Van Gogh không tự vẫn

17/10/2011 14:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhiều sử gia nghệ thuật cho rằng danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890) chết vì tự vẫn, nhưng cuốn sách mới Van Gogh: The Life Art của 2 tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith, lại tuyên bố danh họa chết vì một tai nạn súng.

Cuốn sách Van Gogh: The Life Art, dày 976 trang, được phát hành ở Anh vào ngày hôm nay (17/10). Đây là kết quả cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm của Steven Naifeh và Gregory White Smith. 2 tác giả này từng giành giải Pulitzer năm 1991 với cuốn tiểu sử về nghệ sĩ Mỹ Jackson Pollock mang tựa đề Jackson Pollock: An American Saga. Họ cũng là đồng tác giả của các cuốn Final Justice - viết về vụ xét xử một ông trùm ở Texas về tội giết người trong những năm 1970 và The Mormon Murders, cuốn sách điều tra về vụ nổ đường ống gây tai họa lớn ở Salt Lake City hồi năm 1985.

Van Gogh, họa sĩ thuộc trường phái hậu ấn tượng, qua đời năm 1890 ở tuổi 37. Cả đời mình ông luôn sống trong tâm trạng lo âu và mắc chứng bệnh thần kinh. Ông từng có thời gian phải vào viện tâm thần.

Người ta vẫn tin rằng Van Gogh đã tự bắn vào ngực bằng một khẩu súng lục vào sáng ngày 27/7 và ông qua đời 2 ngày sau đó. Nhiều người cho rằng Van Gogh đã tự sát ở một cánh đồng lúa mì thuộc Auverssur- Oise, ngoại ô Paris (Pháp), nhưng một số người khác lại cho rằng ông làm việc đó trong một ngôi nhà tồi tàn.

Thế nhưng, 2 tác giả Mỹ lại đưa ra chứng cứ mới, rằng ông bị đạn khi em trai của một người bạn ông loay hoay nghịch khẩu súng lục bị trục trặc.

2 tác giả cho rằng Van Gogh không thể tự vẫn bằng súng vì ông không có súng và còn nêu những nghi ngờ về đường đạn đã gây nên vết thương của ông. “Không có chứng cứ pháp y nào công bố Van Gogh đã tự bắn vào ngực. Không tìm thấy khẩu súng nào. Van Gogh không biết gì về súng. Ông cũng không để lại thư tuyệt mệnh và viên đạn xuyên qua phía trên bụng ông bay từ một góc chéo chứ không phải từ đường thẳng vẫn thường thấy trong các vụ tự vẫn”.

Các tác giả đưa ra giả thuyết, rất có thể Van Gogh bị cậu em trai vị thành niên của một người bạn bắn. Cậu bé này mang theo súng và “hay trêu chọc Van Gogh để ông phát khùng ”.

Giải thích lý do tại sao Van Gogh lại không buộc tội cậu bé trước khi ông qua đời, mà lại thú nhận một cách do dự và miễn cưỡng là mình định tự vẫn, 2 tác giả cho rằng ông đã đón nhận cái chết và thấy chẳng có lý do gì để trừng trị bất cứ ai đã mang cái chết đến cho mình.

The Andrew Nurnberg Literary Agency, hãng đại diện cho cuốn sách Van Gogh: The Life ở châu Âu, cho biết trong quá trình nghiên cứu 2 tác giả cuốn sách đã được đọc hàng ngàn bức thư của gia đình Van Gogh, hợp tác với Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) và hơn 20 nhà nghiên cứu, dịch giả.

Van Gogh chết trong cảnh nghèo túng và chỉ mới có một chút danh tiếng trong giới nghệ thuật châu Âu. Tuy vậy, các sáng tác của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sĩ sau này, đặc biệt là các họa sĩ thuộc trường phái Dã thú (Fauvism) như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phải Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brucke. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh.

Năm 2004, trong danh sách Những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử do đài KRO tiến hành bình chọn, Vincent Van Gogh xếp thứ 10 và là nghệ sĩ có thứ hạng cao thứ 2 trong danh sách (sau danh họa Rembrandt, xếp thứ 9).

Sau khi mất, tranh của Van Gogh được nhiều bảo tàng nghệ thuật và nhà sưu tầm tư nhân “săn lùng”. Trong thập niên 1980 và 1990, họa phẩm của Van Gogh liên tục phá kỷ lục thế giới về giá bán.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm