Văn hoá qua 365 ngày vui

31/12/2011 12:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vâng, là 365 ngày vui, bởi trong cuộc họp công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành, ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng Bộ VH,TT&DL đã lý giải rằng, sở dĩ 2 năm nay, Bộ không tổng kết những vấn đề còn tồn tại, bởi đó đã là những việc thường xuyên được tổng kết hằng tháng, hằng quý. Và tính đến thời điểm đó đã có 2500 bài báo mà chủ yếu nói những vấn đề tồn tại, yếu kém của ngành. Vì vậy, việc đưa ra những tồn tại trong cuộc bầu chọn này là không cần thiết.

Vâng, chỉ nói về 365 ngày vui, nhưng để nhận diện những niềm vui đó, và phân tích ý nghĩa của chúng, cũng không phải là dễ dàng.

1. Trước tiên xin điểm lại các sự kiện tiêu biểu của năm nay mà Bộ VH,TT&DL bầu chọn dựa trên số phiếu của gần 100 phóng viên. Trong 10 sự kiện được chọn, có 7 sự kiện về văn hóa - du lịch, bao gồm: UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới; hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất; kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội; Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất; vịnh Hạ Long được đưa vào danh sách là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; ngành du lịch đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu.

Không nói ra, nhưng khá nhiều những lăn tăn dồn về sự kiện vịnh Hạ Long lọt top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Sức mạnh của truyền thông đã góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch bầu chọn này, nhưng đáng tiếc là ngay sau chiến thắng, chính truyền thông (một số tờ báo mạng) lại quay ra hoài nghi giá trị của nó.

Sự hoài nghi có vẻ cấp tiến, nhưng thực chất lại hết sức lỗi thời, do người ta không phân biệt được hai "hệ giá trị" khác nhau. Từ cuộc bầu chọn 7 kỳ quan lần thứ nhất (công bố kết quả năm 2007) cho đến lần thứ 2 này, New Open World đã đưa ra một "hệ giá trị" khác cho di sản không hoàn toàn dựa theo các tiêu chí về mặt chuyên môn như UNESCO mà trên cơ sở sự yêu thích, hay chính xác hơn là sự biết đến của số đông công chúng. Cũng như trong các cuộc thi Idol, chính khán giả mới làm nên các thần tượng. 

Sự đánh giá của số đông công chúng tuy không khẳng định được giá trị khách quan của di sản như sự đánh giá của các nhà chuyên môn, song lại có thể khẳng định "sự hiện diện" của di sản trong tình yêu của mọi người. Điều đó rất có ý nghĩa đối với sự quảng bá du lịch. Do đó, chiến thắng của vịnh Hạ Long hoàn toàn xứng đáng để trở thành sự kiện nổi bật trên lĩnh vực du lịch.

Cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mắt ngày 28/12 nằm trong chuỗi
các hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng

2. Hai sự kiện đầu tiên trong danh sách 10 sự kiện trên (Thành nhà Hồ và hát xoan) có thể ghép làm 1 vì nó cùng một tính chất (được UNESCO vinh danh). 3 sự kiện sau cùng thiên về du lịch, trong đó sự kiện “Liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất” chìm nghỉm giữa biết bao nhiêu liên hoan, lễ hội trải suốt 365 ngày.

Và như thế, nếu đời sống văn hóa sôi động của nước ta trong 2011 mà gút lại chỉ có 4-5 hoạt động như kể trên thì cũng là hơi ít. Việc LHP Việt Nam lần thứ 17 bị rớt khỏi top 10 vì không đủ số phiếu bầu của phóng viên là có phần đáng tiếc, vì đây là sự kiện lớn không chỉ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, mà còn là ngày hội của giới giải trí nước nhà. Kết quả LHP có thể không làm hài lòng nhiều người khi thiếu vắng giải Vàng phim truyện nhựa (trong khi đó lại có quá nhiều giải Bạc và giải Ban giám khảo). Tuy nhiên, LHP năm nay lại ghi được dấu ấn rất mạnh trong việc khẳng định giá trị của Hotboy nổi loạn – một bộ phim tư nhân, mà thoạt đầu người ta cứ nghĩ là một thứ "hàng chợ" để câu khách. Khẳng định giá trị nghệ thuật của Hot boy nổi loạn, LHP đã thực sự đứng về phía cái mới.

Nếu Kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn được bầu chọn là 1 sự kiện văn hoá tiêu biểu trong năm thì thật tiếc khi chuỗi các hoạt động văn hoá nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không được được đề cử vào top. Không chỉ gồm một sự kiện đơn lẻ, một chuỗi các hoạt động từ kịch, phim, đến các triển lãm ảnh, và hàng loạt các cuốn sách về cuộc đời đại tướng đã lần lượt ra mắt trong suốt cả năm, mà cao điểm là vào những ngày tháng 8. Gần đây nhất, ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục giới thiệu cuốn sách mới về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tựa đề Ở với người, ở với đời, do NXB Thời đại ấn hành. Trong suốt cả năm qua, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã in đậm vào lòng hàng chục triệu người Việt Nam thông qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật.

Năm 2011 cũng là năm diễn ra chuỗi các hoạt động văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Dưới góc độ lịch sử thì con đường này là một kỳ tích sáng tạo của người Việt Nam mà phải sau rất nhiều năm, đến bây giờ chúng ta mới có thể hiểu hết, nhất là về các chiến công thầm lặng của các thuỷ thủ tàu không số năm xưa. Kỳ tích đó đã được tái hiện  một cách chân thực, sinh động làm lay động trái tim hàng triệu người thông qua các bộ phim (phim truyền hình, phim tư liệu), các bộ sách, các chương trình ca nhạc, cầu truyền hình…

Ký ức về các trang sử hào hùng của dân tộc cũng được đánh thức thông qua một sự kiện bất ngờ làm nức lòng dư luận: Nhà văn Sơn Tùng, tác giả của Búp sen xanh đã trở thành nhà văn đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Với 14 đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều độc giả trong và ngoài nước đã coi Sơn Tùng như một “Nhà Hồ Chí Minh học”. Xúc động trước sự tôn vinh đặc biệt của Đảng và Nhà nước với các nhà văn, tại buổi lễ trao tặng danh hiệu cho nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh rằng danh hiệu này sẽ là “đầu tiên chứ không phải là duy nhất, bởi chúng ta mong rằng sẽ thêm nhiều nhà văn được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động nữa”.

Nhưng bên cạnh niềm vui về danh hiệu Anh hùng Lao động, thì quy trình xét giải thưởng, danh hiệu nghệ sĩ năm 2011 lại để lại những buồn vui lẫn lộn. Đây không phải là đợt đầu tiên, chúng ta tiến hành xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, cùng với việc xét danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ trong ngành biểu diễn. Thế nhưng, những lùm xùm trong quá trình xét cho thấy đã có những bất cập, những kẽ hở khiến xảy ra không ít những sự hiểu nhầm, hoặc làm rầu lòng những người trong cuộc. Hy vọng rằng các cuộc bình xét này sẽ sớm đạt được sự đồng thuận cao nhất, và việc tôn vinh sẽ không tiếp tục bị lùi lại nữa.

Cũng trong lĩnh vực văn học, năm 2011 đã diễn ra Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8. Đó là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất của những người viết văn có tuổi đời dưới 35. Sau mỗi kỳ hội nghị viết văn, người ta lại kiên nhẫn chờ đợi sự chín tới của những người cầm bút đã sắp sửa không còn trẻ nữa.

Nhà văn Sơn Tùng (giữa) trở thành nhà văn đầu tiên được phong Anh hùng

3. Chuyển sang lĩnh vực âm nhạc. Năm 2011 này, CLB âm nhạc và báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là đơn vị đầu tiên tung ra kết quả bầu chọn top 10 sự kiện trên lĩnh vực của mình. Không cần kéo “hát xoan” vào thành sự kiện của âm nhạc, vì hát xoan thiên về lĩnh vực di sản, văn nghệ dân gian. Chỉ tính riêng các hoạt động đương đại thôi, thì năm 2011 quả là năm sôi động của âm nhạc với tình trạng trăm hoa đua nở của các live show nhạc trẻ cùng các chương trình nhạc hàn lâm như biểu diễn giao hưởng trên vỉa hè phố Lý Thái Tổ, ở vườn hoa Nhà Kèn, live show Nhật ký Dương cầm của Trang Trịnh, chuyến lưu diễn đầu tiên tới Mỹ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam… Niềm vui cũng lan sang các em nhỏ, khi Đoàn Hợp xướng thiếu nhi Sol Art của VN với 37 ca sĩ từ 6 - 16 tuổi vừa đoạt HCV ở bảng Dân gian tại Liên hoan và cuộc thi Hợp xướng quốc tế Johannes Brahms lần thứ 7 diễn ra từ 6 - 10/7 tại CHLB Đức.

4. Và cuối cùng, nếu như trong năm chúng ta có 2 sự kiện nổi bật về di sản luôn được nêu tên ở hàng nhất, đó là sự đăng quang của di tích Thành nhà Hồ và hát xoan; thì cũng trong lĩnh vực di sản, lại có một sự kiện khác làm đau đầu dư luận. Đó là những ồn ào quanh lễ phát ấn Đền Trần ở Nam Định.

Từ một phong tục tốt đẹp của cha ông, màn phát ấn ở lễ hội này đã trở thành một sự nhức nhối trong dư luận về nguy cơ thói đời (cầu thăng quan tiến chức) xâm nhập vào nơi cửa Thánh và làm náo loạn lễ hội, gây chen lấn mất an ninh trật tự.

Chấn chỉnh lại các hoạt động lễ hội, “cải tiến” lại cách thức phát ấn, giải thích rõ ý nghĩa của lá ấn… đó là những nỗ lực của ngành văn hoá trong cả năm qua. Rõ ràng tôn vinh di sản ra thế giới là quan trọng. Nhưng bảo vệ vẻ đẹp truyền thống của di sản cũng quan trọng không kém.

“Thảm hoạ” bầu chọn

Trong khi Bộ VH,TT&DL cho rằng, các vấn đề tồn tại không cần thiết phải "kê" ra khi tổng kết các sự kiện tiêu biểu của năm, thì trên các trang mạng, bức tranh hoàn toàn trái ngược. Tràn ngập các cuộc bầu chọn top nọ, top kia khiến người đọc choáng váng. Choáng váng không chỉ vì phương châm "tốt đẹp phô ra" đã không được quán triệt, mà còn vì những cái xấu xa từ chỗ tản mát ở đâu đó, hoạc đã được "đậy lại" rồi, thì nay lại cố tình bị bới ra, chắp nối lại, để thỏa mãn sự tò mò của một bộ phận công chúng.

Sao nữ và những bộ váy xuyên thấu tai tiếng nhất; Top 10 "thảm họa nổ" của sao Việt 2011; Những pha lộ hàng "choáng" nhất năm 2011; Quần bơi" oanh tạc sân khấu Việt 2011; Top 9 pha "đỏ mặt" vì kém duyên 2011.... Những vụ lộ ảnh nóng tai tiếng nhất 2011; Những sao bị "la ó" nhất năm…

Đó không phải là những cuộc bầu chọn nữa, mà là những thảm họa bầu chọn.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm