Bia Tiến sĩ Văn Miếu lần thứ hai được UNESCO vinh danh

28/05/2011 11:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mặc dù 3.000 bức mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) không lọt vào danh sách 45 Di sản Tư liệu thế giới, nhưng kết quả được UNESCO công bố vào ngày 26/5/2011 cho thấy, 82 bia đá thời Lê - Mạc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được vinh danh lần thứ hai. Di sản này đã từng được UNESCO công nhận vào tháng 3 năm ngoái.

Để hiểu rõ hơn về việc này, TT&VH có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Chiến lược “nâng cấp” danh hiệu!

Ông Thắng cho biết:

- Có thể phân chia danh sách Di sản Tư liệu (DSTL, tên tiếng Anh Documentary Heritage) thuộc chương trình Ký ức Thế giới (KƯTG, tên tiếng Anh là Memory Of The World) của UNESCO thành 2 loại. Loại thứ nhất thuộc chương trình KƯTG ứng dụng chung cho tất cả các nước trên thế giới, được xét công nhận vào các năm lẻ. Loại thứ hai thuộc chương trình KƯTG ứng dụng riêng cho từng khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á- Thái Bình Dương và được xét công nhận vào các năm chẵn. Năm 2010, bia Văn Miếu được UNESCO vinh danh là theo “chuẩn” thứ hai này.

Thực tế, để được UNESCO xét công nhận, hồ sơ về DSTL của từng nước phải được đệ trình từ trước đợt xét tặng một năm. Muốn bia Văn Miếu được vinh danh ngay trong năm 2010- năm tổ chức Đại lễ ngàn năm Thăng Long, Ủy ban UNESCO VN đã chuẩn bị hồ sơ “ứng thí” ngay từ năm 2009. Và vào tháng 3/2010, sau khi có danh hiệu đầu tiên này theo cấp khu vực, chúng tôi muốn “nâng cấp” nên tiếp tục đệ trình hồ sơ của bia đá lên UNESCO một lần nữa để dự đợt xét công nhận năm nay.



* Về bản chất, có sự phân biệt hơn/kém giữa 2 danh hiệu này không?

- Trên lý thuyết, hai chương trình tồn tại song song. Tùy theo năm, từng quốc gia đều có thể nộp hồ sơ xin công nhân danh hiệu của một trong hai chương trình, chứ không có chuyện phải qua được “cửa” cấp khu vực như một số người hiểu nhầm. Đó là lý do năm nay chúng ta đệ trình hồ sơ của cả 2 di sản là bia Văn Miếu và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm lên UNESCO.

Tuy nhiên, thực tế thì không phải di sản của nước nào được công nhận ở cấp khu vực thì cũng nghiễm nhiên được UNESCO công nhận tiếp ở đợt xét tặng cấp thế giới. Và cần nói rõ: việc UNESCO một lần nữa khẳng định lại giá trị của bia Văn Miếu là điều đáng tự hào. Không phân loại cao thấp nhưng họ có đưa ra tiêu chí xét duyệt: DSTL ở chương trình cấp khu vực phải có ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh trong khu vực, ở chương trình cấp thế giới thì phải có ảnh hưởng mở rộng ra khỏi châu lục. Như anh em chúng tôi nói vui thì “cấp thế giới” nghe vẫn... sướng tai hơn (cười).

* Ngoài bia đá Văn Miếu, chúng ta còn một di sản tư liệu được công nhận ở cấp thế giới từ năm 2009 là Mộc bản triều Nguyễn. Với tinh thần “càng nhiều càng ít”, ông có cho rằng chúng ta nên mang Mộc bản triều Nguyễn đi ứng thí sang năm để... gặt nốt danh hiệu cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương không?

- Ủy ban UNESCO chưa có chủ trương này, còn cá nhân tôi cho rằng không cần phải... đi ngược như thế.


82 bia đá Văn Miếu đã được UNESCO vinh danh lần thứ hai


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Hy vọng ở... trận lượt về !

* Lý do của việc Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm không được UNESCO công nhận trong đợt này, theo ông?

- Có nhiều lý do. Thứ nhất, năm nay lượng di sản xin UNESCO đưa vào danh sách xét duyệt tăng đột ngột lên 85 di sản (so với hai, ba chục di sản trong những năm qua). Thứ hai, tinh thần của UNESCO năm nay là khuyến khích các quốc gia lần đầu “ứng thí”, trong khi chúng ta đã được công nhận 2 di sản rồi. Thứ ba, nói thật lòng, chúng ta đã được công nhận Mộc bản triều Nguyễn năm 2009, để họ xét danh hiệu tiếp cho một hồ sơ mộc bản thứ hai là không đơn giản.

Dù “trượt” danh hiệu Di sản tư liệu thế giới, song Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tiếp tục được đệ trình lên UNESCO ngay trong năm nay.

Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để vận động. Hồ sơ về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã cố gắng chứng minh rằng tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm hiện có mặt và lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Nhưng cuối cùng, di sản này chỉ lọt qua vòng sơ duyệt mà không được công nhận. Niềm vui không trọn vẹn, nhưng chúng ta vẫn còn may mắn hơn so với một số quốc gia rơi vào cảnh “trắng tay” trong đợt xét duyệt lần này.

* Vậy, trong đợt xét duyệt cho danh hiệu DSTL khu vực châu Á - Thái Bình Dương sắp tới, phía Việt Nam đã có ý tưởng đề cử di sản nào?

- Các chuyên gia của UNESCO vừa qua có khuyên chúng ta tiếp tục đưa hồ sơ về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đi tham dự đợt xét duyệt này. Theo nhận xét của họ, khả năng di sản này được công nhận ở cấp khu vực là khá cao. Chúng tôi sẽ bàn bạc với UBND tỉnh Bắc Giang để lên kế hoạch cụ thể.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm