Sẽ biên soạn Bộ Quốc sử Việt Nam

31/10/2011 11:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, trong buổi Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Hội KHLS VN) vừa diễn ra tại Hà Nội, GS-Viện sĩ Phan Huy Lê trong bài phát biểu của mình có nhắc đến việc thời gian tới, ngoài việc tập trung khuyến khích, cổ vũ hoạt động nghiên cứu sử học để có thêm nhiều công trình trí tuệ và cải thiện việc dạy và học môn lịch sử trong trường học, Hội sẽ tổng hợp thành tựu sử học trong nước, quốc tế để biên soạn bộ quốc sử, dự kiến 25 tập.

Ngay sau buổi lễ kỷ niệm, TT&VH đã ghi lại những ý kiến của GS Lê xung quanh đề tài biển Đông và việc biên soạn bộ sử mang tầm quốc gia này.

Hướng ra biển để phát triển đất nước

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) tặng hoa GS-Viện sĩ Phan Huy Lê trong Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Hội KHLS VN

Nước ta có một bờ biển dài 3.200 cây số và tài nguyên biển rất to lớn. Cho nên, hướng phát triển của đất nước là phải hướng ra biển. Trong lịch sử Việt Nam, trên lãnh thổ của đất nước này, cũng đã có những thời kỳ chúng ta phát triển kinh tế biển rất thành công. Chẳng hạn như Vương quốc Phù Nam vào khoảng 6 thế kỷ đầu Công nguyên đã phát triển vùng kinh tế biển nổi tiếng của cả vùng Đông Nam Á. Vì vậy, hiện nay phát triển kinh tế hướng biển đã trở thành chủ trương của Đảng và Nhà nước. Và khi nói tới biển Đông, chúng tôi bao giờ cũng nghĩ tới ba phương diện của nó: Biển là một trong những môi trường thiên nhiên tuyệt vời với biết bao nhiêu hải đảo, thiên nhiên, hang động đá vôi hết sức hùng tráng. Đó là những di sản thiên nhiên có thể nói là hào phóng đã được trao cho dân tộc ta; Thứ hai là hướng phát triển về biển, tức là khai thác biển. Muốn khai thác biển tốt, hiệu quả, chúng ta phải nghiên cứu toàn diện về biển để hiểu được biển, để trên cơ sở đó khai thác tài nguyên biển, phát triển được nền kinh tế hướng biển. Và thứ ba là chúng ta phải bảo vệ các hải động thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.

Đất liền là quan trọng, nhưng biển không kém phần quan trọng trên cả ba phương diện như vậy!

Về nguyên tắc, lịch sử là một cái gì đó xảy ra hết sức khách quan và không bao giờ lặp lại. Vấn đề là chúng ta nhận thức lịch sử đó như thế nào thì đấy là chức năng của nền sử học với giới sử học Việt Nam. Nhận thức lịch sử không bao giờ đi đến chân lý tuyệt đối mà nó chỉ có thể càng ngày càng tiếp cận cái chân lý, càng ngày càng sát hơn với sự thật khách quan hơn mà thôi. Nhận thức về lịch sử Việt Nam cũng đã trải qua những chặng đường như vậy. Trước đây ông cha ta khi nói về lịch sử chỉ nặng về lịch sử vương triều. Sau này chúng ta tiến một bước rất dài trên quan điểm duy vật lịch sử nhưng cũng một thời kỳ rất dài chỉ gắn liền với lịch sử gốc gác của văn minh người Việt cổ, tức là văn hóa Đông Sơn với quốc gia đầu tiên là Văn Lang - Âu Lạc mà ta hay gọi là thời kỳ dựng nước, mở nước thì đó đúng là cái gốc của lịch sử và cũng là cái nôi của văn hóa Việt Nam.

Nguyên lý cơ bản mà bất cứ quốc gia nào cũng tuân thủ là lãnh thổ quốc gia phải xuất phát từ lãnh thổ hiện đại đến ngược với quá khứ. Tất cả những gì đã diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay kể cả trên đất liền và hải đảo đều thuộc về chủ quyền của chúng ta, đều là các bộ phận hợp thành của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Quốc sử cũng cần có độ lùi

Hiện nay chúng ta có nhiều bộ sử lắm rồi. Không kể những bộ sử của các thế hệ sử gia trước đấy như của GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu... Rồi hiện nay chúng ta cũng lưu hành nhiều bộ sử như của Trường ĐHQG HN, của khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV, bộ sử của Trường ĐHSP, bộ sử của Hội đồng KHXH TP.HCM, bộ sử của Viện Sử học.

Nhưng tất cả những bộ sử đó đều là của từng cơ quan, của từng nhóm tác giả. Nên khi tôi nói đến bộ quốc sử là tôi muốn dùng một từ cổ, nhưng thực tế muốn nói đến bộ sử mang tầm quốc gia. Bộ sử đó phải phản ánh được toàn bộ các kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam ở trong nước và tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu trên thế giới. Nó phải đạt được tính hiện đại, tính cập nhật cao nhất. Nó cũng không phải do các nhóm tác giả hay từng cơ quan riêng lẻ biên soạn mà nó phải tập hợp bằng được trí tuệ của giới sử học cả nước. Tức là nó phải vượt qua tất cả các ranh giới hạn hẹp của từng cơ quan mà phải tập hợp cho bằng được những chuyên gia hàng đầu về sử học trong cả nước để cùng tham gia biên soạn bộ quốc sử này...

Vấn đề khó khăn đặt ra khi thực hiện biên  soạn bộ Quốc sử, theo tôi là chúng ta sẽ tổ chức biên soạn như thế nào. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khó khăn này có thể vượt qua vì ta đã có ý tưởng đúng, quyết tâm cao, tổ chức chặt chẽ nên chắc chắn sẽ thành công. Sự nghiên cứu lịch sử trong nước cũng như sự trưởng thành của giới sử học đã đủ sức và đủ khả năng chín muồi để hoàn thành bộ sử mang tầm quốc gia này...

Bộ quốc sử này lẽ dĩ nhiên phải là toàn bộ lịch sử Việt Nam, kể từ khi con người xuất hiện trên lãnh thổ của Việt Nam ta hiện nay, tức là ngược về thời nguyên thủy, tiền sử rồi qua tất cả các chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước, xuyên suốt qua các vương triều, qua các thời kỳ lịch sử cho đến thời kỳ hiện đại. Còn thời kỳ hiện đại dừng ở đâu, dĩ nhiên, ban biên soạn chúng tôi sẽ tính. Nhưng theo tôi thì cập nhật chừng nào càng hay chừng đó, tất nhiên không thể đến ngay ngày hôm nay được mà phải có một độ lùi nhất định nhưng độ lùi đó sẽ không dài quá.

(Các tít chính và tít phụ do TT&VH đặt)

Huy Thông (ghi)

Không biên soạn quốc sử là một thiếu sót

“Ai cũng nhận thấy rằng cho đến hôm nay, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trên 60 năm, một thời đại mới đã mở ra mà chưa có một bộ sử quốc gia thì đó là một thiếu sót. Trước đấy các vương triều đều có các bộ quốc sử. Chẳng hạn như thời Tây Sơn chỉ có mấy chục năm nhưng cũng đã biên soạn một bộ quốc sử mà phần đầu là Đại Việt sử ký tiền biên đã xuất bản rồi. Phần thứ hai rất tiếc nhà Tây Sơn đổ nên không kế tục được. Còn nhà Nguyễn thì để lại cho chúng ta hai bộ sử hết sức đồ sộ đó là bộ quốc sử Việt sử Thông giám cương mục và cả bộ sử chính thống của vương triều là Đại Nam thực lục. Vậy mà thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã qua rồi, bây giờ bước vào thời kỳ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà chưa có một bộ sử quốc gia thì tôi cho đó là một thiếu sót, một sự chậm trễ của chúng ta.”

GS-Viện sĩ Phan Huy Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm