Toàn cảnh văn hóa trong nước: Chuyện cũ - chuyện mới

06/08/2011 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Đó là chuyện mới và cũ về các cổ vật, chuyện mới mà không mới nhưng vẫn gây tranh cãi về quy chế thi người đẹp, chuyện cũ với những diễn biến mới mang tính “leo thang” của cuộc xét tặng giải thưởng Nhà nước khi hạn công bố trao giải đang đến gần…

Lĩnh vực cổ vật đã có một tuần nhiều sự kiện. Tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP.HCM (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1) đang diễn ra cuộc trưng bày hơn 300 cổ vật được chọn lọc 10.000 cổ vật được sưu tầm trong 12 năm với tên gọi: Cổ vật sưu tầm mười năm đầu thế kỷ 21. Những cổ vật này có xuất xứ từ Việt Nam và nhiều nước khác, nổi bật là tượng thần Kim cương có niên đại từ cuối thế kỷ 19, bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam, tiền châu Âu; những chiếc bình của nền văn hóa Óc Eo; gốm của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan; những chiếc chuông từ Lào…, đặc biệt là chiếc trống đồng có nguồn gốc từ thế kỷ 8-10 ở Việt Nam. Cuộc trưng bày này kéo dài đến hết tháng 12/2011. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội (số 1 Tràng Tiền) đang mở cửa triển lãm Cổ ngọc Việt Nam, trưng bày hơn 140 cổ vật từ tượng ngọc, khuyên ngọc thời văn hóa Phùng Nguyên cách đây 4.000 năm cho tới hàng loạt đồ ngự dụng bằng ngọc quý như nghiên mực, quân cờ, ấn... của vương triều Nguyễn.

Lĩnh vực thi thố sắc đẹp cũng gây chú ý với vài sự kiện diễn ra cả ở trong và ngoài nước. Hai người mẫu Ngọc Tình và Huyền Trang cùng đoạt giải tại cuộc thi người mẫu thế giới Best Model Of The World diễn ra tại Bulgaria. Huyền Trang đoạt giải Best Asia còn Ngọc Tình được giải Best Evening Suit (trang phục dạ hội đẹp nhất). Trong khi đó, ở trong nước, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 sau khi công bố thể lệ đã khiến nhiều người thắc mắc về yêu cầu trình độ học vấn của thí sinh. Đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng do đặc thù của cuộc thi là sự tham gia của các dân tộc, nên có lẽ cũng cần một quy chế riêng, đặc thù với những tiêu chuẩn quy định riêng cho thí sinh, ví như về bằng cấp, có thể không cần tốt nghiệp THPT, hay về vấn đề chiều cao (chiều cao của thí sinh tham dự cuộc thi này cũng đã được quy định là 1,58m, thấp hơn so với Quy chế thi hoa hậu là 2cm). Vòng bán kết cuộc thi sẽ diễn ra từ 12 đến 15/11, vòng chung kết từ 27/11-11/12/2011 (đều ở TP.HCM).

Làng nhạc có một tuần lăn tăn với những sự kiện mới mà cũ. Lùm xùm về tác quyền âm nhạc tuy không phải chuyện mới nhưng vẫn rất nóng khi mới đây. Đêm nhạc Qua cơn mê (diễn ra tối 30/7) đã suýt phải hủy vì nhà tổ chức không thực thi nghĩa vụ tác quyền với các tác giả có ca khúc được trình bày tại đây. Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) yêu cầu đơn vị tổ chức phải trả chi phí tác quyền theo lợi nhuận doanh thu, tương đương 2 triệu đồng/ca khúc. Trong khi đó, đại diện nhà tổ chức chỉ đồng ý trả 300 ngàn đồng/ca khúc. Tuy đêm diễn vẫn được tiến hành nhưng VCPMC cho biết sẽ tiếp tục gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhằm yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn nghiêm túc thực thi tác quyền ca khúc.

Cũng là chuyện tác quyền nhưng một thông tin khác, rất bất ngờ, đã khiến những người làm nhạc chân chính “chạnh lòng”: doanh thu của các ca khúc “thảm họa” từ phí tác quyền nhạc chuông, nhạc chờ mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng! Sở dĩ như vậy vì mặc dù liệt những Da nâu, Vọng cổ teen… vào hàng “thảm họa” nhưng công chúng vẫn sử dụng chúng làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại cho độc đáo, vui tai. Vậy là ca khúc “thảm họa” đã hoàn thành sứ mệnh rất xuất sắc, không những đưa chủ nhân của chúng một bước thành “sao” mà còn mang lại tiền tỷ cho cả ê-kíp sản xuất.

Các nghệ sĩ âm nhạc tiếp tục kéo nhau vào những cuộc tranh luận trên báo về công trạng của mình và những người thân (cũng là nghệ sĩ) trong khuôn khổ cuộc bình xét giải thưởng Nhà nước. Tiếng bấc tiếng chì không chỉ xuất phát từ những người trượt khỏi danh sách mà còn từ cả người không liên quan khi họ tự nhiên bị lôi vào cuộc chỉ bằng những phát ngôn so sánh rất “vu vơ”. Và dù đã có tên trong danh sách xét duyệt, có nhạc sĩ vẫn gửi đơn kiến nghị yêu cầu Hội nhạc sĩ cho biết toàn bộ biên bản bỏ phiếu của từng người một và công khai, dân chủ cho toàn bộ 68 nhạc sĩ biết về việc bỏ phiếu, cho điểm của các tác phẩm ra sao, đồng thời cho biết những ai ngồi ở vị trí Hội đồng cấp Bộ.

Đêm chung kết khu vực phía Nam của cuộc thi Sao Mai 2011 không chỉ làm thí sinh mệt mỏi mà còn khiến khán giả xem truyền hình khó chịu khi liên tục xảy ra sự cố về âm thanh. Một thí sinh đã phải hát đi hát lại ca khúc dự thi đến… 3 lần, sự cố kỹ thuật làm cuộc thi ngưng đến 15 phút và tất cả khán giả xem truyền hình phải chứng kiến màn tung hứng “câu giờ” kém duyên của 2 MC. Điều “đặc biệt” hơn là sự cố đã kéo đêm diễn vắt sang tận rạng sáng ngày hôm sau (0h20’)!


2 MC của Sao mai miền Nam nhiều phen thót tim vì sự cố âm thanh - Ảnh: 24h

Tin vui cho thiếu nhi ở khu vực Q.2, TP.HCM là UBND Q.2 và Quận Đoàn Q.2 đã khánh thành nhà chiếu phim 3D phục vụ miễn phí cho thiếu nhi. Nhà chiếu phim đặt tại Nhà thiếu nhi Q.2 (số 200 Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Tây, Q.2), có sức chứa 105 người, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách quận. Rạp này sẽ chiếu 2 suất vào ngày thường và 3 suất vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Một sự kiện mà những người yêu mến văn hóa Nhật Bản rất mong chờ, ngày 20/8 tới đây, tại Hội An sẽ diễn ra sự kiện Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9. Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra tại đây như: Diễn đàn thanh niên với thói xấu xả rác; hội thảo và triển lãm về môi trường; trưng bày ảnh thời sự, ảnh nghệ thuật qua tám kỳ giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, thi thơ haiku…

Bàn phím

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm