Hoạt động nghệ thuật - nhìn từ một làng chài

06/01/2012 11:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sasaran là một làng chài nhỏ chừng 2.000 dân ở bang Selangor, Malaysia. Nơi đây vừa rồi đã trở thành một sự kiện văn hóa ở đất nước Đông Nam Á này, khi hai lần tổ chức thành công workshop - một hình thức hoạt động nghệ thuật như trại sáng tác cho các nghệ sĩ quốc tế.

Lần thứ nhất vào năm 2008, Sasaran không mấy được biết đến, và lần này năm 2011 với nghệ sĩ của 17 nước tham dự, Sasaran đã nổi tiếng.

1. Người có công trong việc này là họa sĩ địa phương Ng Bee. Anh đã chắp nối những quan hệ tưởng chừng như không thể làm nổi giữa các nghệ sĩ xa lạ, mỗi người tự bỏ tiền đến đây, anh vận động người dân cho mượn nhà ở và tài trợ sinh hoạt.

Trong suốt quá trình của workshop, hàng ngày dân địa phương và nhiều người Malaysia từ các vùng lân cận đến xem nghệ sĩ làm việc và nghệ thuật, một lễ hội hóa trang của học sinh trường tiểu học dân lập Trung Hoa Sasaran kết thúc tốt đẹp với nhiều màn trình diễn đầy màu sắc và diễu hành qua các phố làng. Một triển lãm tổng kết với các tác phẩm treo trên giàn giáo xây dựng trong hội trường lớn của trường tiểu học.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng - tác giả bài viết (bìa phải). Ảnh: Vũ Hiếu

Sự kiện Sasaran chúng ta có thể tìm hiểu qua báo chí Malaysia và trên mạng, nhưng điều mà tôi suy nghĩ là cách thức sống và tổ chức đời sống của người Sasaran, hay Malaysia nói chung rất đáng quan tâm, nó như một mô hình xã hội hóa các hoạt động tinh thần tốt. Trường tiểu học dân lập Trung Hoa Sasaran được tài trợ bởi những doanh nhân địa phương, tên tuổi họ được ghi rất to trên từng tòa nhà mà họ bỏ tiền xây dựng. Và một khi các "đại gia" bảo trợ cho một trường học thì cũng có nghĩa là nó rất an ninh.

Học sinh ở đây được học tiếng Hoa hàng đầu, tuy nhiên các em đều học song song với tiếng Anh, vì tiếng Anh là tiếng nói thứ nhất ở Malaysia. Tôi thấy nhiều người dân trong vùng nói bốn thứ tiếng: Anh, Hoa, Malayo và Phúc Kiến. Có một chị chủ quán cơm của trường này nói đến 8 ngoại ngữ châu Á lại là một cô gái Việt Nam lấy chồng Malaysia.

Các lớp học hình thành theo lối thư viện nhỏ, trong lớp chủ yếu là sách được xếp theo chuyên mục, như lịch sử, ngoại ngữ, vật lý và nhiều đồ chơi, đồ vẽ. Diện tích lớp học rất rộng so với số học sinh. Hàng ngày các em ăn ngày trong trường, chúng tôi cũng ăn cùng tập thể với chúng.

2. Nhiều người dân Sasaran là những ngư dân rất mộc mạc và nói một thứ tiếng Phúc Kiến rất nặng. Họ ở ven sông dẫn ra biển theo và làm nhà nửa trên mặt đất, nửa trên mặt nước, giống như những nhà sàn ven biển ở Cát Bà hồi nào. Còn lại là những thương nhân buôn bán lẻ ở khắp khu vực, vài cô gái Việt lấy chồng nơi đây đều rất xinh xắn.

Cả thương nhân và ngư dân đều hồ hởi với nghệ sĩ, họ đem ô tô, xe máy chở chúng tôi đi nếu cần, không một ai thắc mắc về nghệ thuật của nghệ sĩ, mà những thứ gọi là đương đại không lấy gì làm dễ hiểu, cũng vài người làm những sắp đặt lớn ở đầu làng.

Một nghệ sĩ nước ngoài đang sáng tác ngoài trời. Ảnh: Vũ Hiếu

Có thể nói workshop Sasaran đã thành công về mặt xã hội hóa nghệ thuật và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, giao lưu giữa người dân và nghệ thuật từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới tới đây.

Buổi bế mạc có thống đốc bang Selangor tới phát biểu và đánh giá rất cao kỳ tích của Sasaran từ một làng chài không tên tuổi nay trở thành một địa chỉ văn hóa. Bà cựu giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Malaysia cũng đến dự và đưa chúng tôi đi siêu thị. Cả bà và Ng Bee đều hỏi tôi có ý kiến gì về workshop này, tôi trả lời rằng: Nếu để tìm ở đây những tác phẩm đỉnh cao thì không phải, nhưng để đem nghệ thuật đến công chúng, tạo ra những hiểu biết giữa những nền văn hóa khác nhau, thì workshop này đã làm rất tốt.

3. Những nghệ sĩ Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam (do họa sĩ Trịnh Tuân khởi dựng) đã có hẹn ước đưa workshop thành thường niên vòng quanh trong bốn nước châu Á, nhưng có thể nói công việc xã hội hóa nghệ thuật này không dễ thực hiện ở nước ta, bởi tiềm lực kinh tế của nghệ sĩ ta rất yếu, doanh nhân thành đạt không dễ gì móc hầu bao, và cơ chế quản lý văn hóa cũng còn nhiều thủ tục phức tạp.

Cuộc triển lãm Nghệ thuật châu Á thường niên do các nghệ sĩ tự do châu Á tự tổ chức, nay đã là lần thứ 26, hàng năm mỗi nước có các nghệ sĩ tự do bỏ tiền đi lại, gửi tác phẩm tham dự, tự in vựng tập, nước chủ nhà chỉ lo địa điểm khai mạc, vài chuyến tham quan và vài bữa chiêu đãi. Tất cả các nước châu Á đã từng đăng cai, riêng Việt Nam chưa làm được lần nào. Chương trình này ở ta do họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp chủ trì. Đây cũng là một câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ và curator các nước hỏi tôi tại Sasaran.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm