"Hết nạc vạc đến xương"?

01/08/2011 14:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Vậy là một mùa giải thưởng về văn học, nghệ thuật đã đến. Và cứ như là logic tự nhiên, một lần nữa công chúng lại được biết tới những kiến nghị, những đơn từ và lời bàn ra tán vào. Là người chú tâm theo dõi sự lặp lại của hiện tượng này, với cái nhìn khách quan tôi nghĩ, chưa nên quy kết đó là hệ quả của thói đố kỵ, mà cần đối diện với sự thật để giữ uy tín cho giải thưởng.

Nhìn từ thành tựu văn học, nghệ thuật Việt Nam từ năm 1945 đến nay, và từ số lượng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đã được trao, phải nói rằng, số “tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật” (gọi tắt là tác phẩm - NH) có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng còn lại là không nhiều. Tôi khẳng định như thế, bởi theo Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tác phẩm để xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh phải đáp ứng các tiêu chuẩn: “Đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới”; và tác phẩm để xét trao Giải thưởng Nhà nước là: “Xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân; góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới”.

Tranh biếm họa về các giải thưởng của NOP. Nguồn: Đất Việt.

Xem xét một cách nghiêm túc, hoàn toàn có thể khẳng định, tiêu chuẩn xét tặng trên đây bao hàm các yêu cầu cao và rất cao về giá trị tư tưởng - nghệ thuật, cùng ý nghĩa xã hội rộng rãi của tác phẩm. Trong đó, không thể xem nhẹ vai trò của công chúng, với yêu cầu: “có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân”, “nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân”. Điều đó cũng có nghĩa là, tác phẩm được xét trao giải không chỉ tùy thuộc vào một nhóm chuyên gia (tạm coi như vậy) về một loại hình nghệ thuật nào đó. Hơn nữa, với số hồ sơ gửi đến, việc các Hội đồng cấp cơ sở dành ra năm bảy ngày ngồi đọc, nghe, xem rồi đánh giá tác phẩm có xứng đáng được trao giải thưởng hay không là việc rất khó tin. Hẳn vì thế, Hội đồng cấp cơ sở của Hội Nhạc sĩ mới đề nghị xét trao giải thưởng Nhà nước cho một nhạc sĩ mà “quên” là cách đây 42 năm, ông đã có một sai sót gây ầm ĩ trong công chúng, là lấy giai điệu một ca khúc ca ngợi Sapaep, làm thêm phần lời, để “sáng tác” một bài hát ca ngợi lãnh tụ? Tương tự như thế, nếu tiến hành một điều tra xã hội học âm nhạc nghiêm cách, liệu Hội đồng cấp cơ sở của Hội Âm nhạc có thể đảm bảo rằng tác phẩm của một số đề cử đợt này... “có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân...”; liệu tác phẩm của họ có vượt qua được ảnh hưởng tư tưởng - thẩm mỹ của Nối vòng tay lớn, Huyền thoại mẹ, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn?

Khi mà các “cây đại thụ”, các tác phẩm xuất sắc của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua hầu như đã được trao giải thưởng, thì hiển nhiên số tác phẩm còn lại phải được đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Bởi nếu tiến hành so sánh, không khó để nhận ra sự chênh lệch về giá trị tư tưởng - nghệ thuật, ý nghĩa xã hội giữa một số tác phẩm được trao đợt một, đợt hai với một số tác phẩm được trao đợt sau. Nếu tình trạng này còn tiếp tục, liệu rồi đây chúng ta có bị rơi vào tình huống “hết nạc thì vạc đến xương”, làm ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín giải thưởng?

Theo tôi, một trong những biểu hiện của tình trạng này là các giải thưởng trao đợt đầu không nhận được sự phản đối hay kiến nghị, vì đó là những giá trị đã được khẳng định. Còn các đợt sau, vấn đề bắt đầu phức tạp, khi đã dàn hàng ngang cùng tiến thì sự nhỉnh lên là hãn hữu. Mới sinh ra chuyện oái oăm là đạo diễn Nguyễn Thước làm hồ sơ xét giải mà lại “quên” các thành phần cùng làm nên tác phẩm. Mà ông từng được trao giải thưởng của hội nghề nghiệp còn ra một nhẽ, đằng này người ta lại trao giải thưởng cho chính cái thành phần ông trót “quên”. Mới sinh ra chuyện oái oăm là, có ông vừa hội viên một hội nghề nghiệp, vừa cán bộ một viện nghiên cứu, vừa giáo sư một trường đại học nên phải hao tổn tâm trí để cân nhắc xem đệ trình hồ sơ ở đâu thì may mắn hơn. Mới sinh ra chuyện oái oăm là cùng một số tác phẩm, mà có ông “xơi” liền hai Giải thưởng Nhà nước và lại gom góp tác phẩm lăm le Giải thưởng cao hơn...

Thiết nghĩ, chất lượng và uy tín của một giải thưởng trước hết phục thuộc vào tầm mức các tiêu chí, sự chuẩn xác khi thẩm định, tính nghiêm ngặt trong lựa chọn,... Ở Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là một biểu hiện của đường lối phát triển văn hóa, là sự ghi nhận thành tựu của văn nghệ sĩ, là khẳng định giá trị đích thực của sự sáng tạo... Chúng ta đều biết, giải thưởng không chỉ là tấm bằng chứng nhận mà còn kèm theo một ngân khoản. Do vậy, giải thưởng không phải là nơi lãng phí tài sản Nhà nước, mà về sâu sa là tài sản của nhân dân, càng không phải là nơi ban phát ân huệ. Và như một nhà thơ viết: “Nếu dễ dãi với việc xét giải có nghĩa là đang làm cho nó “mất thiêng”, có nghĩa là đang giết dần giết mòn uy danh của nó”.

Nguyễn Hòa (nhà phê bình)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm