Trương Quế Chi: Tôi thèm được yên thân...

10/09/2011 14:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đi đến nơi mà ta muốn quên đi là tên triển lãm sắp đặt video của Trương Quế Chi (sinh năm 1987) - người được không ít tờ báo giới thiệu là một “tài năng thơ 8X” bởi những thành công về văn chương mà chị đã đạt được bắt đầu từ tuổi 13. Triển lãm sẽ khai mạc vào 16h chiều nay, tại viện Goethe, Hà Nội.

Lẽ ra vào lúc này, Trương Quế Chi đang có mặt tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 với tư cách một đại biểu thuộc Hội Nhà văn Hà Nội, thế nhưng Chi lại từ chối tham gia, để tập trung vào công việc liên quan đến những gì chị đã học sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện ảnh, Đại học Lyon 2, Pháp.


Trương Quế Chi

Không đại diện cho bất cứ tác giả 8X nào

* Đi đến nơi mà ta muốn quên đi có phải là “tự sự” tiếp theo của chị, sau bộ phim ngắn Les cheveux qui poussent à l’envers (Những sợi tóc mọc ngược vào trong), thực hiện năm 2010?

- Tác phẩm xây dựng một không gian riêng cho những kí ức cần quên lãng của các nhân vật không căn cước, gần giống một hộp đen của tâm hồn. Đi đến nơi mà ta muốn quên đi được tạo nên từ suy tư về tính tương tác, tính sân khấu, tính lễ nghi, tính phản tư, tính tái sinh cho một tác phẩm sắp đặt.

Lần này, tôi không kể chuyện của mình, tôi kể chuyện của những người khác. Đi đến nơi mà ta muốn quên đi là tập hợp của những kí ức cần quên lãng được chia sẻ bởi người cựu chiến binh, bởi nghệ sĩ, bởi học sinh trung học, bởi người dân lao động, bởi bất cứ ai không ngoại lệ. Từ kí ức cá nhân tới kí ức tập thể. Từ ám ảnh cá nhân tới ám ảnh số đông.

* Dù vậy, xem/nghe/đọc những tác phẩm trước đây của chị, tôi vẫn luôn thấy hình ảnh cá nhân đậm nét trong ấy. Đó có phải bởi vì chị quá yêu bản thân, đắm đuối trong việc giãi bày nội tâm cá nhân, hay đó là xu hướng chung của các thế hệ tác giả sinh vào những năm 1980?

- Trước đây, tôi luôn có nhu cầu nối kết với thế giới bên ngoài, khát khao thế giới hiểu mình nên luôn coi việc sáng tạo mang sứ mệnh gắn kết ấy. Tất nhiên, bây giờ nhu cầu ấy vẫn còn nhưng nó không thực sự bức thiết, tôi hay thèm được yên thân...

Tôi không thể đại diện cho bất cứ tác giả nào thuộc thế hệ 8X nên chẳng thể nhận diện điều gì về tính xu hướng. Khi đối thoại qua trang sách, qua tác phẩm, thoạt đầu tôi tưởng chúng tôi có những trăn trở giống nhau nhưng sau rồi tôi nhận ra rất nhiều khác biệt... Tôi quan niệm tác phẩm của một tác giả trẻ thường luôn thú vị nhưng tác phẩm của một tác giả trưởng thành thì sẽ hay, bạn cần kiên nhẫn để biết được ai thực hay, ai thực dở.

Cảm giác mình thật sự bé nhỏ

* 13 tuổi xuất bản một tập truyện thiếu nhi dịch từ tiếng Pháp, 14 tuổi, đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 30, đồng thời dịch rất nhiều truyện thiếu nhi để in thành sách, 16 tuổi bước chân vào lĩnh vực sáng tác thơ và mau chóng được biết đến trên văn đàn. Con đường vào văn chương của chị dường như trải toàn hoa hồng?

- Sự ưu ái và may mắn nhất định hiện diện nhưng nó không thể là tất cả. Tôi luôn biết mình đứng ở đâu. Tôi không giỏi tiếng Pháp hơn nhiều bạn học lớp tôi vào thời điểm đó, càng không thể giỏi hơn những bạn thiếu nhi giỏi tiếng Anh như tiếng Việt ở thời điểm hiện nay. UPU là một cuộc thi viết thư rất thú vị dành cho thiếu niên nhưng không hoàn toàn mang tính dự báo về tố chất sáng tác. Còn về lĩnh vực thơ ca, gần đây tôi có đọc được một bài thơ làm chơi bằng tiếng Anh của một học sinh 14 tuổi, rất thông minh, trào phúng tưng tửng, lạnh lùng và thoát khỏi tính “sến” - điều mà tôi luôn ao ước có được khi viết. Không thể không có cảm giác mình thực sự rất bé nhỏ...

* Cách đây 4 năm, khi chị tham gia trình diễn thơ do Hội đồng Anh tổ chức, cùng nhà thơ Francesca Beard của Anh và Vi Thùy Linh, phần trình diễn của chị đã nhận được nhiều phản hồi trái ngược, khi ấy chị nghĩ gì về con đường thể nghiệm của mình?

- Tôi chưa bao giờ trăn trở về chuyện thể nghiệm, cũng chưa bao giờ nghĩ đó là chuyện gì ghê gớm. Tôi chỉ làm những gì tự nhiên ruột thịt nhất từ bản năng của mình. Thời điểm ấy, cũng có một vài đánh giá chất lượng giúp tôi nhìn nhận những gì mình làm tốt hơn. Với tôi, vấn đề không phải ở việc thể nghiệm mà ở chất lượng của tác phầm.

* Chị có thấy mình tham lam không, khi dấn thân vào nhiều thể loại nghệ thuật?

- Không phải lúc nào bạn cũng đủ kiên trì và sức lực để đeo đuổi chỉ duy nhất một người tình, có thể yêu rất nhiều người mới là chuyện trải nghiệm thú vị. Mà chuyện yêu là chuyện tự nguyện dấn thân chứ không thể cố nên chẳng thể nói là tham lam... Còn tại sao cứ nhất định phải lao vào các loại hình nghệ thuật thì chính tôi cũng không chắc mình có câu trả lời. Tôi nghĩ quyền năng được tự do có thể là một đáp án.

Chán ghét nhanh những gì mình viết

* Vì sao thời gian gần đây, các sáng tác văn chương của chị ít dần?

- Viết là việc khó nhọc với một người chưa đủ trưởng thành như tôi. Tôi luôn hối thúc mình sau đó lại cảm thấy bất lực, đặc biệt là chán ghét rất nhanh những gì mình vừa viết. Tôi hay tự huyễn hoặc rằng một ngày nào đấy sẽ có thể viết được một câu văn thực sự tử tế nhưng có thể lắm, ngày ấy chẳng bao giờ tới...

* Liệu chị đã ngừng văn chương để đến với những thể loại nghệ thuật mới?

- Từ lúc theo học ngành truyền thông và hiện tại là điện ảnh, bất cứ công việc nào hiện tại của tôi, dù thuộc những thể loại nghệ thuật khác vẫn liên quan nhiều đến công việc viết lách: viết nghiên cứu, viết tiểu luận, viết phê bình, viết kịch bản phim phục vụ cho việc học điện ảnh, đôi lúc viết báo, viết diễn ngôn ý tưởng nghệ thuật... Hãy coi như đó là một cách rèn luyện!

* Với buổi khai mạc triển lãm sắp đặt video art này, có lẽ chị đã biết rõ con đường mình đi tiếp theo là gì?

- Chị thấy đấy, đời chẳng bao giờ như ta muốn. Chẳng biết một năm nữa, tôi sẽ trở thành gì?

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm