Sang VN vì những bức ảnh “da cam”

21/06/2011 11:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ chối công việc trong những tòa soạn tại San Francisco (Mỹ) để sang Việt Nam chụp ảnh suốt 7 năm - điều gì nằm sau sự lựa chọn của nhiếp ảnh gia người Mỹ Justin Mott?

Tới Việt Nam từ 2006, Justin Mott hiện chụp ảnh cộng tác với hàng loạt tờ báo và nhà xuất bản nổi tiếng như Time, Newsweek, New York Times, Business Week, The Independent UK... Ngần ấy năm cũng là quãng thời gian Justin thực hiện những bộ ảnh về các nạn nhân của chất độc màu da cam - chủ đề mà anh quan tâm và theo đuổi. Đơn cử, lần gần nhất cái tên Justin được báo chí Việt Nam nhắc tới là ngày 15/5/2011 vừa qua, khi cuộc triển lãm ảnh từ thiện của anh được tổ chức tại Hà Nội với tên gọi Dành cho một em bé bị cô lập (For a child isolation)

Thực tế, trong 7 năm, dù đi lại khá nhiều giữa các thành phố của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Justin vẫn chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và làm việc chính của mình. Bỏ qua những câu trả lời xã giao như “tôi yêu Việt Nam” hay “đất nước này thật yên bình”- điều mà TT&VH muốn nghe từ Justin là lý do và những được/mất từ mọi góc độ khi anh chọn mảnh đất hình chữ S làm nơi tác nghiệp.

Justin nói:

- Tại San Francisco trước đây, tôi được đào tạo để trở thành một phóng viên ảnh. Nhưng tôi không hứng thú làm một “paparazi” để gắn bó với cuộc sống của những “ngôi sao”. Tôi cũng không muốn quanh quẩn cả ngày trong thành phố của mình. Tới một đất nước khác, sống bằng nghề chụp ảnh và mở rộng hơn về tầm mắt - đó là những trải nghiệm có lẽ còn quan trọng hơn những gì tôi được dạy trong trường học.

* Nhưng tại sao anh lại chọn điểm đến là Việt Nam, chứ không phải là một nơi nào khác?

- Nhiều đồng nghiệp cũng hỏi tôi tương tự. Theo cách suy nghĩ của họ, nếu muốn tác nghiệp về nhiếp ảnh ở những nước thứ ba, họ nên lựa chọn các điểm nóng về thời sự như Afganistan, Libya, Triều Tiên... Với tất cả những câu hỏi như thế, tôi chỉ có thể trả lời bằng hai từ “sở thích”.

Do mối liên hệ từ quá khứ, báo chí tại Mỹ khá quan tâm tới những vấn đề về Việt Nam. Vấn đề nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam đang được báo giới nhắc tới rất nhiều. Tôi được xem một số bức ảnh của những đồng nghiệp từng sang Việt Nam chụp về đề tài này. Ấn tượng về nỗi đau thể xác, tâm lý của những nhân vật trong ảnh mạnh tới mức tôi tự bảo mình: Justin, đây là chỗ cần tới trong một ngày không xa. Mọi thứ bắt đầu một cách đơn giản như vậy...

* Những ngày mới sang, anh bắt đầu mọi việc như thế nào?

- Tôi chọn con đường chụp ảnh tự do. Cách tác nghiệp như vậy khiến tôi không bị gò bó về công việc và có đủ thời gian khám phá mọi thứ, cũng như theo đuổi đề tài của mình về các nạn nhân chất độc màu da cam. Bù lại, tôi chỉ có thể trông vào những bức ảnh của mình để trang trải mọi nguồn kinh phí. 6 tháng đầu tại đây diễn ra khá chật vật, cho tới khi tôi thiết lập được mối quan hệ và chụp ảnh cho một số tờ báo. Ngoài ra, tôi còn chụp ảnh cho các công ty về du lịch nữa.


Bức ảnh chụp bé Nụ - một nạn nhân chất độc da cam


* Còn môi trường sống tại Việt Nam thì sao?

- Dễ hòa nhập hơn rất nhiều so với tôi từng nghĩ. Có lẽ, tôi may mắn vì tại Việt Nam hiện có rất nhiều người quan tâm tới nhiếp ảnh. Tôi nhanh chóng có những người bạn cùng sở thích này và gần như đa phần những gì tôi làm được trong vài năm qua đều có phần giúp đỡ từ họ.

Để so sánh, tôi đã từng sang Trung Quốc và thấy rằng nơi ấy không phải là chỗ phù hợp với mình. Tiếng Anh hầu như rất ít được sử dụng, việc đi lại ở đây khá phức tạp. Còn tại Nhật thì mọi thứ quá đắt đỏ (cười).

Cuộc triển lãm ảnh từ thiện mang lại 8.000 USD

Dành cho một em bé bị cô lập diễn ra vào tháng 5/2011 là cuộc triển lãm được Justin tổ chức nhằm gây quỹ giúp đỡ Nụ - một bé gái là nạn nhân của chất độc màu da cam từ khi mới sinh. 5 năm trời thực hiện các phóng sự ảnh về Nụ - mắc hội chứng tự kỷ và mù, câm, điếc -, Justin đã bán một số bức ảnh và dành toàn bộ số tiền có được cho Nụ. Cộng thêm số tiền ủng hộ mà người xem và bạn bè anh quyên góp, một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 8.000 USD đã được mở để Nụ chi trả cho cuộc sống của em.

* Vậy còn những bức ảnh về các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam - anh định tiếp tục công việc này thế nào?

- Tôi vẫn tiếp tục chụp và vẫn tìm cách đưa những bức ảnh đó lên báo hoặc gửi tới những tổ chức có chức năng hỗ trợ các nạn nhân chất độc màu da cam. Nếu nói ngắn gọn, công việc của tôi là kể lại câu chuyện về những nạn nhân ấy như nó đang diễn ra hằng ngày và cộng đồng sẽ làm tiếp những gì họ thấy cần làm. Thậm chí, tôi muốn thực hiện một bộ phim về những nạn nhân ấy. Trong lần trở về Mỹ vừa qua, khá nhiều người sốc và không tin rằng thực tế diễn ra như đúng những gì tôi kể trong các bức ảnh của mình. Bởi vậy, tôi cần tới những thước phim động...

* Làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm, đã bao giờ anh tự hỏi mình được/mất gì so với những đồng nghiệp khác?

- Công việc thật sự của tôi bắt đầu từ khi bước chân tới Việt Nam. Có thể bạn không tin, nhưng nếu vẫn làm việc tại San Francisco, cuộc sống và guồng quay nghề nghiệp tại đó sẽ biến tôi thành một con người khác. Hiện giờ, tôi có thể đi khắp Đông Nam Á để thỏa mãn thú du lịch bụi. Tôi có thể dành trọn thời gian trong nhiều ngày để thực hiện những phóng sự ảnh về các nạn nhân của chất độc màu da cam. Sống bằng nghề và được theo đuổi những đề tài yêu thích của mình, chừng đó đã đủ để tôi có thể ở lại Việt Nam thêm 5-10 năm nữa (cười).

* Xin cám ơn Justin về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm