Phùng Quán - Bức chân dung tự vẽ

28/09/2011 13:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhân dịp nhà thơ Phùng Quán được đặt tên cho một con đường tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nỗi nhớ anh lại trào dâng trong tôi.

Phùng Quán - ký họa sổ tay, bút sắt
của Đỗ Đức, tháng 3/1993

Có lẽ đi nhẹ nói khẽ trong các nhà văn, nhà thơ tôi có dịp gặp gỡ thì anh Quán giữ vị trí quán quân. Anh đến lặng lẽ, đi lặng lẽ, uống rượu thì còn lặng lẽ hơn. Tôi chỉ thấy anh sôi nổi khi đọc thơ. Đêm Nghi Tàm, đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe, Vịnh cây xương rồng, Vịnh cây mận... là những bài thơ viết đêm thì sáng hôm sau anh đến 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm khoe ngay. Cũng chẳng hẳn anh khoe với chúng tôi, mà vì phòng tôi có một “hồng nhan tri kỷ” với anh, người biên tập ấy mê thơ anh và mê giọng đọc của anh...

Hầu như hơn mười mấy năm chơi với nhau tôi thấy duy nhất có một lần anh Quán nổi giận. Anh nổi giận khi bình bốn câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài ca dao rất đẹp về hoa sen. Nhưng không hiểu sao, tôi nhớ lúc ấy cơn giận bốc ngùn ngụt, mắt anh quắc lên. Anh bảo: Tất cả tráo trở ở chữ “gần”. Sen chỉ “gần” chứ không kết tinh từ bùn thối. Khi thành đạt nó khước từ nguồn gốc, nó là bọn tráo trở với giống nòi sinh ra nó - anh gằn giọng - “Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền/ Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen/ Nhưng tôi không thể nào tin được/ Câu ca này gốc gác tự nhân dân?/ Bởi câu ca sặc mùi phản trắc/ Của những phường bội nghĩa vong ân!”. Ngừng một lát anh đọc tiếp, gằn từng chữ, phẫn uất: “Vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan giấu che từ bỏ/ Nói xa gần chúng mượn chuyện, sen/ Chính là sen mọc lên từ trong đó/ Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh... /Tất cả, tất cả, tất cả...! Là do bùn hôi nuôi dưỡng/ Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng/ Xương thịt của bùn/ Cũng là tanh! Như nhân dân/ Gian truân, thầm lặng, vô danh/ Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ”.

Anh gục đầu xuống bàn, hai vai rung lên: Nhân danh bùn, nhân danh sen, tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!

Đến hôm nay, sau mấy chục năm anh đi xa tôi vẫn không quên hình ảnh anh đọc thơ hôm đó! Đó là cách anh bày tỏ thái độ của mình, đến mức quyết liệt và gay gắt về một bài ca dao. Chúng ta có thể đồng tình hoặc không đồng tình với “cách hiểu” của anh, nhưng rõ ràng anh cũng chỉ mượn câu ca dao đó để gửi gắm quan điểm nhân sinh, lẽ yêu, ghét của mình.

Viết đến đây tôi lại nhớ lần anh ở Huế ra. Hôm ấy anh đến sớm, phòng mới chỉ có mình tôi . Anh bảo: “Đức ơi, kiếm cho anh cái bát”. “Để làm gì anh?” - tôi băn khoăn. “Cứ kiếm ra cho mình” - anh nói.

Tôi xuống nhà lấy lên chiếc bát ăn cơm. Anh run run đón cái bát đặt xuống góc nhà, rồi gỡ tay nải đeo trên vai moi ra một vốc mẩu gỗ vụn. Anh lặng lẽ xòe diêm, châm rồi lẩm bẩm đọc: “Mới nhìn tưởng gỗ mục/ đốt lên mới biết là trầm”...

Một mùi hương thơm nhè nhẹ bốc lên, phút sau tràn ngập căn phòng.

Bao nhiêu năm sau tôi vẫn nhớ giọng anh hôm ấy, hiền từ và nhẹ nhàng như lời tự sự.

Hai câu thơ ấy của anh không có trong tuyển tập, cũng chưa từng viết ra trên giấy. Cũng chẳng ai biết. Anh chỉ đọc trong lúc xuất thần khi đốt trầm trong phòng với tôi. Chắc chính anh cũng không nhớ.

Anh Quán ơi, đó là bức chân dung đẹp nhất và cũng chân thực nhất mà anh tự vẽ cho mình, anh có biết không?

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm