“Tôn vinh thiếu mạnh dạn và chưa xứng đáng”

29/08/2011 13:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ năm 2001 về trước, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước vẫn dựa trên sự đề cử từ Hội đồng cơ sở. Rồi dăm năm gần đây, việc rộng rãi “phát” hồ sơ tự đề cử cho mọi Hội viên đã dẫn tới tình trạng lộn xộn như bây giờ - họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung Ương) nhận xét cùng TT&VH.

>> Chuyên đề: Lùm xùm quanh Giải thưởng Nhà nước

Cuộc trao đổi đặt trong bối cảnh hàng loạt rắc rối đã kéo dài suốt vài tháng qua quanh đợt xét tặng hai giải thưởng nói trên (và các danh hiệu NSƯT, NSND). Gần nhất, sau những kiện tụng ở hai lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc, nhà văn Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, Nguyễn Khoa Điềm và gia đình nhà văn Sơn Nam lần lượt xin rút tên mình khỏi danh sách đề cử.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Có thâm niên vài chục năm công tác trong ngành quản lý văn hóa và theo sát các đợt xét tặng danh hiệu từ trước, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói:

- Một “sự cố” điển hình từ cách làm này là trường hợp nhà văn Sơn Tùng. Theo gia đình, ban đầu ông làm hồ sơ “xin” Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hội Nhà văn thông báo lại là năm nay không có giải thưởng này và gợi ý ông “xin” Giải thưởng Nhà nước. Rồi khi được duyệt, nhà văn này mới biết tin năm nay vẫn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh nên kiên quyết rút hồ sơ “xin” Giải thưởng Nhà nước về. Còn thông tin từ Hội Nhà văn lại nói rằng đây là chuyện hiểu lầm: khi bỏ phiếu xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, hồ sơ của nhà văn Sơn Tùng không đủ số phiếu yêu cầu nên Hội đồng cơ sở động viên ông “xin” giải thưởng kia. Thực tế, nếu là “hiểu lầm”, Hội Nhà văn vẫn có lỗi vì không thông báo rõ ràng việc hồ sơ bị loại- mặc dù có thể điều này đến từ sự tế nhị của họ với một nhà văn lão thành đang bệnh nặng.

Tôi không hiểu sao từ năm 2006 trở lại đây, các Hội đồng cơ sở lại quay sang cách làm theo kiểu “xin - cho” như vậy. Việc thông báo và phát hồ sơ rộng rãi khiến vai trò của các Hội nghề nghiệp giảm đi rất nhiều- trong khi lẽ ra họ phải chủ động lựa chọn, bình xét những gương mặt xứng đáng nhất để giới thiệu lên cấp Hội đồng cao hơn. Bây giờ, thay vì chờ được “xét” thì các hội viên có nguyên vọng chỉ cần làm thủ tục “xin”. “Xin” rồi, Hội đồng cơ sở sẽ bỏ phiếu và đề nghị ở trên “cho” nếu đạt yêu cầu. Đó là chưa kể tới sự chồng chéo giữa các Hội đồng cơ sở.

* Chồng chéo ra sao, thưa ông?

- Chúng ta vừa có Hội đồng cơ sở theo ngành dọc (ví dụ của Hội Mỹ thuật VN  Hội Nhà văn VN, Hội Điện ảnh VN)... vừa có hệ thống Hội đồng cơ sở theo địa phương mà cụ thể là các Hội Văn học Nghệ thuật của mỗi tỉnh. Để rồi, rất nhiều người là Hội viên của Hội Trung ương nhưng vẫn nộp hồ sơ theo “cửa” Hội đồng cơ sở tại địa phương. Đơn giản thôi, họ nghĩ rằng theo cách đó thì sẽ dễ được duyệt hơn, bởi Hội đồng cấp cao cũng phải nghĩ tới tính “mặt trận”, xét cho mỗi địa phương vài người. Lẽ ra, nếu được “lọc” cẩn thận thì Hội đồng Nhà nước sẽ không phải vất vả như lần này.

* Quanh chuyện “lọc” hồ sơ, xin nhắc tới việc nhạc sĩ Phạm Tuyên có bị “bỏ quên” trong đợt xét tặng lần này không?

- Quan điểm của tôi: nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ năm 2001. Năm đó chưa có cơ chế “xin- cho”, ông đã được đề cử, xét tặng và đã nhận Giải thưởng Nhà nước. Vậy, ta đặt câu hỏi ngược lại: việc chỉ trao cho ông Giải thưởng Nhà nước có phải là lỗi của Hội đồng xét duyệt, mà trước hết là từ Hội đồng cơ sở không? Hội đồng có thể trao thẳng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt...

Xin giải thích rõ thêm, theo quy chế, tác phẩm của mỗi cá nhân chỉ được phép nhận một trong hai Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Nhà nước chứ không thể “thâm canh”. Nghĩa là trên lý thuyết, tác giả chỉ được nhận tiếp Giải thưởng Hồ Chí Minh nếu bất ngờ thăng hoa và có những tác phẩm mới xuất sắc hơn hẳn những gì từng được trao Giải thưởng Nhà nước. Sự thực ở Việt Nam, điều này chưa có. Những tác phẩm xuất sắc nhất của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước rồi, và đó cũng là lý do khiến ông làm hồ sơ xin Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2006 nhưng không được xét. Việc tôn vinh một cách thiếu mạnh dạn và chưa xứng đáng đã đẩy nhạc sĩ tới tình thế khó xử và khiến dư luận bất bình như vừa qua.

* Vậy theo ông, việc xin đặc cách trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ 82 tuổi này có là hợp lý không, theo ông?

- Hãy nhìn vấn đề rộng hơn. Chúng ta sẽ ứng xử ra sao với những tác giả xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng chỉ “được” trao Giải thưởng Nhà nước? Tôi khẳng định: có nhiều người như vậy, họ cần được tôn vinh ở mức cao hơn so với những gì từng nhận. Việc yên lặng và không lên tiếng “đòi hỏi” hay khiếu nại cũng chính từ sự tự bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ của họ.

Tôi nghĩ, dù ở mức nào, mọi giải thưởng đều là sự tôn vinh và khẳng định những đóng góp của một cá nhân nghệ sĩ cho sự phát triển chung của nền nghệ thuật nước nhà. Bởi thế, sự đánh giá và trao tặng của Hội đồng cho mỗi cá nhân cần tuyệt đối chính xác và tránh sai lầm như với trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm