Xét giải thưởng, danh hiệu nghệ sĩ: Phương án quy đổi "vàng"

12/08/2011 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trước hàng loạt những rắc rối hay kiện cáo xung quanh việc xét giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ năm 2011, Bộ VH,TT&DL đã có cuộc trao đổi với báo giới vào chiều qua 11/8.

Theo Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Bộ VH,TT&DL hiện đã trình lên Hội đồng cấp Nhà nước 728 hồ sơ xét giải thưởng và danh hiệu cá nhân, đồng thời sắp tổ chức 13 Hội đồng chuyên ngành để tư vấn cho Hội đồng cấp Nhà nước trong lĩnh vực này (bao gồm 9 hội đồng cho việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và 5 hội đồng cho việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT).

Phương án quy đổi giải thưởng

Tại cuộc trao đổi, đại diện Bộ VH,TT&DL cũng công bố bản dự thảo phương án quy đổi giải thưởng khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Theo đó, ở lĩnh vực điện ảnh, từ tiêu chuẩn cũ (có ít nhất 2 giải Bông sen vàng), nghệ sĩ có thể chỉ cần giành 1 giải Bông sen vàng. Giải còn lại được quy đổi bằng các giải vàng khác trong các liên hoan phim, giải thưởng điện ảnh trong nước hay quốc tế... (tùy từng giải có giá trị tương đương hoặc bằng 1/2 giải Bông sen vàng).

Với những bộ phim được giải Bông sen vàng, cá nhân các nghệ sĩ tham gia có thể được tính 1 Bông sen vàng (đạo diễn), hay 1/2 Bông sen vàng (quay phim, thiết kế, diễn viên chính...) hay thậm chí là 1/3 hoặc 1/4 Bông sen vàng với những người như diễn viên phụ, thiết kế ánh sáng... Lĩnh vực sân khấu cũng áp dụng sự quy đổi tương tự giữa Hội diễn toàn quốc với các Liên hoan vùng miền, cuộc thi tài năng sân khấu trẻ...

Theo ông Hải Anh, nếu được thông qua, phương án quy đổi giải thưởng này sẽ có giá trị trong đợt xét tặng danh hiệu tiếp theo.

Giải đáp các trường hợp thắc mắc về giải thưởng

Trở lại với việc xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, về việc 2 nhạc sĩ Ngọc Khuê và Đinh Quang Hợp được “xét vớt” vào danh sách xét tặng lần này, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi (Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam), cho biết: Trong lần xét duyệt đầu tiên ở cấp cơ sở, 2 nhạc sĩ trên đã gửi “cụm tác phẩm” (cụ thể là 8 tác phẩm trong hồ sơ). Số phiếu của hội đồng dành cho 2 “cụm tác phẩm” này không vượt quá 75% , bởi vậy hồ sơ của 2 nhạc sĩ trên bị loại. Sau khi có chỉ đạo từ Bộ VH,TT&DL cùng sự đồng thuận của 2 nhạc sĩ trên, Hội đồng đã “tách” các chùm tác phẩm này ra cùng phân tích lại, và 2 nhạc sĩ được “xét vớt” sau khi chỉnh lại và chỉ đăng ký 3 tác phẩm xuất sắc nhất cho một người.

Nhìn vào khái niệm “tác phẩm hoặc cụm tác phẩm” trong quy chế xét duyệt, nhiều nhạc sĩ gửi hồ sơ hàng loạt tác phẩm với suy nghĩ làm vậy thì có “sức nặng” hơn. Còn Hội đồng xét duyệt thì cứ theo vậy mà đánh giá - ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH,TT&DL) giải thích. Lấy ví dụ về trường hợp nhạc sĩ Hồng Hà, ông nói thêm: “Mỗi nghệ sĩ phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình thôi. Chẳng hạn, dù rất xứng đáng được Giải thưởng Nhà nước, nhưng nếu nghệ sĩ nộp hồ sơ xin Giải thưởng Hồ Chí Minh thì khả năng “trượt” rõ ràng là cao hơn. Và khi ấy, Hội đồng cũng không thể tự ý “hạ” họ xuống để xét Giải thưởng Nhà nước được.

Về trường hợp được xét duyệt của nhạc sĩ Lê Lan (từng bị khai trừ Đảng và ra khỏi Hội Nhạc sĩ năm 1969 vì vi phạm bản quyền âm nhạc), ông Hải Anh cũng cho biết: qua bình xét, chúng tôi thấy anh Lê Lam là người đã có ý chí và nghị lực để lao động và đóng góp rất nhiều sau lần vấp ngã ấy! Còn về nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông chỉ gửi công văn giới thiệu của Hội Nhạc sĩ Hà Nội lên Bộ để xin xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo đúng quy chế, trường hợp này bị loại vì không có hồ sơ xét tặng.

Trước câu hỏi về những trường hợp đặc cách trong đợt xét tặng này, ông Hải Anh có nhắc việc nghệ sĩ Bùi Công Duy không đủ thời gian hoạt động theo quy định trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng được đặc cách xét duyệt. Tuy nhiên, Duy cũng không được lọt vào vòng sau bởi không đủ số phiếu 100% của hội đồng. (Những trường hợp đặc cách như vậy thì cần được 100% số phiếu của hội đồng khi xét duyệt chứ không phải 75%).

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm