Ngón dương cầm bão tố

30/05/2011 08:33 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Một cuộc trò chuyện thú vị với nghệ sĩ dương cầm Phó An My, một trong hai nhân vật chính của đêm trình diễn Bóng - một sự kết hợp bất ngờ và độc đáo giữa tiếng đàn piano với nghệ thuật hát văn trong các buổi lên đồng dân gian, diễn ra tại rạp Công Nhân (Hà Nội) tối 28/5.

* Có khi nào chị nghĩ tại sao lại là dương cầm không? Nó có ý nghĩa thế nào với chị?

- Việc học đàn như một lẽ ngẫu nhiên vậy. Tôi cứ học và chẳng để ý gì đến chuyện vì sao cả. Mà từ bé, tôi đã rất thích biểu diễn. Ngộ nghĩnh nhỉ? Khi lớn lên một chút, đôi khi tôi đã từng nghĩ vui: “Thật khéo sắp đặt, chính cái tên Phó An My của mình chẳng thể trở thành nhà khoa học”.

* Tôi nghe nói người ta học đàn thì ngón tay phải đẹp, và phải giữ gìn nhiều lắm. Thế mà được biết trong quá trình học ở Đức đến 8 năm, chị cũng phải đi làm thêm nhiều thứ, lúc đó, có bao giờ… thấy “xót” cho đôi bàn tay không?

- Bạn chưa nghe những nghệ sĩ lớn thế giới, ví như Paul Wittgenstein, chỉ có 1 tay trái thôi sao, cũng có những nghệ sĩ chẳng có ngón tay. Tất nhiên đấy là những hiện tượng. Nhưng có thể nói rằng ngón tay đẹp hay không chẳng quan trọng gì cả. Bởi những người nghệ sĩ, họ chơi đàn, bàn tay là phương tiện để họ nói những suy nghĩ của họ. Bàn tay đẹp để ngắm thì cũng thích. Đùa đấy!

Ảnh: Phạm Bá Hùng

* Tốt nghiệp xuất sắc ở một trong những trường nhạc tốt nhất ở Đức (E.M.Phillips Bach), trở về Việt Nam, ngay lúc đó trạng thái của chị thế nào?

- Sung sướng! Tuổi trẻ cho tôi sức mạnh để quên đi những khó khăn về nghề. Thời kỳ ở nước ngoài, sống trong môi trường âm nhạc của họ, tôi đã có lúc nản chí. Chẳng phải vì ganh đua, tôi làm việc như điên, mệt mỏi và chẳng bao giờ thấy đủ. Khi về nước, mất mấy năm, phải tự tập cho mình cảm giác “lắng xuống, nghe lại mình, bình tĩnh hơn một chút”. Và cũng đã thử làm nhiều công việc khác, nhưng chẳng có việc gì ra hồn cả.

* Cái cảm giác “lắng xuống, nghe lại mình, bình tĩnh hơn chút đó”, có ích lợi hay ảnh hưởng gì tới công việc của chị hay không?

- Tôi rất đông bạn bè, thích vui nhộn. Họ làm cho cuộc sống của tôi không bao giờ thấy nhàm chán. Đối với tôi vậy là quá đủ. Chẳng thể so bì với ai về nghề. Tôi cũng chẳng có nguyên tắc gì, tự nó vẫn là thế.

* Chị có vẻ “dị ứng” với cái cách gọi “nhạc đương đại”, “nghệ sĩ đương đại”, chị có quan niệm riêng chăng?

- Âm nhạc sinh ra từ cuộc sống. Tôi không dị ứng, từ “đương đại” đôi lúc được nhắc nhiều quá như một thứ cao siêu. Tôi chỉ nghĩ “đương đại” là một cái tên con người đặt cho những tác phẩm được sáng tác vào thời kỳ này. Cũng giống như trước đó là nhạc hiện đại, âm nhạc chuỗi... Sau năm 1975 thế giới đặt tên “nhạc đương đại”, được hiểu là nhạc cổ điển đương đại, nhạc tối giản, nhạc ngẫu nhiên... Ví như cổ điển đương đại là những tác phẩm khí nhạc thuộc dòng khí nhạc chính thống của châu Âu đầu thế kỷ 20. “Nhạc đương đại” hiểu theo nghĩa này là nhạc được sáng tác phát triển lên từ âm nhạc cổ điển.

Sau thời kỳ này con người sẽ lại đặt tên tiếp theo là cái gì đó. Tất cả các tên đặt để rõ ràng dấu ấn của từng thời kỳ nó được sinh ra. Theo một nghĩa khác, âm nhạc thị trường Việt Nam hiện nay cũng gọi là nhạc đương đại, tức là nhạc đương thời. Chúng ta hãy chờ một tên đặt khác cho tác phẩm âm nhạc vào thế kỷ sau. Âm nhạc là một thứ mỗi người phải tự nghe, và tự ngấm theo cách của mình. Tác phẩm có dấu ấn, tồn tại và sống đươc hay không thì lại phải chờ một quãng thời gian dài để cảm nhận.

* Để tìm một hướng đi riêng của mình, việc kết hợp với các loại hình nhạc dân gian Việt Nam, đối với cổ điển kiểu sang trọng như piano, có phải là một điều mới mẻ không, thưa chị?

- Tôi chẳng phải một người phát minh, cách kết hợp này thế giới đã có từ lâu rồi. Tôi chỉ muốn trình diễn một sự kết hợp giữa nhạc cổ điển với những loại hình nghệ thuật của dân tộc Việt. Đưa ra một góc nhìn theo cách riêng của chúng tôi.

* Trước Bóng, chị đã chơi piano trong Thốt, một kết hợp với nghệ thuật tuồng. Chị cảm thấy mình đã chạm được vào chiều sâu của những loại hình mà chị đã và đang kết hợp chưa?

- Ngày xưa tôi không được tiếp cận với âm nhạc truyền thống, vì đi nước ngoài từ nhỏ, không được nghe nhiều nên cũng không hiểu biết nhiều về nó. Tác phẩm Thốt do Đặng Tuệ Nguyên soạn, tôi hài lòng. Cả Nguyên và tôi sau tác phẩm này đều có cảm giác thời gian đã cho chúng tôi ngấm hơn về âm nhạc truyền thống. Tôi muốn nhấn mạnh, tôi và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã 5 năm nay đi song hành cùng nhau để cùng phát triển những tác phẩm theo dòng âm nhạc “đối thoại”.

Chương trình Bóng là sự kết hợp giữa tiếng đàn piano của Phó An My với nghệ thuật hát văn trong các buổi lên đồng dân gian với sự tham gia của NSND Thanh Hoài, nghệ nhân Dương Thanh An, Hầu dâng: Bùi Đình Tuấn, Lưu Thanh Huyền. Đặc biệt, trong chương trình, Phó An My sẽ mặc trang phục nguyên bản của một người nhập đồng. Trang phục này do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, người đã có 20 năm phục dựng áo vua các triều Lý - Trần và các trang phục cung đình khác, thực hiện.

* Còn Bóng, trong đêm 28/5, có sự kết hợp với các nghệ nhân hát văn, “Bóng” ở đây, có nghĩa là gì?

- Tôi đang đi tìm dần dần theo âm nhạc truyền thống. Lần này thật cũng là một thử thách lớn, trước tiên là cho nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên, vì chầu văn là nghệ thuật “đóng”. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình làm việc. Bóng là sự kết hợp giữa piano và hát văn ở các cửa đền cửa phủ. Tên “Bóng” ở đây là hình bóng, đơn giản hơn, là phần nằm trong tâm tưởng, một phần không thiếu được trong mỗi con người. Đạo Mẫu ngoài những vấn đề về tâm linh thì còn là một văn hóa rất đặc trưng của người Việt từ hàng nghìn năm nay. Nói thực, khi tôi tập đến đoạn “cô Bơ” và “cậu bé đồi ngang”, tuy đoạn nhạc rất vui, rất lãng mạn, lại có sự tinh nghịch của những đứa trẻ nhưng có đoạn “nhập” quá, tôi cũng cảm thấy sờ sợ, và mấy lần tập đoạn đó trong đêm, tôi đã phải dừng lại, chuyển sang đoạn khác.

* Nhưng tại sao lại là piano và hát văn nhỉ? Những đêm Phó An My chơi thính phòng cổ điển ở Trung tâm văn hóa Pháp từng “sốt” vé cơ mà…

- Âm nhạc dân tộc không bao giờ cũ. Âm nhạc thính phòng giao hưởng, âm nhạc bác học không phải quá xa lạ. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể giao thoa với âm nhạc thế giới mà không sợ bị hòa tan hay mất bản sắc. Người nghe nhạc, đặc biệt các bạn thế hệ 8X, hoặc 9X, nếu biết mở rộng lòng mình có thể phát hiện ra nhiều điều mới mẻ của không gian âm nhạc vô cùng phong phú và luôn rộng mở. Nghệ nhân tham gia là những nghệ nhân hàng đầu, mong muốn sẽ đưa ra những câu hát văn cổ hay nhất, những thứ tinh túy nhất của chầu văn. Còn phần sáng tác không dựa trên âm nhạc hát văn, mà lấy cảm xúc dựa trên những lời thơ cổ để tạo ra nhiều nhân vật chủ đạo khác nhau trên cây đàn piano, cây đàn piano và hát văn lúc này sẽ như hai thực thể độc lập song song tồn tại, giao thoa, bồi đắp cho nhau.

* Chị thường thư giãn bằng cách gì? Không phải lại là piano chứ?

- Trồng cây gây rừng. Tôi có sở thích trồng cây. Đang đêm, hoặc đang suy nghĩ gì căng thẳng, tôi leo lên sân thượng, trồng cây.

* Chị có thường đọc sách không? Và loại sách gì chị cho rằng cần phải đọc trước?

- Tôi thường đọc trước tiên những loại sách tôi đang cần, để đáp ứng cho công việc của mình. Thú thật, hồi nhỏ, sách… “cắp nách” của tôi là cuốn Những vì sao của Alphonse Daudet.

* Nhìn chị, ít ai biết là nghệ sĩ piano nhỉ? Có phải đơn giản là đỉnh cao?

- Vâng, vì tôi lười nhác về việc này. Tôi thích nhất những thứ rộng rãi, thoải mái.

* Ai cũng ưa tự do cả. Nhưng cái sự tự do trong chị là gì?

- Trong khi ngủ. Tất nhiên là với những giấc ngủ sâu không gặp ác mộng.

* Thi thoảng nghe bạn bè nói: “My điên điên, My khùng khùng”, chị thấy sao?

- Trời ơi, có người nào điên mà biết mình điên đâu.

Nguyễn Lan Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm