Điểm lại 9 "đối thủ" của Vịnh Hạ Long trước giờ G

11/11/2011 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) – Đến 18h11’ ngày hôm nay (11/11/2011) cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới sẽ khép lại. Hãy cùng TT&VH Online “điểm mặt” 9 "đối thủ" của Vịnh Hạ Long trước giờ G.

9 "đối thủ" liệt kê dưới đây dựa trên danh sách 10 địa danh đang dẫn đầu trong số 28ứng cử viên lọt vào vòng chung kết 7 kỳ quan thế giới mới của New7Wonders. Danh sách này đã được người phụ trách truyền thông của New7Wonders, ông Eamonn Fitzgerald, công bố hôm 7/11.

1. Dead Sea (Biển Chết)


Biển Chết là một hồ nước mặn giữa Palestin và Israel về phía Tây và Gioócđani về phía Đông. Ở 420 mét dưới mực nước biển, bờ của nó là điểm thấp nhất trên đất liền của trái đất. Với 30% độ mặn, nó mặn hơn đại dương 8,6 lần.

2. The Grand Canyon (Hẻm Núi lớn)


Canyon (Hẻm núi Lớn) được tạo bởi sông Colorado trong khoảng thời gian hơn 6 triệu năm, dài 446 km, có những khoảng rộng từ 6 đến 29 km và nơi có độ sâu nhất đạt hơn 1,6 km. Thời tiền sử, khu vực này là nơi sinh sống của người Mỹ bản địa. Họ đã xây lên các khu định cư trong hẻm núi này và nhiều hang động của nó.

3. The Great Barrier Reef (Rặng đá Ngầm vĩ đại)


Great Barrier Reef là hệ thống rặng san hô lớn nhất hành tinh, với khoảng 3.000 rặng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo trải dài 2.600 km trên một diện tích khoảng 344.400 km2. Nó là cấu trúc độc lập lớn nhất được tạo bởi các sinh vật sống và có thể được nhìn thấy từ vũ trụ.

4. Jeita Grotto (Hang động Jeita)


Hang động Jeita là một tổ hợp các hang động kết tinh ở Liban, nằm cách thủ đô Beirut 20 km về phía Bắc trong thung lũng Nahr al-Kalb (Sông Dog). Hang động này được tạo bởi hai hang đá vôi, các hành lang phía trên và một hang phía dưới nơi một con sông dài 6.230m chảy qua. Về mặt địa chất, các hang động này cung cấp một đường hầm hoặc đường thoát cho dòng sông ngầm. Trong hang động và hành lang này, tác động của nước chảy trong đá vôi đã tạo nên các mái vòm như ở nhà thờ với đầy kích cỡ, màu sắc và hình dạng của nhũ đá, măng đá, rèm đá hùng vĩ, tuyệt đẹp. Tổng chiều dài của hang động là hơn 9.000 m và có một trong số những nhũ đá lớn nhất trên thế giới treo lơ lửng với kích thước 8,2m. Hang động này chứa một khoang lớn với khoảng cách từ trên trần đến mực nước cao 108m.

5. Jeju Island (Đảo Jeju)


Jeju là một hòn đảo núi lửa, cách bờ biển phía Nam Hàn Quốc 130 km. Hòn đảo lớn nhất xứ sở Kim Chi này đồng thời là tỉnh nhỏ nhất ở Hàn Quốc. Hòn đảo này có diện tích bề mặt 1.846km2. Một điểm nhấn ở trung tâm của đảo Jeju là Hallasan, ngọn núi cao nhất ở Hàn Quốc và là một núi lửa không hoạt động, ngọn núi nổi lên 1.950m trên mực nước biển. Có 360 núi lửa vệ tinh ở xung quanh núi lửa chính.

6. Puerto Princesa Underground River (Sông Ngầm Vườn quốc gia Puerto Princesa)



Các Sông ngầm Vườn quốc gia Puerto Princesa nằm khoảng 50km về phía Bắc của thành phố Puerto Princesa, Palawan thuộc Phillippines. Nơi đây nổi bật với cảnh quan núi đá vôi dài 8,2km hướng dưới sông ngầm. Điểm nổi bật khác biệt của dòng sông là những cơn gió thổi qua một hang động trước khi chảy trực tiếp vào biển Đông. Hang động có rất nhiều nhũ đá, măng đá, và một số động lớn. Phần dưới của sông chịu ảnh hưởng của thủy triều. Puerto Princesa được biết đến như sông ngầm dài nhất thế giới. Tại cửa hang, một đầm phá được bao bọc bởi cây cổ thụ vẫn đang mọc đến mép nước. Các loài khỉ, thằn lằn lớn và sóc tìm đều tìm đến bãi biển gần các hang để sinh sống.

7. Sundarbans (Đồng bằng Sundarbans)



Đồng bằng Sundarbans, tại cửa sông Hằng, là rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới, lan rộng khắp qua nhiều phần lãnh thổ của Bangladesh và Tây Bengal - Ấn Độ. Vùng Đồng bằng Sundarbans có mạng lưới các tuyến đường thủy chằng chịt, các vùng đầm lầy và các đảo nhỏ của rừng ngập mặn. Khu vực này có lượng động vật vô cùng phong phú, trong đó phải kể đến loài hổ Bengal Hoàng gia nổi tiếng nhất, bên cạnh đó còn có nhiều loài chim, nai đốm, cá sấu và rắn.

8. Vesuvius (Núi Vesuvius)


Núi Vesuvius là ngọn núi lửa phía Đông Naples của Italy. Đây là ngọn núi lửa duy nhất trên lục địa châu Âu đã từng phun trào 100 năm qua, mặc dù hiện tại nó không hoạt động. Vesuvius được biết đến với lần phun trào nổi tiếng vào năm 79 sau Công nguyên, đã dẫn đến sự hủy diệt của thành phố Pompeii và Herculaneum thời La Mã. Nó đã phun trào nhiều lần trước đây và ngày nay vẫn được coi là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới.

9. Komodo Island (Đảo Komodo)


Vườn quốc gia Komodo của Indonesia bao gồm 3 đảo lớn hơn là Komodo, Rinca và Padar, cũng như một số đảo nhỏ, với tổng diện tích 1.817 km2 (603 km2 mặt đất). Công viên quốc gia này được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ loài rồng Komodo. Sau đó, được chỉ định để bảo vệ thêm các loài khác, bao gồm cả động vật biển. Những hòn đảo của công viên quốc gia có nguồn gốc núi lửa.



Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Vịnh gồm hàng ngàn vùng đá vôi và các hòn đảo đa dạng về kích thước và hình dạng. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120 km và diện tích khoảng 1.553 km2 với 1969 hòn đảo nhỏ. Một số các đảo rỗng với các hang động lớn, các hòn đảo khác là nơi sinh sống của những làng nổi của ngư dân. Ở đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm khác nhau. Điểm đặc trưng nữa của Vịnh Hạ Long là sự phong phú của các hồ bên trong các hòn đảo đá vôi, ví dụ đảo Đầu Bê có đến 6 hồ nước.

P.V (Tổng hợp từ New7worlds)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm