Đạm Phương nữ sử: Một trong những nữ ký giả đầu tiên của VN

19/06/2011 14:23 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua, 18/6, tại Huế, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Văn học Việt Nam và hậu duệ bà Đạm Phương nữ sử đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày sinh của bà với sự tham gia của hơn 200 nhà nghiên cứu đầu ngành về văn hóa, lịch sử, báo chí, văn học, nghệ thuật trong toàn quốc.

Nhắc đến Đạm Phương nữ sử, người ta thường biết đến bà với tư cách là nhà hoạt động xã hội xuất sắc, nhà nữ quyền tiêu biểu nhất đầu thế kỷ XX, là người khai ngành nghiên cứu tuồng cổ Việt Nam, là nhà văn nữ đầu tiên viết tiểu thuyết, nhà giáo dục học tân tiến của thời kỳ cận đại, là người có công khai ngành gia đình học, phụ nữ học và giáo dục mầm non Việt Nam... Nhưng tiếp cận nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử cụ thể thời bấy giờ, có thể khẳng định toàn bộ sự nghiệp hoạt động xã hội, văn chương, học thuật của Đạm Phương đều gắn liền với báo chí.




Một trong những nhà báo nữ đầu tiên

Với tư cách là ký giả - nhà báo, hoạt động trên diễn đàn báo chí là công cụ xuyên suốt đấu tranh cho nữ quyền, là nơi để bà trải nghiệm những ý tưởng nhất quán của mình cũng như đúc rút thành hệ quan điểm để viết sách, truyện và các công trình khảo cứu của bà.

Sự nghiệp báo chí của Đạm Phương nữ sử khởi đầu vào tháng 4 năm 1918 khi bà tiếp kiến ông Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí đến thăm Huế. Sau chuyến thăm này, ông Phạm Quỳnh có viết bài du kí Mười ngày ở Huế và nhắc đến cuộc tiếp xúc này. Từ đó, những bài thơ Nhớ bạn, Nhớ cảnh núi được đăng trên Nam Phong tạp chí (số 10, tháng 4/1918) và đến tháng 7/1918 bài báo đầu tiên Tự thuật cảnh Hương Giang buổi chiều của bà đăng trên số 13, tháng 7/1918 của Nam Phong tạp chí, để rồi sau đó trở thành ký giả bán chuyên nghiệp.

Năm 1919, 1920, bà làm trợ bút cho nhật báo Trung Bắc tân văn (xuất bản năm 1915 tại Hà Nội). Bà giữ mục Lời đàn bà trên báo Thực nghiệp dân báo (xuất bản năm 1920). Năm 1922, Hội Công thương đồng nghiệp Bắc Kỳ vận động thành lập Ích Hội thi xã làm cơ quan xuất bản của Hội. Hữu Thanh là tạp chí của Hội, xuất bản từ năm 1921 tại Hà Nội, mỗi tháng 2 kỳ và bà làm biên tập viên và giữ mục Văn đàn bà. Bà cũng cộng tác đắc lực với các tờ Tiếng dân (1927) của cụ Huỳnh Thúc Kháng, tờ Phụ nữ tân văn (1929), Phụ nữ thời đàm (1930).... và đến năm 1930 sự nghiệp báo chí của bà khép lại.



Bà Đạm Phương cùng chồng - ông Nguyễn Khoa Tùng

Dù thời gian hoạt động báo chí của Đạm Phương nữ sử không nhiều, chỉ hơn một thập niên, trong điều kiện nền báo chí nước ta còn non trẻ cùng với sự hà khắc, áp đặt, khống chế của thực dân Pháp đối với báo quốc ngữ, song với gần 200 bài viết bằng chữ quốc ngữ trên các báo cùng thời với nội dung đề cập nhiều vấn đề thời sự trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn chuyển mình, bị xâm lược và áp bức bởi bọn thực dân, đã cho thấy bà là một cây bút đầy bản lĩnh và tự tin, sung sức và có năng suất lao động báo chí rất cao, đáng để chúng ta hôm nay kính nể.

Cùng với Sương Nguyệt Ánh (làm chủ bút tờ Nữ giới chung từ đầu năm 1918), Đạm Phương là một trong những nữ nhà báo đầu tiên của báo chí Việt Nam hiện đại. Tham luận tại hội thảo, TS Hoàng Diệu Minh cho rằng, “Bà Đạm Phương là nữ tác giả đầu tiên có số lượng tác phẩm lớn nhất gồm nhiều thể loại như thơ, truyện, tiểu thuyết, sách giáo dục, khảo cứu và có đến hơn 200 bài báo...

Nhìn lại con đường làm báo mà bà Đạm Phương đã kinh qua, chúng ta không thể không cảm phục trước cống hiến lớn lao của một nhà báo nữ trong hoàn cảnh gian khổ lúc bấy giờ”.

Dùng báo chí để đấu tranh cho nữ quyền

Bà Đạm Phương nữ sử cùng chồng là ông Nguyễn Khoa Tùng Đạm Phương nữ sử tên thật là Công nữ Đồng Canh. Bà sinh năm 1881 trong một gia đình hoàng tộc, cháu nội của vua Minh Mạng. Thời niên thiếu bà được dưỡng dục, học hành nghiêm túc cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ và cầm kỳ, thi, họa... Năm 20 tuổi, bà được mời vào dạy cho các cung nữ trong cung đình nhà Nguyễn và được triều đình phong chức “nữ sử” nên bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.

Nội dung trong những bài báo của bà Đạm Phương đề cập nhiều vấn đề thời sự xã hội trong bối cảnh đất nước bị xâm lược và áp bức bởi bọn thực dân. Song nổi bật và mang tính xuyên suốt nhất là vấn đề nữ quyền, bình đẳng giới.

Trên báo Tiếng dân ra ngày 29/1/1929, trong bài “Chị em ta đã biết ham mến thực nghiệm”, bà nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện khai trương hiệu Vân Hòa bán bánh trái, đồ thuê, sách báo do bà Trần Thị Như Mân và một số chị em trong Nữ công học hội lập ra. Bà viết “Lí tưởng đã có, thì chỉ trong sự thực hành, mà thực hành rồi thì chỉ trong hiệu quả... sao cho nền nữ công thực nghiệp vững vàng cơ sở, ngõ hầu mở mang con đường sinh hoạt cho bọn gái ta có chỗ xuất đầu lộ diện với đời, mà mưu cầu hạnh phúc công cộng vậy”.

Không dừng lại ở lý thuyết, năm 1926, bà cho ra đời trường Nữ công học hội mà bà gọi là: “Cái đoàn thể Hội giới của bạn quần thoa, gây cho bạn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau, sau hết là kết một sợi dây đoàn thể để bênh vực quyền lợi cho nhau”. Và bà cũng mong muốn mỗi tỉnh sẽ có năm bảy trường công nghệ thuộc về đàn bà con gái học tập. Tham luận tại hội thảo, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng “Đây là giải pháp cho giáo dục phụ nữ đi trước thời đại của Đạm Phương - thật đáng khâm phục, ở thời của mình, Đạm Phương đã làm được như vây”.

Phải khẳng định rằng, Đạm Phương nữ sử là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều ngoại ngữ - là bậc nữ lưu tân tiến của thế kỷ 20 đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học, báo chí, nghệ thuật,... nước nhà. Cuối cùng, xin mượn lời TS Hoàng Diệu Minh để thay cho lời kết “Đạm Phương nữ sử là một nhà báo nữ xuất sắc những ngày khởi đầu của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Bà đã vạch đường chỉ lối và đặt nền móng cho chị em phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng và bình đẳng giới. Xin kính cẩn tri ân và nghiêng mình trước tấm lòng của các bậc tiên liệt”.

 Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm