Truyền hình thiếu nhi: Kẻ quyền lực, người thờ ơ (Bài 1)

06/07/2011 07:30 GMT+7 | Văn hoá

Truyền hình thiếu nhi: Kẻ quyền lực, người thờ ơ

Một trong những mối quan tâm lớn của người lớn, nhất là những người đang làm cha mẹ của trẻ con trong mùa Hè này là cho chúng xem gì. Tất nhiên, đơn giản và phổ biến nhất là các chương trình truyền hình thiếu nhi.

Sẽ là không “chơi đẹp” nếu đem so sánh số lượng hay chất lượng các chương trình thiếu nhi Việt Nam trên truyền hình hiện nay với những chương trình của các “ông kẹ” làng truyền hình quốc tế. Tuy nhiên, một khảo sát mà chúng tôi thực hiện trong quá trình làm chuyên đề này cho thấy một hiện trạng đáng suy nghĩ. Trong số 20 phụ huynh (ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng) được hỏi thấy con mình thường xem kênh truyền hình nào, tất cả đều trả lời rằng: Cartoon Network, Disney Chanel. Và họ không hề phàn nàn gì về việc đó mà đều thấy như vậy là hợp lý vì chẳng thể chê gì được những chương trình phát trên các kênh quốc tế này. Những khảo sát nho nhỏ trong chuyên đề sẽ giúp phác thảo bức tranh toàn cục về truyền hình thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay.

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - Có lúc nào đó bạn tự hỏi tại sao những cái tên như Justin Bieber, Selena Gomez hay Taylor Swift lại trở thành những quyền lực mới của làng giải trí? Ai đưa họ lên? Tất nhiên là những ông chủ giàu sụ nhưng người bấm nút cho họ “bay” là fan nhí. Họ bấm nút thông qua tivi, hay chính xác hơn, thông qua kênh truyền hình khổng lồ có cái tên khá khó đọc: Nickelodeon.

“Nhí” mà không “nhí”

Nickelodeon thuộc hệ thống MTV nằm trong sự điều hành của tập đoàn truyền thông khổng lồ: Viacom, chuyên trị “trẻ em” từ 7 đến 17 tuổi. Khi MTV công bố những ngôi sao như Justin Bieber hay Taylor Swift lên nhận giải thưởng âm nhạc thường niên của họ thì trước đó những ngôi sao này đã được fan reo ầm trong lễ trao giải thưởng của Nickelodeon có cái tên mà bất cứ fan nhí nào cũng không thể bỏ qua: Kids’ Choice Awards. Khi bạn được trao giải Sự lựa chọn của fan nhí coi như sự nghiệp của bạn đã đi một bước khá dài. Quyền lực của fan nhí là khổng lồ và ông vua tiếp cận để đưa quyền lực ấy trở thành vô biên chỉ có thể là Nickelodeon, hay gọi ngắn gọn là Nick.

iCarly, một show truyền hình rất ăn khách của Nickelodeon, nơi đưa rất nhiều người
trở thành ngôi sao như: Miranda Cosgrove, Jennette McCurdy…

Nick có đủ mọi trò trên kênh truyền hình của họ: Phim, hoạt hình, ca nhạc, show truyền hình, giáo dục giới tính… Giờ phát không cố định nhưng trung bình khoảng 12 tiếng/ngày. Tuy nhiên, tất tần tật mọi trò trong thế giới trẻ em đều có mặt trên kênh truyền hình ấy. Thế cho nên nguồn thu quảng cáo của họ cũng là vô tận. Sở Du lịch đảo Cayman muốn quảng cáo cho các resort đắt tiền của mình, họ sẽ bỏ tiền ra mua quyền phát sóng các quảng cáo trên kênh truyền hình cáp Nickelodeon dành riêng cho trẻ em. Chính trẻ em sẽ tác động trực tiếp đến bố mẹ chúng để bỏ đất liền đi nghỉ ở Caymen. “Các bậc cha mẹ không còn kiểm soát nhiều nữa và trẻ em đang là những người ra quyết định việc mua sắm đồ dùng trong gia đình”, James McNeal - chuyên viên tư vấn chuyên về marketing từ hơn 2 thập kỷ qua - cho biết.

Theo ước tính của ông, thiếu nhi dưới 14 tuổi ảnh hưởng tới 47% các quyết định chi tiêu của các gia đình Mỹ trong năm 2005. Tổng giá trị của các quyết định này lên tới trên 700 tỷ USD, trong đó 40 tỷ dành riêng cho nhu cầu của trẻ và 340 tỷ được chi dưới ảnh hưởng trực tiếp của trẻ (ví dụ: Con thích có một chiếc máy tính Dell), 340 tỷ còn lại do ảnh hưởng gián tiếp (ví dụ: Con biết Timmy muốn bố mẹ mua một chiếc Lexus). Nhiều công ty đã nhận ra rằng marketing theo hướng biến trẻ em thành nhân viên tiếp thị tại gia thường có hiệu quả hơn là cố gắng thuyết phục các bậc cha mẹ mua một món hàng nào đó. Điều này có thể là lý do giải thích vì sao Nickelodeon lại trở thành chi nhánh làm ăn có lời nhất của tập đoàn Viacom. Các hãng quảng cáo đang phải xếp hàng và trả những khoản phí cắt cổ cho Nickelodeon hòng với tới các mục tiêu đáng giá nhất của họ. Chưa hết, mỗi đứa trẻ là một cơ hội mới để xây dựng cái gọi là “sự trung thành thương hiệu”.

Nick đang trở thành kênh truyền hình trẻ em số 1 tại Mỹ, 16 năm liên tiếp họ giữ vững ngôi vị quán quân của truyền hình cáp. Kids’ Choice Awards 2010 của họ thu hút hơn 8 triệu người xem và có số vote kỷ lục trong ngành truyền hình Mỹ: 118 triệu vote.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã từng khá e dè khi Disney Channel và Nickelodeon xuất hiện tại quốc gia của họ bởi họ thừa biết sự ảnh hưởng rất lớn của những kênh truyền hình rất danh tiếng dành cho trẻ em này.

Cạnh tranh

Thống kê mới đây của Viện nghiên cứu trẻ nhỏ và vị thành niên cho thấy trẻ em Mỹ dành trung bình 4 tiếng/ ngày để xem truyền hình. 4 giờ này thường được phân chia vào buổi sáng, buổi chiều và một ít buổi tối, chủ yếu là nhu cầu giải trí và đôi khi mang tính giáo dục do cha mẹ định hướng. Truyền hình Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc phát triển hệ thống giá trị và định hướng hành vi của trẻ và vì thế 4 tiếng vàng ngọc đó là mảnh đất màu mỡ ngày càng bị nhỏ lại bởi sự cạnh tranh của nhiều kênh truyền hình trẻ em.

Ở Mỹ, hai kênh nổi nhất và cũng là đối thủ trực tiếp của nhau là Nickelodeon và Disney Channel. Người Việt Nam thường nhớ nhất là Hannah Montana của Disney Channel, ở Mỹ mỗi phần của serie này thường có 2,3 triệu người xem nhưng cũng phát đồng thời, iCarly của Nickelodeon lại có đến 2,6 triệu người chăm chú nhìn màn hình tivi. Đến bây giờ người ta cũng chưa biết kênh nào hay nhất nhưng việc fan đấm đá nhau trên các diễn đàn cũng đã đủ biến 2 kênh này trở thành 2 ông kẹ của làng truyền hình trẻ em ở Mỹ. Bất luận các nhà xã hội học có đưa ra những tên tuổi lớn lên từ những lò đào tạo nào, có ảnh hưởng tới trẻ em ra sao (lối sống, nhân cách…) thì cả Nickelodeon và Disney Channel cũng vẫn thu về hàng tỷ đô la lợi nhuận mỗi năm.

Cartoon Network đứng đầu về số lượng ngườixem ở khu vực
châu Á - Thái Bình Dương

Hiện nay có 3 kênh phổ thông dành cho trẻ em là Nickelodeon, Disney Channel và Cartoon Network (của hệ thống truyền hình cáp thuộc tập đoàn truyền thông Turner Broadcasting, phát 24/24, nội dung chính là những chương trình phim hoạt hình, phát sóng lần đầu vào năm 1992). Cần biết rằng ở Mỹ Cartoon Network đứng thứ ba nhưng ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương, kênh này không có đối thủ ở vị trí quán quân và lực lượng ủng hộ nhiệt liệt nhất vẫn là trẻ em. Trong Top 10 kênh (tính ngang nhau) được yêu mến ở châu Á thì Cartoon Network đứng đầu với 95 triệu lượt xem mỗi tháng, Disney đứng thứ 4 với 65 triệu còn Nickelodeon về thứ 6 với 55 triệu. Điều đó trả lời cho câu hỏi vì sao vẫn còn nhiều người chưa biết Nickelodeon ở châu Á cho dù ở Mỹ họ là số 1. Phân khúc thị trường của những kênh truyền hình khổng lồ này phải tính ở mức quốc gia và rõ ràng ở phân khúc ấy là một cuộc chiến chưa có hồi kết khi thị trường truyền hình ngày càng đa dạng và nhu cầu của trẻ nhỏ ngày càng lớn mạnh.

Ngoài 3 ông kẹ kể trên thì ở Mỹ còn một số kênh nổi tiếng khác dành cho trẻ em như The Hub, PBS Kids Sprout, NickToons, TeenNick, Disney XD hay Nick Jr.

Tại Canada, trẻ em thường xem kênh YTV, Teletoon và Family Channel. Kênh YTV thường phát sóng chủ yếu là chương trình của Nickelodeon, Cartoon Network, Adult Swim, Discovery Kids và Kids WB. Teletoon thì cũng phát sóng chương trình từ Nickelodeon, Cartoon Network, NickToons và Adult Swim. Còn Family Channel phát sóng chương trình của Disney Channel, Discovery Kids và Nickelodeon.

Ở Anh, trẻ em có xem thêm kênh dành riêng cho mình trên CBBC, CBeebies CITV, Disney XD, Disney Junior, Nick Jr Anh, POP, Tiny Pop, Cartoonito, Disney CineMagic, Pop Girl và Kix!. Trẻ em ở xứ sương mù cũng được Nickelodeon, Cartoon Network và Disney Channel phiên bản Anh. Ở Úc cũng vậy, 3 kênh truyền hình nổi tiếng dành cho trẻ em cũng có phiên bản Úc. Bên cạnh đó, có thể xem thêm ABC3, KidsCo. Nhật Bản cũng tương tự, tức là cũng có những phiên bản riêng cho trẻ em, tuy nhiên thị trường này luôn được chăm sóc đặc biệt bởi được xem là một thị trường lớn nên hầu như các kênh truyền hình dành cho trẻ em nổi tiếng thế giới đều có mặt ở đây với phiên bản riêng và ngay cả các kênh nội địa cũng hết sức nhiệt tình khai thác vào thị trường khổng lồ này.

Bài 2: Thờ ơ

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm