Kỳ 4: Chuyện cái cối xay

28/06/2011 14:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - (LTS) Tiếp theo chuyện Thuyền bè và xe cộ trên TT&VH số vừa qua, họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đi vào một “hiện vật” rất dân dã ở chốn thôn quê, nhưng lại hàm chứa nhiều lớp lang văn hóa. Đó là cái cối xay, từ cối xay thóc đến guồng nước.

1. Lúc nhỏ, khi đi sơ tán ở nông thôn, tôi có dịp quan sát gần một tuần ông thợ đóng cối xay thóc. Thoạt tiên ông đan hai lồng thớt cối trên và dưới bằng tre, lèn đất cho chặt vào lồng cối dưới, lèn đất hình nón vào lồng cối trên (chỗ lõm để đựng thóc). Sau đó ông cẩn thận chẻ từng miếng gỗ nhỏ và bẹt chêm vào giữa mặt trong hai thớt, hai mặt này sẽ cọ sát thóc vỡ vỏ rồi tuôn ra ngoài. Dưới đáy cối gia chủ sẽ đặt cái nia đựng thóc đã xay. Mặt thớt trên mắc cần xay (giằng xay), có dây nối với xà nhà để giữ cần.

Khi xay thóc cái cối này kêu rất to và để xay vài thúng thóc cũng cần tới cả tiếng đồng hồ. Tiếng cối xay thóc ồ ồ và sau đó là tiếng giã gạo thình thình những âm thanh rất đặc trưng thân thương của nhà nông Bắc bộ.


Cối xay thóc ở Bảo tàng Dân tộc học VN (Tranh do tác giả vẽ lại)

Một đồ vật quay tròn khác là chiếc guồng nước phần lớn do người dân tộc, như Thái, Mường chế tác nhằm dẫn nước nhập điền và nước sinh hoạt về bản. Người Thái gọi đó là cái cọn. Guồng nước, cái cọn, bánh xe nước thường được làm cả dàn năm bảy cái trên một dòng suối thấp nhưng chảy mạnh. Guồng càng lớn càng có thể cài nhiều ống đựng nước rót vào máng dẫn, có những guồng đường kính tới 5 hoặc 7 thước và đó cũng chính là độ cao của guồng, thậm chí nó cho phép một người đu lên mà không suy chuyển. Giữa con suối lớn những chiếc guồng nước quay đều ngày đêm không nghỉ bên nương dâu bãi sắn, còn xa xa rừng núi trập trùng, một hình ảnh của thời Nghiêu Thuấn trên trần gian này.

Mặc dù sáng tạo ra guồng nhưng người Việt Mường lại chưa bao giờ tận dụng nó như chiếc cối xay gió phương Tây, thay vào đó những người miền núi lại có chiếc cối giã gạo nhờ sức nước với nguyên lý rất đơn giản, nước đổ đầy máng cối, làm bênh đầu chày lên và giáng vào cối gạo.

2. Vừa qua tôi đến vùng Bá Thước, ở Thanh Hóa, vẫn còn khoảng 50 cái cọn nước ven con suối lớn, còn vùng Hòa Bình, một số bản làng xa xôi, cọn nước vẫn là phương tiện tưới nước chính. Guồng nước, cọn nước, cối xay nước... đều mượn sức của dòng chảy suối hay sông trên rừng làm quay một bánh xe và từ bánh xe này người ta chế thành đường dẫn nước hoặc xay xát thóc hoặc xay bột.

Mặc dù là một công cụ rất cổ xưa, giống như cái cối xay gió thời Trung cổ ở phương Tây, thì cối xay nhờ sức nước cũng được chế tạo cẩn thận, tinh tế. Ngay ở những vùng dân tộc cũng chỉ có vài người làm được công cụ này cho cả vùng. Bánh chạy trơn tru linh hoạt, lượng nước thất thoát cũng lớn, nhưng vẫn liên tục đảm bảo dòng nước về ruộng xa hay gần, khi liên kết với hệ thống máng dẫn bằng ống bương. Người ta cũng phải be bờ cho dòng chảy về một dẻo và đặt các guồng sát nhau tạo ra sự tương hỗ giữa dòng chảy và sự quay.

Từ bàn nghiền đến bàn xoay gốm, cối xay đá, rồi cối xay thóc, cuối cùng là cái guồng nước, có thể nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình tìm tòi động lực đơn giản của xã hội nông nghiệp. Bên cạnh đó là một loạt đồ vật quay trong khác, như cái chong chóng, cái khoan tay thợ mộc với nguyên lý quay dây hai chiều, guồng quay xe sợi, con quay gỗ của trẻ em... người Việt đã biết tận dụng sức gió sức nước cho những công việc nhà nông nhất định thay cho sức người, cũng như tạo ra một số đồ vật quay tay, nhưng khả năng sáng tạo cũng chỉ dừng ở đó, mà không tài nào tự động hóa được vật quay tròn.

Và việc tự động hóa đồ vật quay tròn bằng động cơ hơi nước và động cơ điện mới thực sự mở màn cho thế giới kỹ nghệ.

Kỳ 5: Gồng gồng, gánh gánh

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm