Hội Kiều học Việt Nam quyết tâm lập tạp chí "Kiều học"

01/09/2011 13:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 14 tháng 7 vừa qua, Bộ Nội Vụ đã ra Quyết định số 1400/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Kiều học Việt Nam (tên đầy đủ là Hội Khoa học Nghiên cứu Truyện Kiều Việt Nam). Đây là tin vui đối với những nhà nghiên cứu Truyện Kiều trong và ngoài nước và những người yêu mến Truyện Kiều.

TT&VH đã gặp TS Phan Tử Phùng, vốn là giảng viên Khoa Luyện kim của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong phòng khách chứa đầy sách vở và tài liệu nghiên cứu, TS Phùng không giấu nổi niềm vui của mình.

“Dân” kỹ thuật lập hội nghiên cứu Truyện Kiều

TS Phan Tử Phùng

* Xin ông cho biết ý tưởng thành lập Hội Kiều học đã đến với ông như thế nào? Đặc biệt là khi ông chỉ là một cựu giảng viên về ngành kỹ thuật, chẳng liên quan gì đến văn chương cả?

- Nhiều bạn bè tôi cũng có thắc mắc tương tự. Họ nói: nếu tôi đứng ra thành lập một hội luyện kim hay hội cơ khí gì đó thì còn dễ tin. Đằng này lại là hội nghiên cứu về Truyện Kiều. Họ cũng cho rằng Truyện Kiều đã có từ mấy trăm năm nay rồi, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế cũng đã nghiên cứu, “mổ xẻ” nó rất kỹ rồi, vậy thì còn thành lập hội để làm gì nữa. Nhưng tôi vẫn thấy chúng ta thiếu một bản Kiều trọn vẹn gần nhất với nguyên tác của Nguyễn Du.

Một số học giả có những quan điểm trái ngược nhau về cùng một vấn đề trong Truyện Kiều như trường hợp của nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn và Nguyễn Quảng Tuân. Từ những tranh cãi cá nhân, họ thậm chí đã đưa nhau ra tòa.

Hội Kiều học có thể đứng ra lập một hội đồng khoa học để giải quyết các tranh luận tương tự nhằm tìm một tiếng nói chung nhất trên cơ sở đồng thuận tương đối về giá trị của Truyện Kiều.

Trước khi có ý tưởng về hội, chúng tôi, những người yêu mến Truyện Kiều đã tập hợp được 300 thành viên khắp cả nước và cả ở nước ngoài.

* Vậy tại sao ông không chọn hình thức thành lập một câu lạc bộ (LCB) những người yêu Truyện Kiều?

- Nếu chỉ dừng ở hình thức CLB thì tôi e rằng chúng tôi sẽ không đủ tính pháp lý để làm những việc lớn hơn. Ví dụ như việc thành lập Viện Nghiên cứu Truyện Kiều. Viện sẽ hoạt động theo dạng mở, tức là thành viên của viện sẽ là những viện sĩ thông tấn ở cả trong và ngoài nước. Viện sẽ có chức năng nâng Truyện Kiều lên thành một ngành khoa học, lấy Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu.

Thế giới đã đưa Truyện Kiều vào Từ điển những tác phẩm của mọi thời đại, mọi xứ sở (Dictionnaire Des Oeuvres De Tous Les Temps Et De Tous Les Pays) xuất bản tại Paris năm 1953. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều, song mục tiêu thường chỉ nhằm dùng Truyện Kiều để chứng minh cho lý thuyết của mình, chứ chưa nhằm phát lộ những giá trị, những tinh túy của nó, tác phẩm nói mãi, nghiên cứu mãi mà vẫn không hết.

Hợp tác quốc tế để nghiên cứu Truyện Kiều

* Những việc cần làm đầu tiên của hội là gì, thưa ông?

- Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tổ chức đại hội vào tháng 10 tới để bầu ra ban chấp hành hội. Chúng tôi sẽ lựa chọn những người nhiệt tình, hiểu mục đích của hội và có khả năng làm việc, thay vì những vị có học vấn cao nhưng lại không tổ chức làm việc được.

Những nhà nghiên cứu có học vị cao chúng tôi sẽ mời vào các hội đồng khoa học để thẩm định các nghiên cứu.

Việc tiếp theo là chúng tôi sẽ tổ chức xuất bản tạp chí Kiều học, coi như là cơ quan ngôn luận của hội. Chúng tôi cũng sẽ xuất bản một tạp chí khác nhằm tôn vinh vẻ đẹp thuần Việt - những người đẹp như nàng Kiều; ca ngợi trang phục Việt Nam; thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; tôn vinh tiếng Việt và triết lý Việt.

Việc này chúng tôi có thể sẽ kết hợp với Hội Phụ nữ và tạp chí Đẹp.

Chúng tôi cũng muốn hợp tác với đài truyền hình trong nhiều hoạt động như xây dựng dự án nhà lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Nội (nơi Nguyễn Du đã từng sống rất nhiều năm lúc sinh thời), Bắc Ninh (quê mẹ Nguyễn Du), Thái Bình (quê vợ Nguyễn Du), Huế, TP.HCM và ở các tỉnh, thành, địa phương khác theo mô hình khu di tích Nguyễn Du ở Tiên Điền, Hà Tĩnh.

Nhà lưu niệm sẽ là nơi trưng bày các di vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du, trưng bày sách báo, tài liệu, bài viết của học giả trong và ngoài nước viết về Nguyễn Du, Truyện Kiều và những tác phẩm khác của nhà thơ. Đây cũng là nơi tổ chức các sinh hoạt, hội thảo văn hóa, ngôn ngữ Việt.

Chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu Truyện Kiều. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, giới thiệu văn học nghệ thuật với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài về các vấn đề có liên quan đến Truyện Kiều, Nguyễn Du, Việt Nam.

* Liệu ông có tham vọng quá không khi hội thành lập mà hầu như chưa có một chút kinh phí nào?

- Tôi nghĩ điều quan trọng là biết dùng người, tranh thủ sự ủng hộ một cách khéo léo.

Tạp chí Kiều học tự nó sẽ nuôi được nó. Chúng tôi cũng sẽ thu thập và cho tái bản tất cả những bản Kiều được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới. Theo tôi biết, tới nay tác phẩm đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng.

Trong số những thành viên của chúng tôi không ít người là “đại gia”. Nhưng tôi biết cũng không dễ xin tài trợ của họ khi không làm cho họ tin vào điều tốt mình đang làm.

Tuy bây giờ tôi đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn quyết tâm làm việc này chừng nào tôi còn nhận thức được trách nhiệm của mình với một tuyệt tác văn chương của dân tộc.

* Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công!

Lê Hương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm