“Truyện tranh hóa” các danh tác Việt Nam

04/07/2011 11:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Công ty Phan Thị vừa phát hành tập 4 tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, trong kế hoạch “truyện tranh hóa” các danh tác Việt Nam. Đến nay, Phan Thị đã “tranh hóa” các tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, Tắt đèn (2 tập) của Ngô Tất Tố.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty Phan Thị đã chia sẻ với TT&VH về kế hoạch này.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh

* Tại sao Phan Thị lại chọn các danh tác Việt Nam để “truyện tranh hóa” và dự án này sẽ dừng lại khi nào?

- Thực ra, ý tưởng chuyển thể các danh tác sang hình thái truyện tranh không phải là mới, bởi trên thế giới đã có nhiều tác phẩm văn học kinh điển được chuyển thể, đơn cử: bộ truyện tranh văn học cổ điển (Danh tác thế giới - NXB Kim Đồng mua bản quyền của Hàn Quốc), bộ truyện tranh Nhập môn triết học và khoa học (NXB Trẻ mua bản quyền), Hoàng Tử bé (Công ty Nhã Nam mua bản quyền) và cả Kinh Thánh cũng được chuyển thể sang truyện tranh để các con chiên nhỏ tuổi dễ dàng nắm bắt.

Trong quá khứ, văn học Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm có giá trị cao về khía cạnh nhân văn và nghệ thuật, những giá trị này đã được chứng thực và công nhận suốt thời gian dài. Nhưng ngày nay, có vô số hình thức giải trí thu hút, hấp dẫn, quyến rũ thanh thiếu niên, thì những tác phẩm văn học dày đặc chữ, dường như không còn là “ưu tiên số một” để các bạn trẻ lựa chọn. Và sẽ là điều vô cùng đáng tiếc nếu như thế hệ trẻ hôm nay quên lãng kho tàng danh tác vô giá đó.

Thông qua bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam, Phan Thị mong muốn các bạn trẻ sẽ hào hứng đón nhận, để yêu mến và tự hào hơn với nền văn học nước nhà. Tham vọng lớn nhất của Phan Thị khi thực hiện dự án này không nằm ngoài việc góp phần đổi mới tư duy văn học cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

* Gần đây, có đơn vị đã “truyện tranh hóa” các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh... Theo chị, “tranh hóa” truyện của các nhà văn hiện nay và các nhà văn thời kỳ trước cái nào sẽ khó khăn hơn?

- Sự thuận lợi khi chuyển thể một tác phẩm văn học “thời kỳ trước” sang truyện tranh là kịch bản có sẵn, được bạn đọc nhiều thế hệ chấp nhận. Nhưng đó cũng chính là một trong những điều khó khăn nhất bởi không phải ai cũng có sự hình dung và tưởng tượng giống nhau. Đặc biệt, khi chuyển thể tác phẩm văn học nổi tiếng sang truyện tranh, thì tác phẩm chuyển thể bao giờ cũng bị độc giả “soi - xét” nhiều hơn. Chính vì thế công việc chuyển thể đòi hỏi phải nắm bắt và bám sát nguyên tác một cách tối đa, trong khi việc tìm kiếm tư liệu hình ảnh (trang phục, vật dụng...) và bối cảnh của câu chuyện lại rất khó khăn do có ít nguồn lưu trữ. Chính vì vậy mà việc chuyển thể tác phẩm “thời kỳ trước” so với việc “tranh hóa” truyện hiện đại, với nguồn tư liệu dồi dào sẵn có, rõ ràng là bất lợi hơn nhiều.

“Truyện tranh hóa” Chiếc lược ngà Rừng xà nu

Phan Thị đã và đang hoàn thiện hợp đồng chuyển thể những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (với Chiếc lược ngà), Nguyên Ngọc (với Rừng xà nu) để làm phong phú cho truyện tranh Việt Nam.

* Thường thì người đọc sẽ “soi kỹ” giữa danh tác nguyên bản và “truyện tranh hóa”. Nếu “bị soi”, chị sẽ giải thích thế nào?

- Ai đó vốn dĩ đã yêu thích văn học thì mãi yêu những danh tác văn học đã từng đọc được trong quá khứ. Danh tác văn học thể hiện dưới dạng chữ viết thì nó vẫn còn nguyên vẹn đấy, ai thích đọc thì cứ đọc. Danh tác văn học thể hiện dưới dạng hội họa thì nó có sứ mệnh riêng của nó, dành cho những người chưa yêu thích văn học dạng chữ, nhưng thích hội họa - một phân khúc độc giả hoàn toàn mới, giúp mở rộng độc giả tiếp cận văn học bằng một hình thái khác.

Trước thực trạng rất nhiều bạn trẻ quay lưng với văn học Việt như hiện nay, thì việc làm mới những tác phẩm văn học Việt dưới hình thức khác là điều cần kíp, hơn là “lặng im” nhìn chúng bị lãng quên.

* Là một đơn vị nhiều năm gắn bó với truyện tranh, theo chị xu hướng phát triển truyện tranh Việt trong thời gian sắp đến sẽ ra sao? Riêng bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam, thị trường hướng đến vẫn là độc giả trong nước hay sẽ xuất khẩu được?

- Hiện nay, có hàng loạt những thành tựu đã giúp cho truyện tranh Việt cơ hội ngẩng cao đầu, điều đó sẽ làm cho Phan Thị bùng nổ những sản phẩm nhằm “truyền thông văn hóa Việt”.

Mục tiêu phục vụ “truyền thông văn hóa Việt”, cho người Việt vẫn là mục tiêu trọng yếu của Phan Thị, bởi ai cũng nhìn thấy các bạn trẻ của chúng ta đang bị “xâm lăng văn hóa”. Tuy nhiên nếu có cơ hội quảng bá truyện tranh Việt ở nước ngoài, Phan Thị chắn chắn sẽ không bỏ qua cơ hội.

Truyện tranh Việt chắc chắn sẽ phát triển mạnh hơn nữa bởi ngày nay truyện tranh Việt đã được công luận và xã hội quan tâm chú ý và dành cho nhiều thiện cảm hơn trước đây rất nhiều.

* Phan Thị từng có bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt rất được độc giả ưa thích. Đến nay bộ truyện này phát triển đến đâu rồi, thưa chị?

- Hiện sắp phát hành tập 136, và vẫn tiếp tục được bạn đọc trong độ tuổi 7-15 rất yêu thích. Ngoài ra còn có những bộ truyện tranh phái sinh như Thần đồng Đất Việt Khoa học đã phát hành đến tập 90, Thần đồng Mỹ thuật đã phát hành đến tập 32, Thần đồng đất Việt Toán học đã phát hành đến tập 21.

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm