“Hô hào” vẽ graffiti lên… tường hẻm

22/07/2011 14:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với các bức tường được vẽ graffiti (có nơi dịch: nguệch họa) thì phần đông vẫn cho rằng “vẽ bậy”, “vẽ bẩn”… nhưng khi xem cách mà nhóm Click 9 đang thực hiện tại Cư xá 288 (288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) thì không phải như vậy. Ý tưởng và ý niệm của nhóm là “chúng tôi muốn vẽ” (không phải vẽ xấu hoặc vẽ đẹp, mà vẽ một cách bình thản) - nằm trong dự án Vẽ graffiti lên tường hẻm do Ga 0 tổ chức, diễn ra từ ngày 12/7 đến 7/8/2011.

Nhóm Click 9 gồm có Lưu Danh Quyền, Nguyễn Văn Hơn, Vũ Quốc Nguyên Bảo và Huỳnh Cao Vũ Khang, họ rất trẻ, chơi với nhau được 4-5 năm, lập nhóm từ 3 năm trước.

Cuốn phim graffiti

Mỗi ngày, từ lúc 14h, sau khi người dân đã dọn dẹp các sinh hoạt thường nhật như bán phở, cà phê... tại Cư xá 288, nhóm bắt đầu công việc của mình một cách lớp lang, nhẫn nại. Ngày đầu tiên nhóm vẽ đen trắng, ngày thứ hai màu xanh nước biển, ngày thứ ba màu tím, rồi màu hồng, da cam, vàng... cho các ngày kế theo.


Nhóm Click 9 gồm Vũ Quốc Nguyên Bảo, Huỳnh Cao Vũ Khang,
Văn Hơn và Lưu Danh Quyền (từ trái sang)

Chủ đề rất đơn giản, đó là sự biến tấu của ký tự A, B, C... để tạo nên những tác phẩm trên bức tường. Vũ Quốc Nguyên Bảo nói rằng họ không cần ý nghĩa cụ thể, sâu sắc (điều mà họ dự định dành cho một dự án khác), mà chủ yếu là đem đến cho người dân hành động vẽ tường một cách gần gũi, an toàn, không có gì đáng sợ. Họ cũng muốn nói với người dân rằng “vẽ là nhu cầu tự nhiên”, nên ai muốn vẽ thì cứ tham gia. Nhiều họa sĩ, nhiều người dân quanh đây đã đến vẽ lên bức tường mà Ga 0 chừa sẵn cho họ.

Một người tên Tuấn Sơn (khách đến ăn phở) nói rằng anh cứ nghĩ kiểu vẽ này chỉ thấy trong phim Mỹ, với các nghệ sĩ da đen, ai ngờ ở Sài Gòn cũng có, trông rất thân thiện.

Có điều dễ nhận thấy nhất là người dân ở Cư xá 288, tuy lần đầu tiếp xúc tại chỗ với graffiti, nhưng chẳng có ai lên án. Cứ sáng sáng đến đây ăn phở hoặc chiều tối đến xem người già, trẻ em ra chơi, xem tranh và bàn luận, nhiều người cho rằng họ chẳng hiểu gì, nhưng thấy vui vui, vì bức tường nhiều màu sắc, đỡ sự khô khốc. Một bà lão đơn chiếc (thường gọi cô Tám) còn cho chụp hình làm mẫu để vẽ lên bức tường hình “truyền thần” của mình. Chính quyền khu vực khi đến tìm hiểu sự việc, thấy cách vẽ nghiêm túc, không có nội dung gì bậy bạ, người dân lại vui vẻ, chẳng phản đối... nên đã “cho qua”.

Theo kế hoạch, sau 20 ngày, căn nhà của Ga 0 sẽ được vẽ kín mít từ ngoài vào trong, quá trình vẽ được dựng thành một cuốn phim tài liệu, sẽ chiếu liên tục trong 5 ngày kế tiếp để ai quan tâm “lịch sử” dự án này thì đến xem. Lưu Danh Quyền nói mỗi ngày đến đây thì thấy các bức vẽ thay đổi, ngày thứ 20 đến chỉ thấy bề mặt của 19 ngày đã vẽ bị che khuất, cuốn phim sẽ giúp tái hiện lại từ đầu.

Tác phẩm graffiti hiện diện nơi người dân đang ăn phở

Vượt qua định kiến

“Như mọi hình thái nghệ thuật có nguồn gốc phương Tây khác được du nhập vào Việt Nam, sự hiện diện của graffiti, một thứ nghệ thuật bị cho là “bôi bẩn” đường phố trong dòng văn hóa hip-hop cũng tạo ra nhiều ý kiến và cắt nghĩa trái chiều từ nhiều phía; không chỉ người dân sở tại, mà cả các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật.

Nguyễn Văn Hơn kể rằng trước đây nhóm chỉ vẽ những bức tường được người dân đồng ý, không vẽ tùy thích, vì muốn tác phẩm phải hoàn chỉnh, đẹp đẽ. Tuy nhiên, sau một thời gian, phía quản lý lại cấm, vì nghĩ nhóm vẽ bậy bạ hoặc đang làm quảng cáo trái phép. Cho nên, khi được Ga 0 mời về đây vẽ, tâm trạng của họ hoàn toàn khác, thư thái hơn, nên suy nghĩ về tác phẩm kỹ lưỡng hơn, quá trình thực hiện dài lâu hơn.

Nhiều khi Click 9 cũng đi vẽ dịch vụ cho các quán bar hay cà phê để nuôi cảm hứng, tích cóp sơn thừa làm các tác phẩm chung. Bộ môn này, thường dùng sơn xịt, mua khá đắt tiền, để vẽ một tác phẩm khổ lớn, thật không đơn giản. Huỳnh Cao Vũ Khang nói rằng, vẽ “chui” thì có được cái cảm giác phiêu lưu, nhưng nhiều khi uổng công, đang vẽ bị cấm, tác phẩm khó như ý.

Tương lai gần, Ga 0 và các nhóm graffiti như Click 9 còn muốn nhân rộng mô hình này đến nhiều con hẻm, nhiều khu phố khác. Bởi từ Cư xá 288, họ đã cho thấy dự án như là “sự thử nghiệm của việc thông dịch, không chỉ nghệ thuật graffiti vào không gian văn hóa địa phương, mà qua sự xuất hiện luân phiên của các bức graffiti cỡ lớn trên bức tường khu dân cư, còn thông dịch chính không gian văn hóa địa phương vào nghệ thuật graffiti”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm