Họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang kể chuyện về chú Tễu và người nông dân

29/11/2011 10:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một cuộc triển lãm mỹ thuật hiếm hoi kể câu chuyện xã hội với những vấn đề “nóng” ở nông thôn: bán đất, bán sức lao động… vừa khai mạc tại Hà Nội. Đó là Kịch bản đương đại, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Phạm Khắc Quang, do Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (CDEF) tài trợ.

Như TT&VH đã đưa tin, họa sĩ Phạm Khắc Quang (sinh năm 1975) vừa giới thiệu Kịch bản đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm đề cập cuộc sống của người nông dân trong một xã hội đang đổi thay từng ngày. Bên lề cuộc triển lãm, TT&VH có cuộc trò chuyện với anh:

* Những bức tranh khắc gỗ của anh về vấn đề bán đất, bán làng, hay bán sức lao động… của người nông dân cho thấy anh bị ám ảnh nhiều bởi cuộc sống của họ?

- Điều đó đúng. Gia đình tôi ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Bố mẹ tôi làm công nhân viên chức, đời sống kinh tế có phần dư dả hơn xung quanh xóm giềng. Tôi còn nhớ những lần 30 Tết, nhà tôi thì sắm sửa, trong khi hàng xóm, có gia đình vẫn ngồi… nhìn nhau…

Tôi lên Hà Nội học rồi ở lại sinh sống, nhưng mỗi lần về quê, đi thăm khắp họ hàng, làng xóm, lại thấy những thay đổi… Giờ xí nghiệp may về ngay đầu làng tôi rồi, nhiều em gái hàng xóm thành công nhân, sáng đi làm thì con chưa ngủ dậy mà tối về con đã lại ngủ rồi. Mấy đứa trẻ hàng xóm ấy cũng chỉ nhỏ như con trai tôi, nhưng sáng ra, quần áo có khi không mặc đủ, tay cầm bánh mì tôm ăn sống. Tối mẹ chưa về, ông bà thì bận bịu đủ việc, có khi chúng cứ lấm lem thế mà lăn ra ngủ. Nói thật, tôi cảm thấy chua xót. Nhà tôi ở ngay gần gầm cầu Long Biên, nơi có một cái chợ bán sức lao động mà trong đó, người ngồi chờ việc đa phần là các bà, các chị ở quê, có cả người làng tôi ở đó. Trong khi ấy, đất ruộng ở quê thì bỏ hoặc bán cho những dự án…

Họa sĩ Phạm Khắc Quang

* Nhưng tại sao anh lại mượn hình ảnh chú Tễu để làm nhân vật chính trong loạt tranh này chứ không phải là một hoặc nhiều nhân vật đời thực xung quanh anh?

- Làng tôi có phường rối nước truyền thống Thanh Hải, ông chú họ tôi là phường trưởng nên từ nhỏ tôi hay theo ông đi diễn đây đó quanh vùng. Sau, mỗi lần phường rối lên biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học VN, tôi vẫn thường ra đó phụ việc cùng mọi người. Bao nhiêu năm qua, tôi thấy phường vẫn diễn đi diễn lại một số hoạt cảnh. Tôi có hỏi ông chú nhiều lần là tại sao của diễn mãi những tích trò ấy; sao không kể những câu chuyện đang xảy ra trong đời sống ngay chính làng mình thôi; ông bảo là phường rối được rót kinh phí để bảo tồn nên đây là phương châm họat động chính. Thế nên, tôi mượn chú Tễu để kể chuyện hôm nay trong tranh của mình…

* Trong sắp đặt 1.000 chân dung người nông dân, nhìn đâu cũng thấy hình ảnh phụ nữ, mà phần nhiều là người lớn tuổi. Đó là chủ đích hay ngẫu nhiên?

- Từ 3 năm trước, khi tôi có ý tưởng làm tác phẩm Thở này, tôi luôn đem theo máy ảnh mỗi lần về quê. Tôi đi thăm thú họ hàng, đi chợ, chơi quanh làng thôi và hầu như gặp ai cũng chụp, chụp tự nhiên, không bày vẽ gì. Khi chọn các chân dung, tôi chỉ chọn những cái nào có thể giúp khoe được cái đẹp của đồ họa chứ không chủ đích phân biệt chân dung nam hay nữ, già hay trẻ… Nhưng đúng là sau, tôi mới nhận ra cái sự ngẫu nhiên mà bạn hỏi có nguyên do thực tế. Ở làng tôi, nam thanh niên đi làm mỏ than ở Quảng Ninh đông lắm, ngoài ra là các nhóm đi xây dựng nhà cửa, công trình ở nơi khác để kiếm sống. Còn các cô gái, phần nhiều đi làm công nhân may tối ngày rồi. Tôi về quê, đúng là chỉ toàn gặp ông bà già, các cô bác tầm tuổi trung niên…

Một tác phẩm tại triển lãm Kịch bản đương đại

* Khắc gỗ từ lâu nay vốn được quen nhìn là một thể loại tranh giàu tính trang trí, nhẹ nhàng, tình cảm. Anh có vẻ như không chịu được điều này?

- Tôi ấn tượng với cô giáo Mai Khanh (Khoa Đồ họa, ĐH Mỹ thuật VN) khi một lần cô nói với tôi thế này: “Em cứ phải ngang và ngang như… con cua”. Cô luôn khuyến khích tôi làm những thứ theo thiên ý của mình, chứ không theo thói quen chung… Tôi từng vẽ sơn dầu, bán “mớ” cho gallery, cũng sống được. Nhưng tôi luôn cảm thấy không sướng, không muốn làm.

* Sau loạt tranh với chú Tễu và các câu chuyện đổi đời, bán chác ruộng đất, anh có kế hoạch tiếp tục với nhân vật này như thế nào chưa?

- Tôi muốn kể tiếp câu chuyện khi người nông dân trở thành công nhân… Nhất là các cô gái, họ đi làm công nhân vì muốn có một đồng lương ổn định hằng tháng để lo gia đình, nhưng hình như họ chưa nhận thức rõ được một điều là họ đang chia lìa gia đình, con cái chỉ vì đồng tiền. Mặc dù ngày nào cũng về nhà, nhưng con chẳng mấy khi gần mẹ, chồng chẳng mấy khi gần vợ. Tôi đã chứng kiến một cảnh sau giờ tăng ca, công nhân nữ nằm chật trong một phòng khám ngay gần cổng xí nghiệp để truyền nước. Tôi thực sự bị ám ảnh.

Triển lãm là câu chuyện về "số phận của cánh đồng"

Phần thứ nhất của triển lãm giới thiệu chùm 10 bức tranh khắc gỗ, thể hiện hình ảnh chú Tễu dưới dạng một một thương lái, một doanh nhân hay một người nông dân với nụ cười vô ưu. Nhưng lồng ghép vào đó là những vấn đề mang tính thời cuộc. Chẳng hạn người nông dân ấy với nụ cười vô ưu của chú Tễu lại đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình - hình ảnh "cây đa bến nước sân đình" - ngay nơi chợ quê. Điểm nhấn của triển lãm là một sáng tác sắp đặt tiêu đề Thở. Trên 30m2 nền với một số chất liệu được xử lý tinh tế, đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi trên những hình chiếc xẻng.

Đây là một tác phẩm có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn hơn về số phận của cánh đồng - cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/12.

Phong Vân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm