"Lê Cát Trọng Lý - Vui": Khán giả “chênh vênh” theo điệu nhạc

14/09/2011 11:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đêm 12/9 tại Nhạc viện TP.HCM, đêm mở màn cho tour diễn của Lê Cát Trọng Lý gồm khoảng 20 ca khúc, trong đó chỉ có 2 sáng tác của Thanh Tùng và Sa Huỳnh, có thể nói đây là đêm nhạc của một tác giả tự trình diễn những ca khúc của mình. Lê Cát Trọng Lý đã giới thiệu đến công chúng một chân dung nhạc sĩ trẻ khá hấp dẫn.

Nổi lên từ sân chơi Bài hát Việt 2008 với ca khúc Chênh vênh, thời điểm đó, một số ý kiến cho rằng giải Bài hát của năm của Bài hát Việt cũng chênh vênh như tên của ca khúc đoạt giải. Nhưng chính những cảm xúc như “Chênh vênh” này đã làm thành một vệt ca khúc cho thấy một cá tính âm nhạc khá hiếm hoi trong thị trường âm nhạc hiện nay.

Hấp dẫn khán giả bằng âm nhạc

Những ca khúc của Lý đa số như những lời tự sự, nhẹ nhàng, sâu lắng và rất... con gái.

Đến với đêm nhạc của Lý, chỉ có một số khán giả nhất định. Khán giả của Lý không đông đúc, ồn ào như khán giả của các ca sĩ “hot” trên thị trường âm nhạc hiện nay, nhưng đó là những người thật sự muốn nghe nhạc và yêu thích những ca khúc của Lý.

Ảnh: Việt Cường

Đêm diễn không cháy vé, nhưng khán phòng cũng khá đông người và điều rất đặc biệt là hầu như không có ai ra về trước khi kết thúc chương trình.

Một đêm diễn giữa thành phố được xem là nơi sôi động bậc nhất của showbiz hiện nay, nhưng sân khấu đơn giản, không dùng nhiều kỹ xão, không múa minh họa, ca sĩ với trang phục giản dị, điều khiến mọi người đến với show diễn này là âm nhạc.

Ban nhạc acoustic của Lý gồm các nhạc cụ: guitar, bass, violin, viola, piano, melodion và bộ gõ. Bộ gõ cũng chơi rất đặc biệt, không đánh theo các tiết tấu như thông thường mà chủ yếu là chơi theo bản phối. Các bản phối khúc chiết, hiệu quả, đặc biệt việc thể hiện những cường độ sắc thái và sử dụng nhạc cụ tạo được nhiều điểm nhấn, nhiều sự tương phản về cảm xúc âm nhạc làm cho người nghe cảm thấy thú vị.

Thật ra, từng nhạc công (ngoại trừ anh Tiến Chỉnh chơi bass) chưa thật sự đạt đến trình độ tuyệt hảo và có tên tuổi trên thị trường hiện nay, nhưng đó là một tập thể ăn ý, chơi đơn giản nhưng hiệu quả.

Đêm nay 14/9/2011, đêm diễn thứ hai của Lê Cát Trọng Lý cũng sẽ diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM. Theo kế hoạch, chương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Quang Trung, TP Quy Nhơn (20h ngày 17/9) và Nhà hát Trưng Vương TP Đà Nẵng (20h ngày 24/9).

Ngay cả ngón đàn guitar của Lý cũng còn có lúc “ngập ngừng”, phần biểu diễn của Lý có vài chệch choạt trong vài tiết mục đầu tiên, nhưng khi Lý và ban nhạc hòa cùng những giai điệu của Lý, nó như tạo nên một sự hấp dẫn lạ kỳ thu hút người nghe. Ngoài ra, tình cảm chân thành của các nhạc công cũng là một điều đáng nói. Điển hình như trong một ca khúc với phần phối dàn nhạc mang chút phong cách bluesjazz, những đoạn solo của violin và bộ gõ, ngón đàn, tiếng trống của nhạc công tuy chưa thật “siêu đẳng” nhưng đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt, bởi có lẽ họ đã truyền được đam mê âm nhạc của mình đến với người nghe.

Khán giả yêu chất “quê quê” của Lý

Chương trình không có MC, Lê Cát Trọng Lý tự giới thiệu, trò chuyện với khán giả. Lý với cách nói, giọng nói có phần “quê quê” nhưng đó là con người thật của Lý, tự nhiên, chân thật, không màu mè, nó cũng đơn giản, mộc mạc như giai điệu trong các ca khúc của cô. Nhưng nghe Lý nói, mọi người vẫn cười thoải mái và nhiều lần vỗ tay tán thưởng, có lẽ khán giả yêu ca khúc của Lý và yêu luôn tác giả của những ca khúc đó.

Tuy là nhạc sĩ - ca sĩ còn khá trẻ, nhưng không ít lần giai điệu ca khúc vừa vang lên, khán giả đã vỗ tay. Ca khúc Chênh vênh có lẽ là được vỗ tay nhiều nhất, trong lúc piano chơi khúc nhạc dạo đầu, mọi người có lẽ vẫn chưa biết là bài hát gì. Nhưng khi Lý bắt đầu với: Thương em anh trèo non cao. Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc... tất cả vỡ òa trong sự chờ đợi và vỗ tay không ngớt - Chênh vênh, ca khúc bước đầu làm nên “thương hiệu” của Lý trên thị trường âm nhạc, cũng là ca khúc kết thúc đêm nhạc Lê Cát Trọng Lý - Vui tại Nhạc viện TP.HCM.

Một live show âm nhạc đúng nghĩa, ca sĩ, nhạc công biểu diễn “live” hết mình, mọi người đến để nghe nhạc, không “ồn ào”, không có fan club hò hét, không vũ đoàn, không hoành tráng về sân khấu... bán vé và giữ chân khán giả trong một đêm nhạc như thế cũng là một thành công hiếm hoi trong thị trường âm nhạc hiện nay.

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm