Không cam chịu

08/01/2012 13:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 1. Chị gái tôi tuổi Dần, năm nay đã ngoài 75. Còn nhớ 57 năm trước đây, một người xã bên mang lễ đến dạm ngõ, hỏi chị cho con giai ông. Thời ấy ở nông thôn việc hôn nhân là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Khi hai ông bố đang hỉ hả trò chuyện tương lai con cái thì chị vịn tay ở cửa ngách, nói vọng ra: Này, ông đi hỏi đứa nào về làm dâu thì cứ hỏi, còn tôi, tôi không nhận nhời gì đâu đấy, tôi không liên quan.

Tất nhiên sau đó bị bố đuổi đánh, nhưng chị đã kịp chạy trước. Việc gả bán cuối cùng không thành. Sau đó chị lấy được người chồng chị yêu. Vợ chồng sống rất hạnh phúc. Tôi có ông anh rể rất tốt, vì yêu chị thì quý em thôi.

Nhắc lại câu chuyện này, chị cười mủm mỉm: “Có thân thì phải lo chứ, ai lo cho”!

Xem ra chị đúng là người tiên phong trong việc định đoạt lấy hạnh phúc cho mình.

2. Con bạn tôi học xong đại học, bố nó nhăm nhe tìm bạn bè đương chức để gửi gắm. Biết thế, nó nói ngay: “Con cảm ơn bố đã nuôi con học xong đại học. Mọi việc thế là ổn. Bây giờ làm việc ở đâu là việc của con, bố không cần quan tâm”.

Nó nói và làm thế thật. Tìm việc trên mạng rồi đi phỏng vấn dự tuyển. Làm nơi đầu tiên được hai năm, nó xin thôi việc, kiếm chỗ khác. Hỏi lí do nó chỉ cụt lủn: “Không thích”. Rồi tiếp đến hai ba công ty khác nữa. Bạn tôi sốt ruột bảo: “Con cứ nhảy cóc, cái cần bây giờ là ổn định. Nó không giải thích cặn kẽ, bảo “ổn định không phải là cái cớ để ở lại. Con thấy nơi nào làm việc không có khả năng phát triển thì con đi thôi”.

Nhưng khi dò tìm bảng lương của nó mới biết cơ sở khởi điểm vài ba triệu, đến chỗ cuối lên vài chục triệu, mà thạo đủ thứ, giải quyết mọi việc rất linh hoạt.

Thì ra tuổi trẻ thời nay nó không cần cái ổn định an phận mà thích dấn thân.

3. Hai sự việc cách nhau nửa thế kỉ, hai câu chuyện cũng rất khác nhau nên so sánh cũng khập khiễng. Hơn nữa cũng chẳng phải dễ để ai học theo. Làm được hay không nó còn là cái tạng chất của từng người, từng thời điểm, từng lúc, từng nơi mà cho ra những quyết định phù hợp. Nhưng có một cái chung là dám nghĩ, dám dân thân, dám tự quyết, tự làm, tự chịu.

Xét đến cùng, xã hội đang rất cần những người như thế thì mới có sự phát triển. Khát khao vươn lên để khẳng định mình, bao giờ cũng là nhân tố tích cực.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm