Toàn cảnh văn hóa thế giới: Khi tiền thành nghệ thuật

25/09/2011 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Một loạt giải thưởng vừa mới được trao, cho gương mặt đã rất nổi tiếng và cả những người ít được biết tới. Kỷ lục cũng đã được thiết lập trong làng nhạc. Và có cả một triển lãm đáng chú ý, với thông điệp: Khi những tờ tiền trở thành một tác phẩm nghệ thuật liệu có trở thành những thứ không còn ý nghĩa vật chất trong xã hội hiện đại, khi mỗi cá nhân không còn coi đó là một vật trao đổi chung?

Sau những giải thưởng danh giá như Oscar, Quả cầu vàng, Bafta, mới đây nữ diễn viên Kate Winslet đã bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng của mình thêm giải thưởng Emmy, giải thưởng truyền hình danh giá nhất của Mỹ.  Tối 18/9 tại Nhà hát Nokia, Los Angeles (Mỹ), Kate Winslet đã tỏa sáng với danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc trong phim truyền hình ngắn tập Mildred Pierce. Đây là lần đầu tiên Kate Winslet được vinh danh tại giải “Oscar của truyền hình Mỹ”. Emmy Awards là giải thưởng danh giá nhất dành cho các nghệ sĩ, tác phẩm thuộc lĩnh vực truyền hình. Giải tổ chức thường niên và do Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ trao tặng.

Nữ diễn viên Kate Winslet nhận giải thưởng Emmy,
giải thưởng truyền hình danh giá nhất của Mỹ

Hôm 18/9, tại LHP Toronto lần thứ 36 (Canada) bộ phim Where Do We Go Now? của đạo diễn người Canada gốc Lebanon, Nadine Labaki đã giành giải thưởng quan trọng nhất, giải Khán giả bình chọn. Ngay từ đầu, Where Do We Go Now? không được “để mắt” đến nhiều nhưng cuối cùng nó đã về đích khi nhận được sự bình chọn nhiều nhất của khán giả. Bộ phim kể về câu chuyện ở một làng nhỏ tại Lebanon, nơi luôn có sự xung đột giữa đạo Hồi và Cơ đốc giáo. Nơi đó, những cuộc chiến về tôn giáo luôn âm ỉ và những phụ nữ trong làng phải tìm mọi cách để ngăn chồng họ tham gia. Nữ đạo diễn Nadine Labaki, người đảm nhiệm vai chính trong phim, đồng thời là tác giả cho biết, chị đã viết kịch bản này ở thủ đô Beirut vào năm 2007 khi cuộc chiến tranh vũ trang bắt đầu nổ ra tại đây. Với giải thưởng quan trọng này, một lần nữa đã giúp cho nữ đạo diễn Nadine Labaki tự tin hơn khi phim cũng được chọn làm đại diện của Lebanon tranh giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2012 sắp tới.

Đạo diễn người Canada gốc Lebanon, Nadine Labaki

Cũng liên quan tới Oscar, mới đây, bất chấp sự phản đối từ Tehran (Iran), bộ phim Nader And Simin, A Separation, đã được chọn để đại diện cho điện ảnh Iran tham gia giải Oscar năm 2012. Bộ phim này đã từng mang về cho điện ảnh Iran giải Gấu vàng danh giá tại LHP quốc tế Berlin hồi tháng 2 vừa qua. Được công chiếu tại Pháp hồi tháng 6/2011, bộ phim đã gây được tiếng vang sau khi thu hút hơn 900.000 người và vẫn còn đang công chiếu tại hơn 100 rạp trên toàn nước Pháp. Theo AFP, hãng phim Sony cũng sẽ công chiếu bộ phim này trên toàn nước Mỹ vào ngày 30/12 tới để dọn đường tìm đề cử thêm hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản phim hay nhất.

Vẫn tiếp tục không khí điện ảnh, tuần vừa qua, sự trở lại của bộ phim Vua sư tử phiên bản 3D của Walt Disney đã thành công rực rỡ khi thu về 29,3 triệu USD, giành ngôi quán quân bảng xếp hạng Bắc Mỹ. Trong tuần qua có nhiều tác phẩm mới được ra rạp, nhưng cái tên hút khách nhất lại là một bộ phim hoạt hình cũ - Vua sư tử (The Lion King) - của Walt Disney. Bộ phim này là một trong những tác phẩm nằm trong dự án 3D hóa các phim hoạt hình ăn khách của Disney. Theo nhà sản xuất Don Hahn, nội dung câu chuyện trong phiên bản 3D vẫn giữ nguyên như phiên bản gốc năm 1994.

Lady Gaga, Justin Bieber, Rihanna và nhiều ngôi sao nhạc pop được yêu thích khác mới đây đã trở thành chủ nhân của những kỷ lục được công nhận trên toàn thế giới. Theo MTV, Lady Gaga là người sở hữu kỷ lục Tài khoản Twitter được “follow” nhiều nhất. Tại thời điểm ghi danh, cô đã có khoảng 11 triệu người “theo đuổi” và hiện giờ con số đó đã vượt ngưỡng 13 triệu người. Trong khi đó, Justin Bieber vinh dự có được kỷ lục Video nổi tiếng nhất trên mạng cho ca khúc Baby với hơn 623 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại. Thực ra, từ tháng 7/2010, Baby đã trở thành video có lượng lượt xem nhiều nhất trong lịch sử YouTube, vượt qua đàn chị Lady Gaga và ca khúc đình đám Bad Romance. Rihanna cũng xác lập kỷ lục riêng của mình khi cô là Nữ nghệ sĩ đầu tiên có các ca khúc đứng đầu các bảng xếp hạng tại Anh trong 5 năm liên tiếp. Đồng thời cô cũng có thêm kỷ lục là Nữ nghệ sĩ có nhiều ca khúc quán quân nhất trong 1 năm với Love The Way You Lie, Rude Boy, What’s My NameOnly Girl (In The World).

Lady Gaga, Justin Bieber, Rihanna (từ trái sang)

Tuần qua cũng chứng kiến nhiều sự trở lại của các cựu binh trong làng nhạc Anh, Mỹ. Những rocker nữ và ban nhạc với nữ ca sĩ chính từng “làm mưa làm gió” ngành công nghiệp âm nhạc trong thập niên 80 của thế kỷ 20, giờ đây lại đồng loạt trở lại và giành được những thành công lớn bất ngờ. Blondie (với nữ ca sĩ chính Debbie Harry) vừa công bố kế hoạch lưu diễn vòng quanh nước Mỹ sau khi phát hành album mới vào ngày 13/9 vừa qua. Ban nhạc nữ 3 thành viên, The Bangles sẽ tái ngộ người hâm mộ với một album vào ngày 27/9 và một tour diễn bắt đầu chưa đầy một tuần sau đó. Theo Gilian G.Gaar, tác giả của cuốn sách đầu tiên viết về các nàng rocker She’s A Rebel, mặc dù thời nào cũng xuất hiện các gương mặt nữ hát thể loại rock, nhưng chính những nữ nghệ sĩ của thập niên 1980 đã đấu tranh, vượt qua những định kiến giới tính vốn vẫn tồn tại trong âm nhạc và đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường mà các đàn em đang đi theo ngày nay. Cùng lúc đó, MTV cũng dang rộng vòng tay đón sự trở lại của các cựu binh. “Đó là khoảng thời gian MTV mới ra đời và họ không có các chương trình truyền hình thực tế và chỉ trình chiếu video ca nhạc. Cùng với việc không có nhiều ban nhạc làm video clip lúc đó, MTV chấp nhận mọi thứ - bao gồm cả video của các nghệ sĩ nữ. Trong vòng 3 năm, nhờ có MTV, rất nhiều ban nhạc đã có cơ hội tiếp cận với công chúng của mình”, đại diện MTV cho biết.

Ban nhạc nữ 3 thành viên, The Bangles

Tác phẩm mới đây của Hans-Peter Feldmann, nghệ thuật sắp đặt với 100.000 tờ 1 USD, đang khiến nhiều người phải tự đặt ra những câu hỏi về giá trị thực sự của những tác phẩm nghệ thuật và giá trị tinh thần của những thứ đại diện cho vật chất. Hans-Peter Feldmann đã bỏ ra hơn 40 năm nghiên cứu sâu về sự ảnh hưởng của môi trường thị giác đối với sự thực chủ quan của con người. Các tác phẩm của ông kết hợp hình ảnh và vật thể thành những loạt tác phẩm, những kết hợp kỳ lạ và làm sáng tỏ những ngữ cảnh mới, hé lộ những sự kết hợp và tình cảm tiềm ẩn trong bối cảnh cuộc sống hàng ngày. Sau khi đoạt giải thưởng Hugo Boss 2010, ghi nhận những thành tựu của mình trong nghệ thuật đương đại, ông được nhận 100.000 USD. Feldmann đã mang hết số tiền này đổi ra các tờ tiền 1 USD và gắn lên tường Khu triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế Guggen-heim ở Manhattan, New York (Mỹ) trong khuôn khổ triển lãm cá nhân mới nhất. Những tờ tiền, khi trở thành một tác phẩm nghệ thuật liệu có trở thành những thứ không còn ý nghĩa vật chất trong xã hội hiện đại, khi mỗi cá nhân không còn coi đó là một vật trao đổi chung? Feldmann đã gợi ra câu hỏi về giá trị mơ hồ của một tác phẩm nghệ thuật, cũng như giá trị thực sự của một khoản tiền không nhỏ. Sâu xa hơn nữa, điều lớn nhất mà tác giả muốn mang đến cho người xem thông qua tác phẩm sắp đặt này chính là những cảm giác phức tạp mà chỉ khi đứng trước sự lặp lại của hàng trăm nghìn chi tiết, người ta mới cảm nhận hết. Tác phẩm đang được trưng bày đến hết ngày 2/11/2011 tại triển lãm Guggenheim.

Tác phẩm của Hans-Peter Feldmann

Bàn phím

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm