận này thành điểm tựa cho các nghệ sĩ trẻ có hy vọng trình làng tác phẩm mới như: HS Nguyễn Phan Bách (con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp), Phạm Trần Quân, nhà thơ Vi Thùy Linh; kích thích người đương độ; tôn vinh người quá cố (TL các ký họa của NSND Đào Đức)...

Đồ vật, mảnh vườn và thơ Basho

Tôi yêu quý Lê Thiết Cương không chỉ bởi tài năng và cách sống của anh, các kỷ niệm sâu sắc, những gì anh cống hiến, mà hiểu và trân trọng anh hơn bởi cách anh đối xử tôn trọng nâng niu với đồ vật và thiên nhiên, không chỉ trong ngôi nhà mình. Nhà Lê Thiết Cương là một trong số ít không gian ở Hà Nội khiến tôi luôn muốn tới. Bởi nó chứa đựng những vẻ đẹp và sự bình yên khác thường.

Anh đã ở 39A Lý Quốc Sư từ 1995. Mặt bằng 155m2 chạy dài 5 tầng nhà tường vàng, cửa gỗ xanh mang phong cách kiến trúc Pháp, nội thất có hồn cốt phương Đông, do Lê Thiết Cương thiết kế. Anh đã cho đập phòng, tường của nhà cũ (mua lại), để tạo ra khoảng vườn có ánh trời đan luồng sáng giữa ngôi nhà. Gallery của anh đã ngừng hoạt động từ 10/1/2011, song lần này có vẻ là ngưng lâu. Anh bảo sẽ dừng hẳn gallery, vì cần khoảng lặng để suy ngẫm, vẽ, viết. Anh em bạn bè khắp chốn vẫn xem đây là chốn gặp gỡ, hội quần, đều mong đó chỉ là tình thế.

Ngồi giữa khoảng vườn, trước mắt là cây đằng tím, sau lưng vạn niên thanh leo kín mảng tường, tôi ngắm cây chuối Cương trồng. Anh giữ khoảng vườn để trồng chuối. Vì Anh yêu chuộng Matsuo Basho (1644 - 1694), nhà thơ thiền lỗi lạc thời Edo. Basho được phong hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ Hai kai) năm 1679 thì ngay năm sau, đến ở một túp lều bên sông Sumida và tu tập thiền đạo với một thiền sư vùng này. Ông lấy bút hiệu Basho (Ba Tiêu) và sáng tạo ra phong cách Shofu (Tiêu Phong, ý chỉ về cuộc đời nghệ sĩ như những tàu lá chuối bị xé tan trong đêm giông bão).

Cuộc đời của Lê Thiết Cương cũng có nhiều điểm tương đồng với Basho. Anh chịu thử thách từ niên thiếu.

Năm 2005, anh làm điêu khắc hạt gạo khổng lồ bằng đồng đá; 2007 làm linga bằng sơn mài, gốm, đồng, mảnh gương. Motif tranh đồng dao của Lê Thiết Cương được nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đưa lên áo bông, làm nên bộ sưu tập 25 áo độc đáo. Tôi đùa anh là “nạn nhân của văn học” bởi 4 năm gần đây, anh được/bị nhờ làm bìa, minh hoạ và thiết kế cho nhiều cuốn sách. Lê Thiết Cương đã làm, thì chắc chắn đẹp, hiện đại và rất riêng. Nguyễn Quang Thiều có lẽ là người bạn được anh chiều hơn cả. Dường như với thi sĩ này, Cương chẳng thể chối từ. Sự kiện Hội thảo thơ Việt - Mỹ 1/2011, đêm ra mắt tập thơ Kevin Bowen, Lê Thiết Cương chính là người làm băng - rôn, sân khấu, thiết kế từ thiếp mời đến bìa sách. Anh vừa xong thiết kế cho sân khấu Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần 1, Ngày Thơ VN lần 10 tại Văn Miếu sắp tới.

Những bức tranh bày TL cá nhân Mình và các bức bày trên tường nhà anh, dùng nhiều màu trắng, màu anh thích nhất. Anh thích màu trắng vì nó tạo ra sự yên tĩnh và tối giản. Tranh sơn dầu của Cương thật buồn, nhân vật của anh, đơn độc, bơ vơ nhưng không ngừng lãng mạn và mơ mộng. Anh ngắm tranh, tranh soi gương họa sĩ.   

Ăn Tết tối giản

Mùa Đông, anh thích tắm lá mùi, hay chính xác hơn, Anh giao cảm với tôi ở sự mê lá mùi và không khí Tết truyền thống. Anh “đang sống cuộc sống nhiều không”: không vợ, không người giúp việc, không thư ký, không lái xe. Anh không kêu cả phàn nàn. Với Cương, hạnh phúc sự hài hòa, biết cân bằng với những gì mình đang có. Anh không khi nào cật lực sát phạt kiếm tiền. Anh làm nhiều không vì khỏe, mà vì tinh thần.

Tại sao Cương nhiều bạn hay, tên tuổi? Vì anh hay. Cái hay nhất là anh đủ bản lĩnh uy tín để cân bằng những cá tính. Anh chơi với bạn theo nguyên tắc nhìn cái tốt mà đại lượng và hay chiều bạn.

Mẹ anh, nhà quay phim Đỗ Phương Thảo đã tuổi 72 mà trẻ hơn tuổi nhiều. Bà sống cùng, chăm lo nhà cửa cơm nước cho anh. Con trai nhỏ của anh, William, 9 tuổi, sống cùng mẹ ở Mỹ, mỗi Hè anh đều dành 1 tháng sang thăm. Anh bình định được cô đơn, nỗi buồn để sống chỉn chu, ngăn nắp sáng tạo trong sự bình tĩnh, mà vẫn đầy cảm hứng bất ngờ. Bởi anh biết thiền: “Thiền là một con đường đi đến Phật”. “Ngôi nhà không có đàn bà/Cả băng hoa trắng trên bờ dậu/Cũng làm tôi ớn lạnh”.

Cương đang sống trong ngôi nhà thiếu vắng người đàn bà yêu, thuộc về anh. Nhưng anh khẳng định sẽ không kết hôn lần nữa. Anh vẫn yêu và có thể luôn là người đang yêu, được yêu. Người phụ nữ đẹp với anh phải thực sự phụ nữ: đẹp tự nhiên, không phẫu thuật, mỹ viện, không đeo nhiều đồ trang sức. Tức là không được tóc ngắn, nhẹ nhàng, tinh tế và biết trọng nghệ thuật và “đàn bà 100%”. Anh lắng nghe mọi nỗi buồn đau khổ của người khác, còn của anh, không kể với ai, không tin lời khuyên và tâm sự cùng ai. Anh “tiêu diệt” nỗi buồn bằng xem sách, nghe nhạc và vẽ. Anh đọc thơ nhiều, thẩm tinh và nhớ những câu hay. Anh làm lịch để bàn 2011 trích thơ của những thi sĩ cách tân các thế hệ.

“Nhìn” anh những tối Xuân, thược dược bên giá nến 3 cây tím nhạt đang hiện lên giấc mơ hồ lăn chậm cánh sương. Bình viollette ở góc phòng. Độc đáo nhất là chum da lươn gốm Phù Lãng cắm một ôm lá mùi già. Phòng ăn đã có đào phai từ ngày ông Công ông Táo. Phòng khách chơi gốc đào phai cỡ lớn hôm 26 Tết. Mẹ anh khéo tay, biết làm nhiều loại bánh. Bà làm bánh dứa, bánh chả đãi khách. Nhà neo người nên bà không làm mứt nữa, ra Hàng Đường mua mứt gừng, mứt bí, cà chua. Tối giản, không phải sơ sài giản tiện. Có đủ hết giò lụa, giò bò, giò thủ, bò kho buộc lạt. Hai bánh chưng gửi từ quê nội Bình Đà về, xanh ngắt vì gói kèm lá giềng xanh, để thắp hương. Hai chiếc bánh chưng chay, bà Thảo đặt ở chợ Hàng Bè. Mẹ tuổi Canh Thìn, con tuổi Nhâm Dần. Hai mẹ con không toại nguyện hôn nhân, sống bên nhau, vẫn giữ được thanh thản, tự nhóm những niềm vui.

***

Có những cuộc đàn hát rất khuya, khi ấy, chủ nhà đã hơi la đà, mặt ửng đỏ, là khi tôi thấy Cương thật hồn nhiên và dịu dàng. Anh ôm guitar chơi vài bài hát gì đó. Không nhớ lời ca, tôi chỉ nhớ hình ảnh giữa đám đông ấy. Anh cô đơn. Khi tất cả về hết, anh chỉ còn lại một mình, loay hoay viết trên bàn kính có lụa thêu tàu lá chuối bên khung vườn có một cây chuối. “Đêm thu, mưa/Nước chảy thành dòng trên lá chuối/Tôi ngồi nghe đêm”. “Bạn” của anh là các tủ, ngăn kéo chứa ngàn đĩa nhạc vô số kính, bút, bật lửa đồ hiệu (dù anh không hút thuốc).

Xe @ đã bán, Cương sắm ô tô từ lâu, có lái xe. Nhưng cậu tài mới xin nghỉ. Giờ anh di chuyển bằng xe đạp và taxi. Cương có 4 chiếc xe đạp: 2 BMW trắng, 1 Mercedes đỏ, và 1 Porche đen.

Sáng sáng, anh đạp xe Porche thể dục quanh hồ Gươm.

(*): Tất cả các câu thơ trong bài của M.Basho.

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm