Loạt phim “độc nhất vô nhị” về văn nghệ sĩ

25/05/2011 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng nay 25/5, đạo diễn Lê Văn Duy ra mắt loạt phim tài liệu về chân dung văn nghệ sĩ tại Ami Art - Khu du lịch Văn Thánh (48/10 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Loạt phim này mang tên Những bông hoa tôi quen được Lê Văn Duy thực hiện trong thời gian khá dài và chưa biết khi nào kết thúc.

Đạo diễn Lê Văn Duy vừa hoàn thành loạt phim tài liệu chân dung các văn nghệ sĩ, gồm: nhà thơ Lê Thị Kim, Trần Hữu Dũng, Bùi Chí Vinh, Vũ Trọng Quang và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Lê Văn Duy cho biết: “Mỗi chân dung dài 20 phút, kinh phí do tôi và cộng sự bỏ tiền túi ra làm. Tôi nghĩ, một xã hội biết quý trọng văn nghệ sĩ là một xã hội văn minh. Trong đời, tôi đã dành không ít thời gian để theo đuổi dòng phim chân dung văn nghệ sĩ, có thể ví mỗi văn nghệ sĩ như một bông hoa”.

Tiết lộ mới về bài hát của Trịnh Công Sơn

Mỗi phim chỉ dài 20 phút nhưng Lê Văn Duy phải mất hàng chục năm, thậm chí một đời để hiểu nhân vật của mình. Thông qua phim, khán giả sẽ biết thêm nhiều chi tiết về những người nổi tiếng mà mình mến mộ. Chẳng hạn phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đạo diễn Lê Văn Duy đã quay nhạc sĩ tài hoa này từ những ngày sau giải phóng đến trước lúc ông qua đời khoảng một tháng.

Trong phim về Trịnh Công Sơn, có chi tiết thú vị về ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên. Lâu nay, nhiều người cho rằng Trịnh viết bài hát này để tặng ca sĩ Khánh Ly. Trong phim, chính Trịnh Công Sơn nói - được Lê Văn Duy ghi hình trước lúc ông qua đời khoảng một tháng - rằng: Em còn nhớ hay em đã quên được sáng tác theo đơn đặt hàng của ông Võ Văn Kiệt. Chi tiết này giúp những ai yêu nhạc Trịnh hiểu hơn về một ca khúc nổi tiếng.

Đạo diễn Lê Văn Duy và các nhân vật trong loạt phim Những bông hoa tôi quen:
nhà thơ Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng và họa sĩ Vũ Hà Nam (từ phải qua)

Nhà thơ Trần Hữu Dũng và món quà của ông Võ Văn Kiệt

Đạo diễn Lê Văn Duy chia sẻ: “Những nhân vật của tôi, tôi đều hiểu họ kể cả các góc khuất, mất cả đời hiểu họ chỉ để ghi hình lại trong vài mươi phút”. Chẳng hạn về nhà thơ Trần Hữu Dũng, đạo diễn Lê Văn Duy tiết lộ: “Trần Hữu Dũng và những nhân vật tôi chọn làm phim, ngoài chuyện quen thân để hiểu nhau, đều là những người nổi tiếng. Vào giữa những năm 1990, tôi làm phim truyền hình Nàng hương dài 20 tập, trong đó diễn viên Lê Công Tuấn Anh đóng vai Trần Hữu Dũng. Nhưng Nàng hương chỉ thực hiện được 6 tập rồi phải dừng lại do Lê Công Tuấn Anh qua đời đột ngột năm 1997”.

Phim Nàng hương làm về cuộc đời nhân vật Hai Lúa. Lâu nay, Hai Lúa được xem như một nhân vật dân gian. Thế nhưng, trước khi trở thành người của dân gian, Hai Lúa là một người có thật. Tên thật của Hai Lúa là Võ Văn Chung, thường gọi ông Hai Chung, quê ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nổi tiếng khắp miền Tây Nam bộ thời sau giải phóng - được dân gian gọi nôm na là Hai Lúa.

Vậy Hai Lúa có liên quan gì đến nhà thơ Trần Hữu Dũng?

Năm 1978, cậu sinh viên Trần Hữu Đức (tức nhà thơ Trần Hữu Dũng) đang học ngành Nông Lâm Súc - ĐH Cần Thơ, được thầy Xuân (GS Võ Tòng Xuân) đưa về thực tập tại huyện Chợ Gạo. Trần Hữu Đức làm tổ trưởng đợt thực tập năm đó, nhóm sinh viên ăn ở trong nhà ông Hai Lúa. Do học giỏi, lại là đồng hương với ông Hai Lúa nên Trần Hữu Đức được Hai Lúa hứa gả con gái.

Nhận xét về các chân dung văn nghệ sĩ vừa được Lê Văn Duy thực hiện, nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói vui: “Những “bông hoa” anh Lê Văn Duy “quen” nên gọi là những cây xương rồng trổ hoa mới đúng. Vì người nào cũng có một chân dung đầy góc cạnh của riêng mình”.

Thời gian ở nhà ông Hai Lúa, Trần Hữu Đức đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện ly kỳ về nhân vật này. Trong đó có chuyện ông Võ Văn Kiệt - lúc đó làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đến thăm ông Hai Lúa vào giữa đêm khuya. Trần Hữu Dũng và Hai Lúa đã tiếp chuyện người sau này làm Thủ tướng. Sau cuộc gặp giữa đêm vào năm 1978 với ông Võ Văn Kiệt, cậu kỹ sư nông nghiệp tương lai Trần Hữu Đức được ông Võ Văn Kiệt tặng một chiếc xe đạp, với lời dặn: “Phải học thật xuất sắc”. Tuy vậy, do những ngã rẽ cuộc đời, kỹ sư Trần Hữu Đức giờ trở thành nhà thơ cách tân Trần Hữu Dũng.

Trang Thế Hy tìm thấy bóng dáng vợ nhờ phim

Đạo diễn Lê Văn Duy năm nay 69 tuổi, ông từng nhiều năm làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Trong sự nghiệp đạo diễn của mình, Lê Văn Duy chú trọng đến mảng phim chân dung, vì theo ông: “Thông qua chân dung người nổi tiếng, chúng ta có thể đi sâu khám phá về một thời kỳ”.

Lê Văn Duy cho biết, thời còn ở “trong rừng”, ông đã chú ý đến việc ghi hình các văn nghệ sĩ và những nhân vật quan trọng. Sau giải phóng, các đài truyền hình cần hình tư liệu nhân vật nào thời ở chiến khu đều tìm đến ông. Theo Lê Văn Duy: “Vì chúng ta chưa ý thức được việc làm tư liệu về các văn nghệ sĩ, nên đến bây giờ hình ảnh nhiều người nổi tiếng rất mờ nhạt”.

Làm phim tài liệu chân dung người nổi tiếng tưởng dễ nhưng thật khó. Đơn giản vì nhiều người nổi tiếng không muốn xuất hiện trên màn hình. Nhà văn Trang Thế Hy nổi tiếng với câu nói: “Đi chỗ khác chơi” là một người như vậy. Để ghi hình Trang Thế Hy, Lê Văn Duy đã mời NSND Phạm Khắc - một người thân của Trang Thế Hy - đi cùng. Sau khi “đột kích” vào nhà Trang Thế Hy ở Bến Tre, Lê Văn Duy cứ thế ghi hình cuộc trò chuyện một cách tự nhiên chứ không dàn dựng. Đến độ, sau này phim về Trang Thế Hy chiếu trên truyền hình, nhà văn “đi chỗ khác chơi” thấy lại hình bóng người vợ quá cố của mình đang ngồi nhặt rau và ông đã liên lạc với nhà đài để xin một đĩa phim, nhằm lưu dấu hình dáng người vợ thân thương.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm